“Sáng tạo” của Nguyễn Gia Trí – PHANBOOK.VN

“Sáng tạo” của Nguyễn Gia Trí

Những suy tưởng, đúc kết, chiêm nghiệm nghệ thuật của họa sĩ tài danh Nguyễn Gia Trí (1908-1993) đã được học trò ghi lại trong cuốn sách có cái tên thật ngắn gọn nhưng luôn là nan đề lớn và hấp dẫn cho bất kì ai: Sáng tạo (1)

Cuốn sách không dễ lĩnh hội ngay, và có lẽ, gần như một bản kinh ẩn nhiều mã nghĩa, nhiều triết thuyết, nó cần đến sự đọc, nghiền ngẫm hằng ngày trên từng câu chữ, trong mỗi khoảng lặng ngôn từ, cần đến cả xác tín rằng, thực ra, hạnh ngộ các bậc thầy trong đời không cần nhiều nhưng nhất định cần chính xác.

Nguyễn Gia Trí. “Vườn xuân” - 1970, sơn mài. Ảnh: sachvatranh.com

Là họa sư sơn mài, nghiễm nhiên, Nguyễn Gia Trí trước hết nói đến sơn mài. Đó có thể là đúc kết ngắn, nằm lòng: “Sơn mài Việt Nam là kĩ thuật mới mẻ. Nó có cách giải quyết riêng, cách vẽ riêng của sơn mài. Không nên lấy chất liệu này để phác thảo chất liệu kia”; “vẽ sơn mài là hết sức phẳng. Đánh bột than bị xước một chút cũng phải làm lại”; “phải hiểu rõ bản chất của sơn thì may ra mới có thể điều khiển được nó”; “mặt tranh sơn mài nếu đều bóng cả thì nhìn dễ chán. Mỗi tranh cần những độ bóng khác nhau”…

Nhưng phần trọng tâm và hàm chứa biện luận, quán tưởng sâu sắc nhất là khi Nguyễn Gia Trí “đạo hóa” sơn mài, và rộng ra, hội họa. Khi đó, sơn mài được đồng nhất với bản mệnh, với mọi ý nghĩ và cách thức tồn tại: “Họa sĩ sơn mài nhìn vào tâm bên trong, chứ không nhìn vào cái vỏ bề ngoài của sự vật”.

“Tâm bên trong” không chỉ là cảm xúc hay hứng khởi, mà còn là ý niệm về cái thật - “phải thành thật với tâm mình”, “làm sơn mài, không phải nhìn thấy được là được, mà phải do tâm thấy được mới là được”.

Điều kiện của “thành thật” là vô cầu. “Đừng nghĩ đến kết quả của tranh hay kết quả đời người nghệ sĩ” – ông nhấn mạnh. “Hãy cứ đi mãi, làm việc mãi đừng nghĩ đến đích. Chỉ riêng tìm thấy chút cái đẹp mong manh, cũng là cả một quá trình mệt nhọc của người nghệ sĩ”.

Khi vẽ, thậm chí, người nghệ sĩ phải quên cái vật liệu trong tay, chuyển hóa nó vào tâm, hướng đến tự do tuyệt đối - “khi vẽ, quên son, vàng, bạc, vỏ trứng, tinh thần và vật chất nhập một”.

Trạng thái đó, ông liên tưởng đến tu tính, “làm sơn mài, khi mình làm tranh cũng là tu tính, tu tâm”, và người đạt đến cảnh giới tu tập như thế thì không phân biệt, không tách rời giữa bản thân và nghệ thuật, giữa ý và hình, giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, giữa sống và chết: “tôi sống với sơn mài, từ khi nó mới có, nên tuổi của tôi cùng tuổi với sơn mài. Tôi sống với nó như cá sống với nước, nên không biết mình sống nữa. Chỉ người ngoài nhìn vào mới thấy”.

Có thể nhận ra những ảnh hưởng của Thiền tông, đặc biệt là tư tưởng Huệ Năng, hay tinh thần đạo Lão Trang trong chiêm nghiệm nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí. Nhưng đó không phải là lối sáo ngữ ngoa ngôn minh họa, hùa theo bậc thánh nhân mà là kết quả của sự tự giác ngộ, tự tỉnh thức trong lựa chọn kiên tâm trì tính: “Mình tin vào tu Đạo được vì mình trụ ở sơn mài”. Vẽ, như vậy, là tìm đạo, là thấy cái không thấy, là công phu để không thấy công phu, là nhẹ nhàng, tự nhiên, không chấp trước điều gì và rũ bỏ các định kiến.

