Khi niềm tin lạc lối về
“Hãy tin tưởng nơi người bán thuốc của bạn”
Dòng chữ đỏ trên biển hiệu quảng cáo cứ nhấp nháy trong tưởng tượng của tôi khi gấp cuốn sách lại. Nếu đã đọc “Dưới cái nhìn của anh hề” chắc chẳng ai quên được những đoạn đối thoại kịch tính, một giọng văn được tinh lọc từ một trí tuệ tuyệt vời thì với “Lạc lối về” sự hoài nghi về niềm tin đang dần trôi mất đã neo đậu vào tim người đọc những cảm xúc hoang vắng lạ lùng.
Cuốn sách như một cuốn nhật ký viết chung giữa một cặp vợ chồng sống trong bối cảnh xã hội hậu chiến, khó khăn, tan vỡ. Người chồng cố gắng dành dụm tiền với hi vọng đủ thuê nhà trọ sống với vợ vào những buổi tối cuối tuần, có tiền dẫn vợ tham dự vào những hoạt động xã hội tối thiểu của một con người, nhưng dường như ông bất lực. Ông tìm cách đi vay mượn, và cuối cùng vẫn phải xoay sở từ người cha của mình.
Fred không về nhà, không sống cùng vợ con, tại sao ông phải chịu cảnh sống cô độc nhường vậy? Ông sợ, sợ sự bức bách nơi mình biến dạng thành những hành động gây chấn thương tinh thần cho những đứa con ông thương yêu. Kate hiểu rõ điều đó, cô nói dối con về sự vắng mặt của bố chúng, bởi vì hơn ai hết cô biết chồng mình đang trong tình trạng khủng hoảng niềm tin, như một con tàu không bánh lái mà cô cố gắng điều chỉnh nó đi đúng hướng dù hoàn cảnh của hai người như bơi giữa sương mù chẳng có lối ra.
Trước khi gặp nhau, hai vợ chồng đã đến một quán nhỏ dùng bữa, nhìn thấy đứa trẻ bệnh tật nơi góc quán, là em trai của cô gái phục vụ cà phê cho họ. Hình ảnh ấy ám gợi cả hai, dấy lên trong họ những xung động dịu dàng ám ảnh. Đứa trẻ ấy có nhận thức được thế giới không? Vậy nó có hạnh phúc hơn khi không cảm nhận được nỗi chán chường và bất hạnh của thân phận một-con-người không?
Ngay cả khi nằm bên vợ, Fred cũng chỉ có thể nhìn thấy hàng chữ quảng cáo. Nhắm chặt mắt lại, dòng chữ ấy vẫn dán chặt vào tâm trí ông như một biểu tượng niềm tin khi con người ta chẳng còn biết tin vào điều gì nữa. Một tách cà phê, một mẩu bánh mì, và một điếu thuốc lá, cuộc đời người ta sống chỉ còn biết bám víu vào những thứ hiện hữu đó, để tin mình đang sống, đang tồn tại, sau những mất mát đổ vỡ mà chiến tranh tạo ra.
Kate cũng chẳng mạnh mẽ hơn chồng là bao, nhưng cô còn một đàn con, còn một gia đình phải chăm sóc, và cô là tấm vải buồm căng mình cho con tàu của gia đình không chìm giữa vực thẳm của nỗi thất vọng, của sự hoang mang, của niềm tin rạn vỡ. Người phụ nữ hi sinh và chịu đựng ấy, cảm thấy niềm hạnh phúc bé mọn mỗi tuần vào giây phút chờ đợi được gặp chồng, và được tô vào môi cây son mới chưa đủ tiền trả. Màu môi ấy mới tươi làm sao, tươi như cánh hoa cố kéo dài chút sắc màu trước giây phút lụi tàn.
Chỉ là câu chuyện của một gia đình, vài mẩu nhỏ vụn vặt từ một cặp vợ chồng đã vẽ được bức tranh toàn cảnh cho xã hội đương thời. Những giá trị con người ta đang cố xây nên đều vỡ, khi niềm tin đã lung lay lạc lối về, thì con người ta còn biết bám víu vào nơi nào để tồn tại?
Fred có đủ dũng cảm bước qua nỗi sợ để trở về với vợ con, với gia đình khi tiền bạc đã chi phối hoàn cảnh của người đàn ông tràn đầy kiêu hãnh nhưng cũng vô cùng sợ hãi trước hoàn cảnh hiện tại? Sức mạnh của đồng tiền chi phối cuộc sống thật mạnh mẽ dường nào, và nếu ai đã đọc qua bài diễn từ Nobel của tác giả, chắc hẳn sẽ không quên những suy nghĩ vô cùng thiết thực và lý thú của ông về tiền.
Có lẽ, điếu thuốc trên môi sẽ có ích hơn khi chúng tự thiêu cháy mình giúp bạn ấm hơn, thành thật hơn với mình dù trong khoảnh khắc trước khi làn khói tan loãng. Chính vì vậy mà dòng chữ quảng cáo kia cứ nhảy múa, nhấp nháy giữa hai con người, hai số phận được mặc định là chồng vợ, được kết nối bởi những đứa con, bởi trách nhiệm, bởi cả sự thất bại trong cuộc chiến sinh tồn.
Bạn tin vào điều gì trong đời sống của mình? Thật khó để trả lời câu hỏi mang nhiều hoài nghi và bí ẩn nhường ấy. Khi hoang mang, người ta thường tìm kiếm niềm tin nơi tôn giáo, vào Chúa, vào Phật, vào những đấng quyền năng siêu nhiên mà đôi khi quên mất, trái tim mình chính là nơi cần đưa dẫn bước chân lạc lối quay về.
Phi Yến