Những người lính - những cây Đời
Những người lính - những cây Đời
Người Trung Quốc từng truyền nhau câu “Hảo hán không đăng lính, sắt tốt chẳng làm đinh”. Có lẽ câu nói trên xuất phát vào thời điểm nỗi chán ngán khi vào quân ngũ của nam nhân Trung Hoa đã lên đến tột độ? Dù có thể câu này là sự bao biện của những kẻ muốn trốn tránh nhiệm vụ, tự đề cao thân phận mình là “hảo hán”, “sắt tốt”, nhưng cũng không thể phủ nhận ý tứ sâu cay, đầy châm biếm về thân phận lính trong đó. John A. Haymond đã mạnh dạn đưa nội dung đầy tranh cãi này vào công trình của mình như một minh chứng cho góc khuất của nghề làm lính.
Cuốn “Những người lính” chúng ta có trên tay là kết quả của việc dày công chắt lọc, đánh giá những ghi chép, nhật ký, thư từ của các quân nhân trong suốt khoảng 150 năm với nhiều cuộc chiến tranh ở khắp mọi nơi trên thế giới như Đức, Nga, Ý, Mỹ, Nhật Trung Quốc.... Không nói về những chiến công hiển hách, không đi sâu vào sự kỳ công của những chiến thuật quân sự làm nên chiến thắng, cũng chẳng có những câu chuyện lãng mạn đậm màu lính tráng… Tập biên khảo vô cùng công phu này được John đúc rút từ chính những năm tháng dạn dày binh nghiệp của mình cùng lợi thế tư liệu dồi dào của các kho lưu trữ trong quân đội, và chỉ nói về những câu chuyện thực tế, vốn diễn ra nhưng ít được đề cập, những sự thật trần trụi đến ngỡ ngàng và đau đớn trong thế giới lính.
Thay vì tập trung mô tả những cảnh tượng lớn, kỳ vĩ như chiến thuật hành quân, công hãm trận địa, đánh chiếm thành phố, bày binh dàn trận… John lại zoom ống kính vào những góc nhỏ, gần, thô nhám nhưng vô cùng thực tế, thê thảm, đầy ức chế, ngược đời… đến mức những người từng trải qua thường muốn che giấu. Những cảnh nhỏ vừa lạ lẫm, vừa ám ảnh ấy là những tường thuật về câu chuyện bản năng con người.
*
“Bản năng là thứ không thể chối từ.”
Bỏ qua những khung cảnh hỗn loạn phía trước họng súng của người lính, tác giả xoay ống kính vào không gian phía sau, cũng hỗn loạn không kém, những phần mà người lính thường muốn quên, nhưng vẫn sống chung.
Trước khi nói về nhiệm vụ chính của lính là tham chiến, tác giả dành những chương đầu tiên để định nghĩa lại khái niệm “lính” và các vấn đề thường nhật của lính trước và trong khi tham chiến. Tưởng chừng vụn vặt và nhàm chán nhưng hóa ra John lại cung cấp cho chúng ta những sự thật ngỡ ngàng, giá trị và đáng chiêm nghiệm. Tác giả chứng minh được gần suốt thế kỷ 19, 2 lý do chính để nam giới dấn thân vào binh nghiệp là kinh tế và ý muốn phiêu lưu. Họ mong trốn tránh cuộc sống nhàm tẻ, nghèo nàn thường nhật với nhiều gánh nặng, tìm kiếm danh vọng bằng cách dấn mình vào cuộc sống lý tưởng mà những người tuyển mộ vẽ ra, trong khi đó chỉ có một số ít đăng lính vì lòng yêu nước. Một số bộ phận lính khác bắt buộc phải có mặt ở nơi đầy rẫy chết chóc vì sống dưới chế độ quân dịch cưỡng bức ….
Đằng sau mùi thuốc súng, là mùi của sự uế tạp, mất vệ sinh tại nơi đóng quân, của thực phẩm kém chất lượng, chất thải…. Bên cạnh những tiếng hô xung phong oai hùng còn là nỗi chán chường của những ngày chờ đợi giao tranh. Tác giả chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy giai đoạn chờ đợi tiến quân mới chính là lúc những người lính sợ hãi nhất. Thậm chí hậu cần không đảm bảo đã góp phần làm tổn hại sinh mạng và tinh thần của lính chiến không kém gì lửa đạn của kẻ thù.
Trong hoàn cảnh ấy, tinh thần và thể chất của người chiến sĩ vốn đã bị hư nhược ngay từ trước khi chính thức bước vào cuộc chiến. Từng trang tư liệu của John đều làm sống dậy một cuộc chiến khác của lính, đó là cuộc chiến với chính bản năng bên trong mỗi con người, cuộc vật lộn với sự trì trệ, thái độ đố kỵ, tham lam, nỗi tuyệt vọng, bi phẫn, đói khát, sự vô kỷ luật… đến từ chính cuộc sống họ đã lựa chọn.
Người đọc dễ để ý thấy tác giả rất hay sự dụng lối hành văn “Dù … vẫn đúng khi nói rằng….” hoặc “Tôi tin rằng sẽ không ngoa khi nói ….” …. hoặc tương tự như vậy để thể hiện sự đối lập giữa những ngộ nhận vốn có của chúng ta về nghề lính và thực tiễn ngỡ ngàng.
Người lính không ngần ngại bày tỏ nỗi oán hận, sự khinh bỉ trước những chỉ huy, dù sự kiện một vị tướng đến thăm trận địa vốn được xem là niềm vinh dự cho người lính ngoài mặt trận. Những chỉ huy bất tài và cả những tướng lĩnh có thái độ xa cách đều được lính tặng cho nhiều lời lẽ cay độc, thô lậu. Bạn đọc yêu thích văn học trào phúng sẽ tìm thấy một bài thơ giễu nhại Tướng Shute khiến người ta cười ra nước mắt.
Vỡ mộng sau những hão tưởng, bản năng con người xoay xở trong thực tại phũ phàng. Có bao nhiêu người trong số những người lính đó thực sự còn là “hảo hán”, “sắt tốt”?
*
“Kẻ thù của mình cũng chỉ đang làm nghề, nhưng ở phe đối diện.”
John có cách đánh giá riêng của ông về “hảo hán” và “sắt tốt”. Sự can trường giữa chiến trận của những người lính được nhắc đến rất ít trong tập sách này, thay vào đó tác giả nói đến thái độ nhân văn của họ đối với những người ở phía bên kia. Không ít lần giữa chiến trường, trong lúc tạm đình chiến, những người lính ở cả hai phe đã có những biểu hiện quý trọng nhau và coi nhau như bạn bè. Trong các ghi chép, thư từ gửi về cho người thân, họ cũng không giấu diếm sự nể phục đối với những con người có thể giết chết mình.
“Phản ứng của người lính trước sự rùng rợn của chiến tranh cũng như những góc khác trong nghề làm lính, thường khiến họ ngộ ra mình đồng cảm với kẻ địch từ đội quân đầu bên kia hơn là chính những người đồng hương ở quê nhà”.
John cũng một lần nữa định nghĩa lại khái niệm lòng dũng cảm của lính qua nhận định sâu sắc: “Một người kiểm soát được nỗi sợ của mình trước người khác sẽ trở thành một tấm gương lớn.” Ông không hề né tránh khi viết về nhiều kiểu nỗi sợ của người cầm súng. Nỗi sợ luôn song hành cùng sự quả cảm. Người đọc sẽ nhận thấy John không chỉ cần mẫn bòn đãi từng thông tin quý giá trong các kho tư liệu, ông còn rất am hiểu tâm lý con người.
Những người lính trong tập sách này đều rất Đời, có đủ cả những nét tầm thường, bình thường của một con người biết đòi hỏi, mong cầu, yêu giận, ghét thương… Cũng từ đó, John cho chúng ta thấy rằng những anh hùng đều vốn là con người thường nhật. Những góc u ám của cuộc sống lính được thuật trong tập sách này là một phần không thể thiếu trên quá trình tạo thành những “cây Đời”. Những anh hùng thường nhật ấy vốn đã không phải sắt tốt, càng không phải thứ thép tôi tinh luyện, mà là những thân cây mọc nơi khí hậu khắc nghiệt, bám rễ chắc, lớp vỏ xù xì, có cành khỏe khoắn ra quả ngọt, nhưng cũng có nhánh bị sâu đục, hiên ngang gan góc và không dễ gần dễ cảm.
*
John A. Haymond đã tạo ra một hệ thống tư liệu so sánh để người đọc có cái nhìn đa chiều hơn về cùng một vấn đề được nhiều người cùng trải nghiệm trong các thời điểm khác nhau. Điều đáng quý là tác giả cũng không ngần ngại thừa nhận rằng không thể tránh khỏi mức độ rủi ro nhất định khi khai thác các hồi ký của cựu quân nhân, vì mỗi lời kể được thuật lại sau khi sự kiện xảy ra nhiều năm.
Dù mạo hiểm khi sử dụng loại tư liệu vốn mang nặng tính cảm nhận cá nhân, John đã phục dựng khá thành công nhiều bức tranh còn mờ nhạt về cuộc sống quân ngũ. Thành công này của ông chắc chắn đến từ sự thấu cảm đối với các đồng đội từng hoạt động cùng ông lẫn những thân phận xa lạ sống ở những thời điểm xa xôi trong lịch sử.