Đặc biệt, điều quan trọng mà Nguyễn Gia Trí đã thực hành, càng về cuối đời càng cho thấy mình hơn hẳn người phàm là việc không màng danh vọng, vật chất. Không để tâm bị mờ vì danh vọng, không vẽ tranh để nhắm đến phòng triển lãm, Nguyễn Gia Trí thực sự “tịnh cư” trọn vẹn, duy nhất và hạnh phúc nhất trong nghệ thuật. Vì đó mới là cuộc sống tự giác, sống với cái đang là, với chính hư ảo, huyễn mộng và ngắn ngủi của đời người. Bóng dáng một triết nhân, tu sĩ, cư sĩ Nguyễn Gia Trí in đậm trên từng đoản ngôn kiệm lời.

Nhưng Nguyễn Gia Trí còn có mạch nguồn tri thức hội họa phương Tây. Trong khi để tâm trí tu Thiền thì chính nhãn quan, hiểu biết hội họa về những Van Gogh, Gauguin, Cézane, Picasso, Joseph Inguimberty của ông đã đẩy những phạm trù tự do, sáng tạo, cái đẹp, cái xấu trở nên rất sinh động, sâu sắc, hiện đại.

Ông cho rằng “người nghệ sĩ đích thực sáng tạo không theo trường phái nào hết. Lịch sử nghệ thuật là do những nhà nghiên cứu xếp loại”, bởi thế, học vẽ thì vừa “thấy mình” nhưng cũng phải tự vượt lên mình, không theo đuôi người khác, mỗi họa sĩ có đường đi riêng, “Picasso mà vẽ lại Picasso, cũng là tranh giả của Picasso”. Nghệ sĩ chân chính, theo ông, không bao giờ lạc lối vì với mỗi tìm tòi thì “lạc vào đâu cũng thú vị”. Do đó kẻ sáng tạo là kẻ có cá tính mạnh và trong sáng tạo, “cái khéo” cũng quan trọng vì nó phục vụ cho cái đẹp đích thực, phải đi qua “cái hỏng” thì mới đến “cái được”, một bức tranh phải biết “chịu đựng cái xấu” mới có “xấu đẹp hài hòa”…

Ở đây, bởi đi từ ý niệm dung hòa Đông-Tây trong sáng tạo, Nguyễn Gia Trí dường như tin vào mãnh lực nội tâm của người nghệ sĩ, thứ cho phép họ đạt được tự do, tự tính. Kiến thức rộng không quyết định mà chuyên tâm đi sâu điều mình nghĩ mới ra cái mới. Cái mới vừa tự hủy, vừa sinh thành, tiếp nối quá khứ và tiếp nối cả đau khổ của mỗi lần sáng tạo. Có thể nói, với Nguyễn Gia Trí, không có khái niệm “nghệ sĩ” cụ thể mà chỉ có nghệ sĩ của những lần sáng tạo khác nhau, vô tận vô cùng. Đó quả là một công án Thiền!

Để hiểu tinh thần Nguyễn Gia Trí trong cuốn sách này, cần biết thêm một điều: Thực ra, bản thân cuốn sách không phải do Nguyễn Gia Trí trực tiếp viết. Được học trò, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi chép lại, Sáng tạo mang hơi hướng kiểu Khổng Tử trả lời, đối thoại với đệ tử.

Ở lời cuối sách, ông Nguyễn Xuân Việt cho biết “quyển ghi chép này có được sau 17 năm ghi lại những lời ông nói, tôi có đưa cho ông và để lại một hai tuần. Ông không có ý kiến gì, mà cũng không biết ông có xem hay không”. Như thế, sự im lặng của bậc danh sư có thể gợi ý cho mỗi người, tùy tâm trí mà ngộ ra, cũng như Phật chỉ có một lời mà có trăm ngàn diễn giải. Nên người viết những dòng này cũng tự thấy mình quá vọng ngôn, dẫu biết sách hay thì khó mà đặng đừng thảng thốt!


(1) Ở lần xuất bản trước đây, cuốn sách có tên “Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo” (NXB Văn nghệ, 2009). Sách dày 445 trang với nhiều phụ bản màu. Ở lần xuất bản này, sách chỉ còn 159 trang với bốn phụ bản màu. Sách do Phanbook và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành quý III-2018.

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis