Sống trong thời viễn tưởng? - Hăm hở với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cứ hăm hở nhưng đừng bỏ quên yếu tố con người
Thi thoảng sau một loạt tiểu thuyết mình cũng muốn xen vào một quyển nonfic. Dù danh sách chờ khá nhiều nhưng mình ưu tiên đọc quyển này vì tác giả, nhà báo Nguyễn Vạn Phú vốn là cây bút bình luận, phân tích kinh tế, và sau này là công nghệ, mình rất thích. Do lẽ công việc mình có ít nhiều liên quan nên mình theo dõi rất kỹ các bài viết của bác Phú, thậm chí học từ bác rất nhiều trong cách viết về chủ đề này. Nhà báo Nguyễn Vạn Phú có lối viết giản dị, giọng miền nam, và rất giỏi giải thích nôm na những vấn đề kinh tế hay kỹ thuật phức tạp để đại chúng có thể hình dung, nắm bắt.
Quyển này là tập hợp các bài báo của NVP trong vòng 5 năm qua, với chủ đề không chỉ là công nghệ - Industry 4.0, sự trỗi dậy của robot và trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội và thế giới ảo, nền kinh tế chia sẻ - mà còn có giáo dục và kinh tế.
Có thể dễ dàng nhận ra quan điểm của tác giả về công nghệ là "hăm hở với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cứ hăm hở nhưng đừng bỏ quên yếu tố con người". Tác giả nhiều lần gắn những thay đổi mà công nghệ mang đến cho con người với xu hướng toàn cầu hóa trước đây, khi các công ty mang nhà máy đi khắp nơi để tận dụng ưu thế nhân công giá rẻ, khiến công nhân trong chính các quốc gia đó khốn đốn vì mất việc làm. Điểm tương đồng nằm ở chỗ, với toàn cầu hóa, người nông dân sẽ rời quê lên phố, vào nhà máy làm công nhân. Nhưng những người ở các quốc gia mang nhà máy đi khắp nơi đó thì sao? Họ sẽ mất việc, và thật đơn giản và lý thuyết khi nói họ sẽ phải tự nâng cấp mình, tìm công việc khác tốt hơn, cao hơn, thoát kiếp công nhân. Đâu phải ai cũng có khả năng đó, và đâu phải ai cũng muốn rời nhà máy để vào văn phòng?
Tương tự, những công nhân giờ đây sẽ mất việc vào tay robot và ta cũng không thể buộc tất cả bọn họ phải retrain để đáp ứng các nhu cầu công việc mới. Tác giả kết luận chúng ta "đang xây dựng một thế giới méo mó và đang dùng máy điện thoại di động để làm phẳng nó".
Tác giả cũng nói nhiều về mặt trái của công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng trong nền kinh tế chia sẻ, chẳng hạn như Uber. Ý tưởng “đi chung xe” một thời được ca ngợi như là đột phá song ngày càng cho thấy nó đã đi trật chìa. Người ta đâu có đợi có ai cùng đường với mình để cho đi nhờ, mà vận hành như một hãng taxi thực thụ. Hãy đọc quyển này để biết vì sao Nguyễn Vạn Phú thẳng thừng gọi Uber là “mô hình bế tắc vì thiếu tính người”, về “quảng cáo ba trợn thời trí tuệ nhân tạo” hay có cách nào “nhảy khỏi vòng kiềm tỏa của Facebook” không.
Bản thân mình là người đam mê công nghệ và thực sự hay nghĩ về mặt enjoy nó hơn là những hậu quả nó gây ra cho những người không may mắn được hưởng lợi từ nó. Nguyễn Vạn Phú thì mong muốn cách mạng công nghệ phải mang tính bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Mình khoan khoái và hài lòng với việc mỗi sáng thức dậy việc đầu là xem điện thoại, check 1 loạt noti mạng xã hội, lúc ăn sáng uống cà phê thì kịp đọc báo, tổ chức công việc qua Messenger, lướt vài cái mail. Chiều thì ung dung gọi Grab, ngồi sau lưng tài xế cũng vừa kịp đặt vé xem phim, thanh toán luôn bằng ví mobile. Mình rất ít nghĩ đến những chuyện những người bị công nghệ bỏ lại phía sau, và tin rằng nhiều người trẻ cũng vậy. Vậy ai sẽ lắng nghe lời kêu gọi cách mạng 4.0 bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau đây?
Nguồn: Sơn Lương - Goodreads