Review: Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ – PHANBOOK.VN

Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ | Nguyễn Ngọc Thuần

Review:

Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ

Tác giả: Nguyễn Ngọc Thuần

Bạn có khu vườn nào trong khát vọng của mình không?

Khu vườn đẹp nhất là khu vườn trong tâm tưởng. Và khu vườn đó bình yên nhất khi tâm tưởng của chính ta đang lặng yên .

Trong “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ”, tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã khéo léo vẽ nên một khu vườn yên tĩnh trong thế giới nội tâm, nó có thật trong suy nghĩ nhưng thực tế có hay không thì còn tuỳ vào việc người đọc có muốn tin hay không.

 

Trong số các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần, đa phần ở đâu cũng đều có bóng hình người cha xuất hiện bên cạnh những đứa con. Và ở khu vườn trên đồi quanh năm bốn mùa hoa nở cũng không ngoại lệ. Một người cha, ba đứa con gái và những biến động trong gia đình, trong tính cách của những đứa con gái đáng thương của ông. Có đứa sinh ra đã bất hạnh, nhưng cũng có đứa được sinh ra dường như để thay ông gánh vác nỗi bất hạnh đó.

Những nỗi đau cứ được khắc hoạ: đau đớn, giằng xé nhưng cũng vô cùng đẹp.       

Đó là người bố cô đơn, cục cằn và khéo léo. Ông có thể làm ra được bất kì món đồ nào mà con ông muốn. Đó là chiếc xích đu ngoài khu vườn, một đồ vật ngỡ đơn giản nhưng lại xuyên suốt cả câu chuyện; là nơi ba cô con gái của ông ngồi, nhìn ngắm bầu trời, suy tư, trò chuyện, và ngẫm nghĩ về chính mình. Đó là cây kiếm gỗ, vật bất li thân của đứa con gái, nguồn cơn của những sát thương. Phải chăng ông luôn lo lắng thế giới ngoài kia sẽ làm tổn thương những đứa con của mình nên mới tạo ra khu vườn trên ngọn đồi? Dù chúng có tật nguyền hay điên dại, nhưng ông không bao giờ rời bỏ thiên thần và làm tất cả bằng bản năng của một người cha.

Con Út, một “sai lầm của tạo hoá” khi cô cứ như một bào thai, cô được sinh ra như một  nhát cắt sâu hơn vào vết thương của người cha. Cô cứ tồn tại như một vết sẹo của gia đình và chính cô cũng đang loay hoay trong chính nỗi đau của mình. Cô bị tạo hoá giam cầm trên chiếc xe đẩy, rồi cô tự giam mình trong suy nghĩ rằng một ngày nào đó cô sẽ ra đi trong nỗi cô đơn khi không còn ai chăm sóc. Vì sợ hãi, cô giam luôn người chị Hai cùng với cuộc đời mình.

Cô chị Hai, cuộc đời cô sinh ra là để dành cho người khác, để thay bố cô chăm sóc những đứa em. Dù cô có vẻ như là người lành lặn nhất trong cả ba đứa con gái, nhưng thể xác và tâm hồn cô cũng đang bị mắc kẹt cùng với khu vườn, với người bố đầy đau khổ, với các em. Rồi dường như cô chẳng có giây phút nào dành cho chính mình.

“Người ta chẳng sinh ra để đi đâu cả, người ta chỉ tìm về chính con người của mình.”

Con Ba, một sự phi lí ở đời. Trong con Ba luôn ôm một giấc mộng gì đó về cuộc đời, về những gì bên kia ngọn đồi, về bầu trời, về tâm tưởng. Dường như cái vỏ bọc cơ thể không đủ để chứa đựng tâm can, nó để cho tâm mình bùng nổ đến điên dại. Đằng sau sự điên dại đó, tâm hồn nó vẫn còn sót lại chút gì đó dịu dàng của tình yêu.

Mỗi người trong gia đình trong khu vườn đó đang tự quẩn quanh trong suy nghĩ bất hạnh của riêng mình. Ai cũng đơn độc, ai cũng chơ vơ nhưng ai cũng phải dựa vào nhau để sống. Liệu họ đang sống hay đang tồn tại?

Dường như đối với Nguyễn Ngọc Thuần, nỗi đau càng lớn, càng giằng xé thì nó càng đẹp. Cái đẹp nằm ở chỗ nó trông như là ảo mộng của một sự thật tàn khốc đến khó tin. Các nhân vật được tác giả khắc hoạ bằng những vết thương của riêng mình, và cả gia đình được tạo ra bằng nỗi đau chung, kết quả từ sự cộng hưởng những nỗi niềm riêng.

Nhưng cái khiến chúng ta cuốn hút chính là tình yêu thương nảy nở từ đống tro tàn của những linh hồn tưởng chừng đã cạn kiệt nguồn sống. Một chút chắt chiu đáng giá đó đã khiến bất hạnh hoá ra chẳng còn gì quan trọng.

Sau tất cả những điên loạn bất thường, những u uẩn sợ sệt, những đau khổ hi sinh chính là cái người ta bắt buộc phải trải qua để tìm được lối đến bình yên và hạnh phúc.

Khu vườn của người cha, đó là chốn thần tiên hay là nơi giam cầm thiên sứ?

Nó đẹp, thơ mộng nhưng tách biệt. Bầu trời dừng lại ở đó, và những đứa con gái chưa bao giờ biết đến bầu trời khác hay thế giới bên ngoài. Những niềm vui, hạnh phúc hay bất hạnh xảy ra trong khu vườn đó dường như quá sức phi lí để người đọc có thể tin tưởng rằng nó có thật.

Đọc “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ” ta tưởng như mình đang mơ, và chính ta cũng đang rên ư ử cùng những đau thương của nhân vật. Khi choàng tỉnh, ta boăn khoăn tự hỏi lại những đau đớn kia là mơ hay là thật? Tại sao ta có thể cảm thông những điều đó? Hay chính sẵn trong mỗi người đều tồn tại một nỗi đau riêng?

Rồi sau đó ta khao khát về một khu vườn cho riêng mình. Một khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt, và nơi đó không vùi lấp đau thương.

 

 

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis