Cầu thủ bóng đá duy nhất lịch sử đoạt Nobel Văn học – PHANBOOK.VN

Cầu thủ bóng đá duy nhất lịch sử đoạt Nobel Văn học

Đó là Albert Camus, ông chơi ở vị trí thủ môn và sau này là nhà văn nổi tiếng, đoạt Nobel.

Albert Camus - nhà văn, nhà triết học người Pháp, tác giả cuốn Người xa lạ lừng danh - là cầu thủ bóng đá duy nhất trong lịch sử thế giới đã đạt giải Nobel Văn học. Ông từng chơi bóng chuyên nghiệp trong thời niên thiếu ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ Racing Universitaire Algerios, một đội bóng trường đại học sau này đã giành chức vô địch Cúp Bắc Phi. Câu nói của ông về bóng đá là một trong những câu trích dẫn nổi tiếng nhất về môn thể thao này, được rất nhiều người hâm mộ chọn in lên áo phông của họ: “Tất cả những gì tôi biết chắc chắn nhất về đạo đức và nghĩa vụ của con người đều là nhờ bóng đá".

Một trong những giai thoại thú vị thường được nhắc tới khi nói về đam mê thể thao của nhà văn là câu chuyện vui khi được bạn bè hỏi xem liệu ông thích thứ gì hơn, sân khấu kịch nghệ hay bóng đá, Albert Camus đã ngay lập tức chọn bóng đá mà không có chút do dự nào. Trong tác phẩm Dịch hạch, ông thậm chí còn xây dựng hình ảnh nhân vật chính là người rất am hiểu về bóng đá và có một cuộc đối thoại sâu sắc về chiến thuật trong bóng đá với một nhân vật khác.

Arthur Conan Doyle, tác giả của bộ truyện trinh thám Sherlock Holmes, từng chơi ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ bóng đá Hiệp hội Portsmouth, một đội bóng không chuyên với tên hiệu AC Smith khi ông sống ở Southsea. Tuy nhiên câu lạc bộ này đã tan rã vào năm 1896 và không có mối liên hệ gì với đội bóng Portsmouth FC nổi tiếng ngày nay.

JK Rowling từng bị phát hiện là đã bí mật đi xem đội West Ham United thi đấu sau khi trở nên thành công với bộ tiểu thuyết Harry Potter. Có thể bà không phải là fan nổi tiếng đầu tiên của đội bóng này phải làm như vậy, nhưng việc có những cầu thủ “The Hammers” - biệt danh của đội bóng West Ham United trong đời thực - đã từng xuất hiện trong tập truyện thứ nhất (Harry Potter và hòn đá phù thủy) và tập truyện thứ tư (Harry Potter và chiếc cốc lửa) cũng khiến không ít độc giả có thắc mắc. Khi nhà văn được một nhóm sinh viên Mỹ hỏi xem liệu chi tiết này trong truyện có liên quan gì tới đội bóng đá cùng tên ở ngoài đời không, bà đã trả lời: “Các bạn có một đội bóng đá Mỹ nào tên là West Ham à?”

Anthony Burgess là tác giả của tiểu thuyết giả tưởng A Clockwork Orange (tạm dịch là “Cỗ máy màu cam”), cuốn sách đã được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng cùng tên do Stanley Kubrick làm đạo diễn và sản xuất. Ông là một người hâm mộ bóng đá và từng viết: “Năm ngày đầu, bạn phải lao động, như Kinh thánh nói. Ngày thứ bảy là ngày của Chúa. Ngày thứ sáu dành cho bóng đá". Burgess vẫn tiếp tục viết về bóng đá cho đến tận những năm 70 tuổi, trong đó có một bài luận về thảm kịch chen lấn giữa các cổ động viên ở sân vận động Hillsborough năm 1989 khiến 96 người thiệt mạng.

Sir Walter Scott là nhà văn, nhà thơ lớn người Anh, tác giả của cuốn tiểu thuyết kinh điển Ivanhoe. Ông đã hâm mộ bóng đá từ những ngày mà các cú đánh bóng đốn người trên sân chưa bị cho là phạm luật bởi các nhà làm luật. Có một lần nhà văn viết tường thuật cho trận bóng giữa hai đội Ettrick và Selkirk của Scotland đăng trên tạp chí Edinburgh, ông đã viết: “Và nếu, bởi một sự không may mà bạn bị ngã, thì còn nhiều thứ trên đời tệ hại hơn là một cú ngã trên cỏ thạch nam. Và cuộc đời bản thân nó đã là một trận bóng đá rồi".

Martin Amis, tác giả của Money (Tiền – Thư tuyệt mệnh), từng viết: “Những người yêu bóng đá có trí thức là một mớ rầy rà, bị xem thường bởi cả những người trí thức lẫn những người yêu bóng đá, là những kẻ xem sự say mê của chúng tôi là đua đòi, giả vô sản, thậm chí là đồng tính". Trong một bài phỏng vấn thực hiện bởi Telegraph nói về chuyện viết, nhà văn đã bắt chước một cầu thủ bóng đá và nói rằng: “Tôi vẫn có thể cáng đáng được ở hàng tiền vệ. Đấy cũng là một công việc tốt, bởi vì bạn biết nhiều hơn về trận đấu".

Martin Amis đã chuyển tới sống tại Brooklyn, Mỹ từ năm 2011 và luôn nhớ về nước Anh với môn thể thao vua: “Điều tôi nhớ nhất về nước Anh là bóng đá. Thật thảm hại. Tôi thậm chí không thể bật tivi lên nữa. Công nghệ đã vượt quá khả năng của tôi. Tôi có những người bạn nói tiếng Anh đã nói là, chỉ cần có kênh Fox bạn sẽ xem được tất cả các giải ngoại hạng. Tôi thậm chí còn không thể bật ti vi lên. Thỉnh thoảng tôi thấy một bàn thắng kỳ lạ trên Facebook và sẽ đọc các bài tường thuật. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến vào mỗi buổi sáng là bóng đá. Tôi nghĩ tôi biết sự hấp dẫn của bóng đá là gì. Đó là môn thể thao duy nhất thường được quyết định bởi một bàn thắng, vì vậy áp lực trong mỗi phút giây của bóng đá mạnh mẽ hơn bất kỳ môn thể thao nào khác".

Ian McEwan là một trong 50 nhà văn người Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945 theo đánh giá năm 2008 của tờ The Times. Ông cũng từng sáu lần được đề cử cho giải Man Booker danh giá và chiến thắng năm 1998 với tác phẩm Amsterdam. Nhà văn đã từng thể hiện mình có thể trở thành một hình mẫu hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt khá lạ lẫm trong lễ hội Telegraph Hay Festival năm 2010 khi xem đội Manchester United bị Barcelona đánh bại ở trận chung kết Giải vô địch Liên đoàn bóng đá châu Âu Champions League qua một cặp kính 3D.

George Orwell, nhà văn nổi tiếng người Anh, lại có một sự ám ảnh kỳ lạ với bóng đá. Ông đã có nhiều đoạn viết khó hiểu khi nhắc đến môn thể thao này trong thư từ hay các tiểu luận của mình. Orwell từng theo dõi chuyến giao lưu của đội Moscow Dynamo của Nga tới nước Anh sau chiến tranh và viết cho bạn mình: “Tôi nghe nói trận đấu ở Glasgow là một cuộc đánh lộn tự do. Lại những tên Scotland hăng máu ấy, phải không? Họ là cái giống gì vậy?”

Trong bài luận The Sporting Spirit (“Tinh thần thể thao”), nhà văn viết về hỗn hợp độc hại của chủ nghĩa dân tộc và bóng đá rằng nếu muốn góp thêm vào cái quỹ khổng lồ của những ác ý bệnh hoạn trên thế giới, thì khó có việc gì có thể làm tốt hơn là tổ chức một loạt các trận đấu bóng đá giữa người Do Thái và người Ả Rập, Đức và Séc, Ấn Độ và Anh, Nga và Ba Lan, Ý và Nam Tư, mỗi trận đấu sẽ được xem bởi 100.000 khán giả… Bóng đá không có gì là công bằng cả. Nó bị ràng buộc với sự hận thù, ghen tuông, khoe khoang, bất mãn với tất cả các quy tắc và có cả niềm vui tàn bạo khi chứng kiến cảnh bạo lực: nói cách khác, đó chính là chiến tranh bỏ đi việc nổ súng".

Jean Paul Sartre - nhà văn người Pháp và triết gia hiện sinh nổi tiếng thế giới là một khán giả có niềm khao khát mãnh liệt với bóng đá. Trong bài luận “Critique of Dialectical Reason” (“Phê phán lý trí biện chứng”), Sartre nhận xét, với cách nói theo kiểu uyên thâm của huấn luyện viên Harry Redknapp: “Trong một trận đấu bóng đá, mọi thứ trở nên phức tạp bởi sự hiện diện của đội bóng khác".

Stephen Fry, diễn viên hài và cũng là tiểu thuyết gia bán chạy hàng đầu từng được bầu làm chủ tịch ban điều hành câu lạc bộ bóng đá Norwich City vào năm 2010. Ông đã chia sẻ tại thời điểm đó: “Từng là một cầu thủ bị các huấn luyện viên thành công của đội Norwich City bỏ qua bao nhiêu năm vừa rồi, bây giờ tôi đã đi đến kết luận buồn là có lẽ tôi chưa bao giờ được chọn để chơi cho đội hình đầu tiên… nhưng thực sự đây là một trong những ngày thú vị nhất trong cuộc đời tôi và tôi rất tự hào và hài lòng hết mức có thể". Năm 2016 Stephen Fry từ nhiệm, rời khỏi vị trí này sau hơn 5 năm nhận chức để trở thành đại sứ của đội bóng. Vào tháng 2 năm 2014 nhà văn cũng được bầu làm chủ tịch danh dự của một câu lạc bộ dành riêng cho các fan là người đồng tính, song tính và chuyển giới của đội Norwich City.

Salman Rushdie thường tự xưng mình là một fan của đội bóng Tottenham. Năm 1999, ông đã viết một bài báo gồm 8 trang đăng trên tờ The New Yorker có tiêu đề“Trò chơi của nhân dân, nền giáo dục của một người hâm mộ bóng đá”. Tuy nhiên trong đó có hai chỗ nhầm lẫn lớn mà không ai nói cho nhà văn biết trước khi gửi in, đó là huấn luyện viên Bill Nicholson vĩ đại của đội Tottenham không phải là “người Scotland”, và huấn luyện viên của đội Manchester United cũng không chết trong vụ tai nạn máy bay ở Munich. Dù sao thì nhà văn người Anh gốc Ấn, tác giả của tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm sắp được Netflix chuyển thể thành chuỗi phim truyền hình vẫn thường xuyên xem bóng đá và rất thích chia sẻ cảm xúc về kết quả thắng trận của đội bóng yêu thích của mình trên mạng xã hội Twitter.

Jo Shapcott là nhà thơ nữ, biên tập viên người Anh từng đoạt nhiều giải thơ lớn và được trao tặng Huy chương vàng của Nữ hoàng Anh cho Thi ca năm 2011 cũng là một cổ động viên của đội Arsenal. Tại lễ hội Telegraph Hay vào năm 2011, nhà thơ nói rằng bóng đá là một trong những tình yêu tuyệt vời của cuộc đời cô, và lối đá bóng của Arsenal dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Arsene Wenger đã khiến cô chao đảo.

Oscar Wilde, kịch tác gia, nhà văn, nhà thơ vĩ đại người Anh - tác giả của những tác phẩm thơ mộng như Hoàng tử hạnh phúc, Họa mi và hoa hồng có vẻ không giống một người hâm mộ bóng đá lắm. Tuy nhiên ông đã có những câu nói rất dí dỏm về môn thể thao thú vị này: “Bóng đá nhìn chung là rất tốt như một trò chơi dành cho các cô gái thô kệch, nhưng nó hầu như không thích hợp cho các chàng trai tinh tế". Ông cũng viết: “Bóng bầu dục là một trò chơi dành cho những người man rợ được chơi bởi các quý ông. Bóng đá là một trò chơi dành cho các quý ông được chơi bởi những người man rợ".

Nguồn: Thanh Bình/Zing.vn

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

Quà tết sách PATRICK MODIANO Kho đựng nỗi đau Hoa của phế tích Con chó mùa xuân PhanBook tuổi trẻ lạc lối nobel van chuong sách tieu thuyet Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Tủ sách Tân nhạc Nguyễn Ngọc Tư Biên sử nước tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư Tủ sách danh tác tủ sách danh tác giải trí tin tức COVID-19 CARL HONORÉ ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS GIẢI PHÁP TỪ TỐN Mekong Sông Mekong Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ Đầm Lầy David Biggs Brian Eyler bao chi gioi thieu sach Cẩm Giàng Cảm nhận Nguyen Tuong Bach Nguyễn Tường Tam Nguyễn Tường Thiết Nhất Linh Nhất Linh Cha Tôi PHANBOOK Sách mới lính Hàn Nguyễn Ngọc Tuyền Park Chung Hee Phong Nhất Phong Nhị Điện Bàn 1968 Koh Kyoung Tae Wu Ming-Yi Chiếc xe đạp mất cắp Man Booker2018 văn học Đài Loan WU MING YI nobel 2018 nganh xuat ban xuat ban giai man booker Patrick Modiano con chó mùa xuân kho đựng nỗi đau ký ức Con tim thủy tinh yêu thương đau khổ FREDERIC LENOIR Peter Frankopan cuộc thập tự chinh thứ nhất KHI BỐ CÒN THƠ 1 ALEXANDER RASKIN binh luan nguyễn vĩnh nguyên an ninh mạng BỊ THEO DÕI công nghệ máy tính Edward Snowden Con Chó Mùa Xuân Kho Đựng Nỗi Đau Phanbook Văn học Pháp Coronavirus ĐI TÌM HẠNH PHÚC Frederic Lenoir Du Tử Lê Những tùy bút cuối cùng chinh tri Donald Trump thơ André Gide Dụ ngôn đứa con hoang đàng đứa con đi hoang trở về Dưới mái hiên đêm những khách lạ Hiền Trang Văn học trẻ Đại dịch event sự kiện Flannery O'connor heinrich boll Kim Ân Những con đường tơ lụa The silk roads 1/6 Sách thiếu nhi Khuyến mãi KHUYẾN MÃI SALE THÁNG 3 WOMENSDAY QUỐC TẾ PHỤ NỮ SÁCH SALE MỌT SÁCH SĂN SALE PHANBOOKSALE Bùi Giáng Tuyển tập luận đề Bùi Giáng bình Kiều Bùi Giáng giảng Lục Vân Tiên truyện Phan Trần Chinh phụ ngâm Đà Lạt Nguyễn Vĩnh Nguyên Thảo Nguyên lên đồi hái sim Quốc Bảo Những lời bình yên Nhạc sĩ Quốc Bảo ca từ Nghe thuat hoa binh Ueshiba Morihei Aikido nguyen ngoc tu Biên Sử Nước ra mắt và ký tặng sách Maria Strasakova Ocean Vuong MacArthur Trời đêm những vết thương xuyên thấu thư gửi mina thuận bình luận Thương nhớ hoàng lan Trần Thùy Mai Trăng nơi đáy giếng Thập Tự Hoa Một chút màu xanh Nguyen Ngoc Tu Co dinh mot dam may nhạc sĩ Lam Phương qua đời Tin tức Báo chí Sách Tâm nhạc sĩ Quốc Bảo 7/7 GIOITHIEUSACH Phanbook event Nhất Linh cha tôi Văn hóa Sài Gòn Tủ sách biên khảo Sài Gòn man booker 2018 Sách hay 2019 Đà Lạt bên dưới sương mù Khó mà tìm được một người tốt TÁM THÁNG BA 8/3 GIẢM GIÁ giáo dục en Giải Thiên tài Khi bố còn thơ góp lá mùa xuân hoa của phế tích Văn chương của ký ức Phạm Công Luận khuyến mãi lịch xuân 2021 Thích Nhất Hạnh Đạt Lai Lạt Ma lịch bàn lịch bloc lịch treo tường Hiện pháp lạc trú Suối nguồn an vui PhanbookSale TẾT ĐỌC SÁCH - VƯỢT THỬ THÁCH jack weatherford Tuyển Tập Luận Đề Review Anthony Bourdain Kitchen Condidential hai tam hon trong dem Sống chậm cùng con Carl Honoré Tuổi thơ tìm thấy Không việc gì phải vội Corey Pein Thung lũng Silicon Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Tản văn Giải sách hay 2019 Con gà đẻ trứng vàng Mỗi hơi thở một nụ cười Nguyễn Gia Trí Tố Như sale ValentinesDay Khúc thụy du Chúng ta những con đường Giữ đời cho nhau Yêu thương là tự do Tụng ca tình yêu Hai tâm hồn trong đêm Tình yêu Thuận Quảng Nam thảm sát Thích Phước An hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Tuần sách Văn Lang Phanbook_TuansachVanLang SÁCH THIẾU NHI Kafka Hemingway Điểm sách Dostoevsky Shakespeare Lev Tolstoi Tùy bút Về Huế Trần Kiêm Đoàn Huế Thành phố buồn tran le son y yeu thuong la tu do