Nhạc sĩ Lam Phương: Chút tình trong ‘Trăm nhớ ngàn thương’
Cuốn sách viết về Lam Phương thú vị nhờ những câu chuyện đằng sau các ca khúc nằm lòng với khán giả Việt, nhưng bấy nhiêu chưa đủ để nói về những gì được viết trong "Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương".
Chân dung nhạc sĩ Lam Phương, nói cho cùng, dù có tích góp mọi tư liệu, lắng nghe câu chuyện kể từ những người xung quanh cũng không bao giờ hoàn thiện nếu vắng những chia sẻ từ tác giả. Nhưng nếu tự mình viết ra, liệu Lam Phương có cơ hội “nhìn ngắm” chân dung của chính mình qua lời kể từ người thân, từ những người từng tiếp xúc với nhạc sĩ?
Cũng vì lẽ đó, Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương là cuốn sách dù khuyết một chút tâm tư của chính nhạc sĩ nhưng cũng chất chứa nhiều tâm tình, đủ thuyết phục những ai mong ngóng về cuốn sách đầu tiên phác hoạ chân dung vị nhạc sĩ đáng kính.
Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương được chấp bút bởi nhà báo Nguyễn Thanh Nhã, đề cương nội dung do Phanbook thực hiện. Sách chia làm 5 phần: Kiếp nghèo, Sài Gòn ngày hôm qua, Một mình và 2 phần Phụ lục.
Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương do nhà báo Nguyễn Thanh Nhã chấp bút
Trong sách, một phần gần như trọn vẹn những ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ Lam Phương được điểm lại về hoàn cảnh sáng tác, nội dung ca khúc. Trong đó, Kiếp nghèo, ca khúc giúp nhạc sĩ thoát nghèo, được nhắc đến nhiều.
Nhưng vẽ chân dung Lam Phương, nếu không kể những chuyện tình của ông – chất xúc tác lớn để Ngày hạnh phúc, Lầm, Thiên đường ái ân, Bài tango cho em, Một mình... ra đời, là một thiếu sót.
Vì thế, những giai thoại về các bóng hồng đi qua đời Lam Phương được điểm lại. Mối tình với ca sĩ Bạch Yến - tình đầu, để lại cho nhạc sĩ Lam Phương nỗi đau lớn vì nữ ca sĩ từ chối lời cầu hôn.
Với nghệ sĩ kịch nghệ Tuý Hồng (tên thật Trương Ánh Tuyết) là một nỗi đau khác. Cả hai về chung một nhà năm 1959. Thời điểm này, sự nghiệp âm nhạc thăng hoa, Lam Phương viết Ngày hạnh phúc. Giai điệu ca khúc vang vọng khắp các ngõ hẻm Sài Gòn, ru 2 con gái của cặp đôi, Lâm Ánh Hằng và Lâm Ánh Loan những giấc ngủ đầu đời.
Không chỉ hoàn cảnh sáng tác mà những câu chuyện đằng sau sự ra đời của các ca khúc cũng được tiết lộ
Nhưng, Lam Phương không ngờ thời điểm cả gia đình bước lên con tàu để sang Mỹ cũng là thời điểm ông liên tiếp đón những tin buồn. Năm 1979, mẹ mất và cùng năm, ông chia tay Tuý Hồng sau 20 năm sống chung.
Lam Phương viết Khóc mẹ trong đau đớn: Con ra đi trong giờ mẹ hấp hối/Để muôn đời thành kẻ vong ân. Và một giai điệu cũng buồn thương không kém trong Lầm – ông viết cho vợ cũ Tuý Hồng: “Con tim nào không đổi thay/Cuộc tình nào không lắm hận sầu/Ngọc đèn vàng lung linh hè phố/Điệu nhạc buồn văng vẳng đâu đây/Chỉ thêm làm giá lạnh đêm nay”. Những năm 1980, qua tiếng hát của Elvis Phương, Lầm quay ngược về quê nhà như một lời thông báo rằng Lam Phương và vợ đã không còn ngày hạnh phúc.
Sau Tuý Hồng, Lam Phương sang Pháp ở cùng em gái và không lâu sau cuộc tình với Cẩm Hường chớm nở. Nhạc sĩ trở lại những ngày tháng viết nhạc hăng say nhất với Thiên đường ái ân, Bài tango cho em...
Nhưng sau hơn 10 năm, vào một sáng mùa thu 1990, nhìn thấy Cẩm Hường đang quét sân trong tiết trời Paris mịt mù sương, Lam Phương viết Một mình giữa lúc vẫn đang say đắm bên người phụ nữ này. Dự cảm một cái kết buồn sắp xảy đến và thật, cuộc hôn nhân lần 2 kết thúc. Lam Phương trở về Mỹ và thêm một lần ông yêu nhưng cuộc tình cũng sớm lụi tàn.
Những tâm tư từ một số cá nhân từng gặp nhạc sĩ Lam Phương sẽ được chia sẻ trong sách
Gia tài 217 ca khúc của Lam Phương chất chứa nhiều tâm sự mà không chỉ ông và những người trong cuộc hiểu mà những người nghe nhạc xa lạ cũng dễ đồng cảm, hiểu thấu. Trong số gia tài ca khúc ấy, tất cả nội dung như một cuốn phim về cuộc đời Lam Phương mà phần tình yêu đôi lứa gần như chiếm trọn. Yêu thương đấy rồi đau đớn, buồn khổ đấy nhưng vắng những tột cùng cảm xúc này, âm nhạc Lam Phương liệu có sống trong lòng người nghe nhạc lâu đến thế!
Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương ra mắt trong dịp kỷ niệm 70 năm âm nhạc của nhạc sĩ. Theo đó, ngoài cuốn sách, chuỗi liveshow Trăm nhớ ngàn thương cũng sẽ được diễn ra tại Hà Nội (9/11/2019), Sài Gòn (7/12/2019) và sau đó, dự kiến tại Đà Lạt, Kiên Giang.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, tại Rạch Giá (Kiên Giang).
Năm 1947, ông lên Sài Gòn học và theo đuổi đam mê âm nhạc. Năm 15 tuổi, ông công bố ca khúc đầu tay và ngay sau đó, nhanh chóng được công chúng biết đến. Ông trở thành một hiện tượng ăn khách nhất của sân khấu, âm nhạc miền Nam trong thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970. Năm 1975, ông sang định cư tại Mỹ.
Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Từ năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và trải qua nhiều đợt điều trị. Hiện ông đang sống cùng em gái ruột tại Mỹ.
Diễm Mi
Theo Phụ Nữ Online