Khó mà tìm được một người tốt – PHANBOOK.VN

Khó mà tìm được một người tốt

Sinh ra và lớn lên ở bang Georgia, văn chương của Flannery O’Connor gắn liền với bối cảnh miền Nam nước Mỹ, nơi các vấn đề chủng tộc, bạo lực và đức tin đã trở thành trung tâm trong sáng tác của bà.

Là một tượng đài trên văn đàn Mỹ, Flannery O’Connor, trong khoảng thời gian ngắn ngủi 39 năm của cuộc đời, đã để lại 2 tiểu thuyết và 32 truyện ngắn. Thế giới hư cấu của miền Nam nước Mỹ đậm đặc bạo lực và tinh thần tôn giáo, qua trang văn của bà vĩnh viễn trở thành một tầm mức thành tựu mà ít có nhà văn nào đạt được. Tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của O’Connor, Khó mà tìm được một người tốt, đã trở thành hình mẫu kinh điển cho nghệ thuật truyện ngắn hiện đại.

Khó mà tìm được một người tốt gồm 10 truyện ngắn tập trung khắc họa đời sống thường nhật của người dân ở miền Nam nước Mỹ. Một gia đình nhỏ trong một chuyến đi đến Florida; hai ông cháu từ miền quê lần đầu đi tàu ra thành phố, lần đầu nhìn thấy những người da màu; một anh chàng bán Kinh thánh rong nay đây mai đó; một gia đình người tị nạn đến giúp việc ở một trang trại nhỏ… Những câu chuyện rất đỗi bình thường ấy lại ẩn chứa những kịch tính bất ngờ, nơi yếu tố bạo lực làm rúng động đức tin, nơi sự tàn nhẫn của con người sinh ra từ mông muội, nơi cái ác được thực thi một cách thản nhiên do những ghen tị nhỏ nhen mù quáng…

O’Connor có biệt tài xây dựng cốt truyện cuốn hút với những cú ngoặt phi logic tinh quái. Bất ngờ là yếu tố chủ đạo trong truyện của bà. Bà liên tiếp gây ra những cú sốc cho độc giả, là nơi thi triển nghệ thuật kể chuyện của mình: viết như một hành động khám phá. O’Connor tâm sự rằng bà thường xuyên không biết câu chuyện của mình sẽ tiến triển thế nào khi viết một truyện ngắn. Chính bà cũng không đoán được kết truyện cho đến khi đến gần sát đó. Những tình tiết diễn ra, đối với bà, là không thể tránh khỏi. Các câu chuyện bình dị trong Khó mà tìm được một người tốt đều bắt đầu êm ả, một thằng bé được người trông trẻ dẫn về nhà mình, một bà già và cô con gái ngồi trên hiên nhà nhìn thấy một người đàn ông lạ xuất hiện trên đường, một vị tướng già chuẩn bị đến dự lễ tốt nghiệp của cháu gái.

Sự xuất hiện bất ngờ của những nhân vật lạ kỳ chính là yếu tố phá tan những bối cảnh yên bình đó. Hiện rõ mồn một trong những nhân vật nghịch dị ấy là cái ác. Các nhân vật của bà thực hiện cái ác một cách đột ngột, thản nhiên, không nao núng, như thể đả kích cho những mâu thuẫn đến bờ vực của phun trào. Câu chuyện của O’Connor được kể bằng người kể chuyện dửng dưng, như vị Chúa trời không can thiệp, để những mặt trái đen tối của tâm hồn con người, những góc khuất, bày ra trên trang viết.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đạo diễn điện ảnh nổi tiếng chuyên dòng phim bạo lực lại công khai thừa nhận sự ảnh hưởng của Flannery O’Connor lên các bộ phim của mình. Anh em nhà Cohen coi Khó mà tìm được một người tốt là một trong những tác phẩm bắt buộc phải đọc và ngưỡng mộ O’Connor một cách thành kính, còn Quentin Tarantino thì coi bà như hình mẫu về sáng tạo nghệ thuật. Người xem có thể tìm thấy sự tương đồng giữa những bộ phim của họ và truyện ngắn của O’Connor, yếu tố bạo lực được triển khai tràn lan, và nhân tính con người khi đương đầu với bạo lực thì bị bẻ cong hay hủy diệt.

Như chính tác giả đã giãi bày về truyện ngắn được lấy làm tiêu đề Khó mà tìm được một người tốt, O’Connor cho biết những lý do sử dụng yếu tố bạo lực bởi bà phát hiện ra rằng, “bạo lực có khả năng một cách kỳ lạ trong việc đưa các nhân vật trở lại với hiện thực và chuẩn bị cho họ chấp nhận giây phút được ân sủng”. Những giây phút đốn ngộ trong các truyện ngắn của bà, là lúc nhân vật nhận ra bản chất thực sự của mình, của đồng loại. Độc giả khám phá ra con người của nhân vật cùng lúc với chính họ, như giây phút người bà trong truyện ngắn Khó mà tìm được một người tốt; hay người ông trong truyện Gã da đen nhân tạo nhận ra sự hèn kém, kiêu ngạo của bản thân và đau khổ mà khát khao được khoan dung từ Chúa; hay đơn giản là người phụ nữ tưởng mình bệnh sắp chết nhưng nhận ra cái gì thực sự đang chờ đón mình trong Cú may mắn bất ngờ. 

Các câu chuyện của O’Connor thường bị coi là nghịch dị, nhưng với chính tác giả, bà lại coi là lẽ thường của cuộc đời. Bạo lực không bao giờ bị bà, một cây viết nghiêm túc, coi là cứu cánh. Các nhân vật được bà đẩy vào những tình huống oái oăm, bị giằng xé trong những hoàn cảnh khắc nghiệt làm rúng động tâm can, thậm chí đối mặt với cái chết. Bởi lẽ, chỉ trong những cảnh huống cực đoan như vậy, chân tính của con người mới bộc lộ, cái chân tính mà nhân vật sẽ mang theo mình đến vĩnh cửu.

Bằng một giọng kể lôi cuốn cộng với phong cách dựng truyện hấp dẫn, giàu kịch tính, đầy hài hước, Flannery O’Connor đã dựng lên cả một thế giới đặc trưng của văn chương miền Nam nước Mỹ. Tàn bạo, không khoan nhượng với những chi tiết nghịch dị, ám ảnh, đầy chất “hài hước đen”, xoay quanh những nhân vật mà dường như chung cuộc họ đều phải đứng trước sự phán xét của một Thượng đế vô hình, khắc nghiệt, không chút từ tâm.

Zét Nguyễn

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis