Pedro Páramo: Một ngọn núi của văn chương Mexico và văn chương thế giới thế kỷ 20
Cuốn sách này lẽ ra xứng đáng với một phản ứng hưng phấn hơn nữa (của ai thì mình không biết) khi nó được phát hành ở Việt Nam. Mình đọc cuốn này 3 lần. Lần đầu tiên đọc: sự choáng ngợp, choáng ngợp trước bầu không khí ngôn ngữ u huyền, choáng chợp trước kết cấu tầng tầng lớp lớp, choáng ngợp vì cứ tưởng rằng trên đời chỉ có một Trăm năm cô đơn, mà hóa ra nếu không có Pedro Páramo thì García Marquez có khi không viết được Trăm năm cô đơn, như ông thừa nhận. Lần thứ hai đọc: sự mở mắt, khi mộng bắt đầu được giải ảo và phong cảnh của cả cuốn sách dần tỏ hiện còn những kỹ thuật thượng thừa hiển lộ trên bề mặt. Và lần thứ ba đọc: sự say mê, như một người lữ khách đi đến một vùng đất đẹp đẽ mà xa lạ, anh ta đầu tiên sẽ lạc trong choáng ngợp, rồi sẽ lặn lội trong ngõ ngách của nó đến khi tận tường, rồi cuối cùng anh sẽ yên lòng thưởng thức nó trong sự thân thuộc như một cư dân.
Vì đã từng điểm về cuốn này rồi nên mình xin phép được trích lại một phần vì mình vốn lười suy nghĩ:
Chỉ riêng một lời của Gabriel García Márquez, rằng “Nếu tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết như Pedro Páramo của Juan Rulfo thì tôi sẽ bẻ bút không viết nữa”, là đủ để người ta nhất định phải đọc Pedro Páramo.
Và, kiệt tác sinh ra kiệt tác. Cũng như James Joyce đã lĩnh ngộ Odyssey của Homère, để rồi viết nên một kỳ thư về cái ngày 16 tháng 6 năm 1904, khi người đàn ông tên Leopold Bloom loanh quanh khắp Dublin, như một lời đáp của chủ nghĩa hiện đại với thiên sử thi Hy Lạp, thì García Márquez cũng đã viết nên Trăm năm cô đơn nhờ nguồn cảm hứng từ Pedro Páramo – một ngọn núi của văn chương Mexico và văn chương thế giới thế kỷ 20.
Bìa cuốn sách Pedro Páramo – Juan Rulfo
Đặt song song hai cuốn sách, một dày cộp, một mỏng tang, ta xem Pedro Páramo đã bắt đầu thế nào: “Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó đã từng sống ở đây.”
Còn với Trăm năm cô đơn, đoạn mở đầu là: “Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendía đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá. Thời ấy, Macondo là một làng gồm vài chục góc nhà tranh vách đất…”
Một đứa con trai, một người cha, một cái làng của cái “thời ấy” với những ký ức “đã từng sống ở đấy”, và hành động ngược dòng ký ức, chừng ấy những điểm chung như báo hiệu rằng, lời mở đầu của Trăm năm cô đơn là sự tri ân mà García Márquez dành tới Rulfo, tựa một khúc biến tấu trên chủ đề của Mozart mà Beethoven dâng lên bậc thầy.
Ta thậm chí có thể so sánh thế này: dòng họ Buendía của García Márquez là trục tung, đế chế Páramo là trục hoành, bởi dòng họ Buendía kéo dài hàng mấy đời và vì thể để lại nghiệp chướng “cái đuôi lợn” theo chiều dọc thời gian, còn đế chế Páramo được kể trong sự rộng dài địa lý (“.. .ngút tầm mắt mới bao quát được đất đai vùng này. Cả Media Luna là thuộc quyền sở hữu của ngài Pedro Páramo”), và cái nghiệp chướng của dòng họ ấy lan rộng theo chiều ngang không gian.”
- Hiền Trang
* Trích bài viết Một năm đọc sách: 2019 – Sách cho người rảnh (Bên phía nhà Z)