Phút ân sủng ngắn chẳng tày gang
Có lần được hỏi về Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) của Harper Lee, Flannery O’Connor châm biếm: 'Nó là một cuốn sách tuyệt vời cho con trẻ'.
Nhà văn Flannery O’Connor.
Flannery O’Connor (1925-1964) - người mà văn tài được xếp ngang cơ với F. Kafka, J. Joyce, W. Faulkner, G. G. Marquez - sinh trước Harper Lee một năm, cũng đến từ miền Nam nước Mỹ, cũng thừa kế truyền thống văn chương gothic (*) từ Edgar Allan Poe (1809-1849) với những huyền thoại, sự bí hiểm và những lời đồn đoán.
Nhưng nếu tác phẩm của Harper Lee có thể coi là bài học vỡ lòng về thiện ác cho những đứa trẻ thì sáng tác của Flannery O’Connor, nổi bật hơn cả là tập truyện ngắn Khó mà tìm được một người tốt (A Good Man Is Hard to Find, xuất bản năm 1955), đạt tới sự nghịch dị cực đại, không ngừng cật vấn sự trớ trêu của cả đạo đức, cả Chúa trời và ân điển của Chúa.
Để được ghé thăm đồn điền xưa cũ ở Tennessee, một bà cụ vận đủ trò để cả nhà không đến Florida, từ dối trá về một kho báu tưởng tượng đến kể lể về tay sát nhân lẩn quất nơi tiểu bang vùng vịnh.
Đời biết đùa, chính trên con đường khúc khuỷu tới đồn điền, họ lại giáp mặt với kẻ sát nhân. Và trong phút giây cận tử, bà cụ - người đã sống cả cuộc đời dài thẳng thớm, không một vết vò xé lương tâm - bỗng chốc đốn ngộ về lòng thương xót với tha nhân.
Sự đốn ngộ, đó là nếp gấp trong mọi câu chuyện của O’Connor. Có lẽ bởi vậy mà bà thường được so sánh với James Joyce chăng? Joyce gọi những phút giây đốn ngộ trong Người Dublin là "sự hiển lộ" (epiphany), về phần mình, O’Connor gọi đó là "ân điển" (grace).
Chỉ khác là sự hiển lộ của Joyce để lại di sản vĩnh viễn trong những kẻ thị dân, còn ân điển của O’Connor lóe lên giữa nhá nhem lòng người rồi tắt ngúm, như lời của kẻ sát nhân sau khi đã hạ thủ bà già: "Lẽ ra mụ ấy đã có thể trở thành người tốt, nếu như suốt đời mụ ấy cứ một phút lại có người bắn cho một phát".
Cuốn Khó mà tìm được một người tốt, dịch giả Nguyễn Nguyên Phước.
Vị Chúa trời của O’Connor là thế: đôi khi tới quá muộn màng, đôi khi đồng bóng, đôi khi ranh mãnh, đôi khi bị mạo danh, đôi khi suýt bị các con chiên ăn thịt. Ân điển của ngài chỉ kéo dài một phút mà thôi. Rồi có lúc ngài lẳng lặng ẩn náu trong bộ dạng lòe loẹt của một con công đực.
Vị Chúa trời của O’Connor là thế: đôi khi tới quá muộn màng, đôi khi đồng bóng, đôi khi ranh mãnh, đôi khi bị mạo danh, đôi khi suýt bị các con chiên ăn thịt. Ân điển của ngài chỉ kéo dài một phút mà thôi. Rồi có lúc ngài lẳng lặng ẩn náu trong bộ dạng lòe loẹt của một con công đực.
Vị Chúa ấy trêu ngươi con người. Ngài phái kẻ bán thánh thư giả đến mê hoặc cô gái nhà quê què quặt. Ngài ban con cái cho người đàn bà không cần đến nó. Ngài hớp hồn thằng bé con vào cái ngày nó được rửa tội trên con sông đỏ, ngài dẫn dụ nó trở lại dòng sông kiếm tìm Vương quốc Kito và rồi để dòng sông cuốn nó đi mãi mãi.
Còn con người, họ như những con muỗi mắc kẹt trong mạng nhện của Thiên Chúa, vừa mới được chiêm ngưỡng dung nhan Chúa thì đã bị lưu đày trong cái chết hoặc những kiếp nạn chung thân.
Xứ miền Nam khép kín, rụt rè, cau có của Flannery O’Connor như một khu nghĩa trang rộng lớn. Mười chín truyện ngắn trong hai tập truyện ngắn của bà, Khó mà tìm được một người tốt và Mọi thứ lên cao đều hội tụ (Everything That Rises Must Converge, xuất bản năm 1965 sau khi bà qua đời), thì đã có chín truyện khép lại trong cái chết bi thảm của một hay nhiều nhân vật, ba truyện kết thúc trong thương tổn hoặc tật nguyền, một truyện kết thúc trong cơn hỏa hoạn nguy tai.
Tất cả đều hư hỏng và chết ngắc, những địa đạo của đức tin cụt lối, thế giới cũ của những địa chủ da trắng đang mủn dần, xiêu vẹo chống lại sự xâm nhập của những kẻ ngoại lai, trong khi co ro lảng tránh bọn nô lệ da đen không còn yên phận.
Và giữa cái thế giới đã đổ đốn ấy, đến Chúa cũng không thể cứu rỗi mọi linh hồn. Như đoạn kết thiên truyện Tính mạng mà bạn giữ được có thể là của chính bạn (The Life You Save May Be Your Own), người đàn ông tuyệt vọng trong cơn ân sủng thổ lộ về người mẹ mà Chúa đã giáng xuống cho ông, để chỉ nhận được cơn tức giận từ thằng bé ngồi cạnh rằng mẹ nó là con mụ nhếch nhác, còn mẹ ông chỉ là con chồn hôi thối.
Sự đốn ngộ trong cơn cao hứng nhất thời rồi cũng không được ai hưởng ứng.
(*): Văn học Gothic (Gothic fiction) là một thể loại hư cấu đặc trưng bởi sự hòa trộn giữa hai yếu tố kinh dị và lãng mạn, thịnh hành ở nước Anh và Tây Âu thế kỷ 18-19.
Hiền Trang
Theo Tuổi Trẻ