Chiếc xe đạp mất cắp: Quá khứ quên lãng dưới điêu tàn của sắt
Một số chuyện từng xảy ra sẽ lưu lại ở đâu đó trong món đồ, giống như hạt giống vậy.
Trung Quốc, với phần lãnh thổ to lớn, vốn từ lâu trở thành đất nước của những nghĩa địa: “nghĩa địa xe đạp”, “nghĩa địa xe máy” hay “nghĩa địa ô tô”. Sau các chính sách cấm cửa đi liền với động thái siết chặt quản lý, bong bóng của nền kinh tế chia sẻ sụp đổ một cách không thể lường trước. Và nếu vào ngày nào đó, người thân của ta mất tích cùng chiếc xe đạp thì biết tìm đâu dấu tích của một trong hơn 23.000 chiếc xe ở bãi nghĩa địa của riêng một thành phố?
Dời ngược thời gian trở lại cơn bĩ cực sau thời Hậu đệ nhị Thế chiến, Wu Ming-Yi (Ngô Minh Ích) bằng một chuỗi dài khoan sâu đã viết nên câu chuyện độc đáo, lồng lộng và tràn đầy xúc cảm về thời đoạn kéo dài hơn một thế kỷ với chiếc xe đạp – chiếc xe đạp bị mất cắp trong cuộc đời của một ai đó.
Cuốn sách xoay quanh câu chuyện của nhân vật “tôi” trên hành trình đi tìm lại bóng dáng người cha chỉ qua đầu mối duy nhất là chiếc xe đạp ông mang theo vào ngày ông biến mất mãi mãi. Càng đáng nói hơn, đây không hẳn là lần đầu tiên chiếc xe đạp bị mất cắp. Qua một lịch sử trải dài đằng đẵng từ thời Đệ nhị Thế chiến đến khi Internet phổ cập và mọi ứng dụng trên nền tảng xã hội phát triển, những câu chuyện đời, chuyện người được khắc họa tựu trung vào điểm gốc là chiếc xe đạp. Ở đó ta có thể bắt gặp đời sống Đài Loan cả những năm trước, trong và sau cuộc chiến, những hậu chấn tâm lý ảnh hưởng đến cả một thế hệ đi vào chiến tranh. Từ đó, lịch sử gian khó mà đầy biến động của Đài Loan hiện lên, khắc rõ; để con người và mọi sinh vật khác đều trở nên nhỏ bé trước số mệnh.
Chiếc xe đạp sống đời lận đận như một con người
Điểm gốc của mọi phối cảnh đều tựu trung về chiếc xe đạp. Việc mượn vật thể rồi từ đó khắc họa nên diễn tiến câu chuyện không hẳn là hiếm trong văn chương châu Á. Nếu ta từng bắt gặp Mạc Ngôn trong Phong nhũ phì đồn (Báu vật của đời) với hình tượng mông – vú, thì ở đây, Ngô Minh Ích dùng chiếc xe đạp có dây cu-roa để nối những vòng lịch sử như bánh đằng trước, và vòng đời ở bánh phía sau; bằng sức mạnh vận mệnh để đạp cho xe chuyển động. Cả hai câu chuyện song hành cùng nhau (bi, tiếng Latin), nối nhau như những vòng tròn (kyklos, tiếng Hy Lạp) gắn kết vào nhau, làm nên sự vận động theo hình tròn luân hồi của thời gian và những kiếp người.
Nếu câu chuyện không mở đầu bằng cảnh bé gái chạy vụt lên chiếc xe đạp về nhà khi cánh đồng vừa bị san phẳng, nếu chiếc xe đạp Khổng Minh của nhân vật chính không mất đến tận bốn lần, thì câu chuyện của tiểu thuyết này đã trở nên rất khác. Vì bối rối mượn chiếc xe đạp của một người Nhật mà bọn cảnh sát trói đầu gông cổ không nghe giải thích; vì đem cho đứa con gái khi lỡ đẻ quá nhiều để chờ một mụn con trai, vì chở cu cậu rong ruổi khám bệnh hay hồi hộp vui mừng khi đi xem điểm – mà chiếc xe đạp sống đời lận đận như một con người.
Chiếc xe đứng đó, chứng nhân cho rất nhiều điều, cho phong tục cổ hủ, cho bối cảnh chiến tranh, cho tình cảm trìu mến. Chiếc xe chứng kiến tình cảm cha con vốn thường khó nói, về một cậu bé khi nhỏ rất hay bệnh vặt, về một người cha sung sướng xem điểm cho đứa con trai, về cô gái nhỏ ngồi sau A Vân những chiều tan làm ở xưởng cánh bướm… Xe đạp ở đó lướt đi trong từng tầng gió khác nhau, có tầng tha thiết yêu đương là thế, nhưng cũng có tầng vô cùng muốn quên.
Hơn thế, đó là chiến tranh với chiếc xe đạp là phương tiện mới. Là đơn vị hành quân Bánh xe bạc không lốp lần đầu xuất hiện trong cuộc hành quân xẻ rừng xuyên Myanmar, là quân đoàn Hoa cúc những tối trăng treo, là Basuya chôn chiếc xe đạp ở ngôi làng nọ mà sau này lão Trâu lại một lần nữa khai quật nó lên. Chiếc xe ở đó và là chứng nhân cho những thời đoạn vô cùng biến động. Những chiếc xe đạp không lốp còn như một dấu gạch nối để con người ta tìm về quá khứ, về thời đã qua, thúc đẩy khai quật những gì từng là, dẫn đến công cuộc đi tìm người cha của nhân vật tôi hay quá trình về lại con đường hành quân đi xuyên Miến Điện bằng chiếc xe đạp của Abbas nơi cha cậu một thời chiến đấu.
Dễ thấy xe đạp đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy thời gian. Nó ở đó gạn lọc đầy đủ những thứ trôi qua mắt lưới, gìn giữ những thứ còn lại dù cho nhỏ nhất. Xe đạp chứa trong nó không chỉ lịch sử, mà còn con người, phong tục, tập quán, quê hương, nguồn cội và ti tỉ hàng hà thứ khác. Nó như di chỉ, nó như xác ướp; để từ đó niên đại được hoàn về đúng thực tế. Rằng nếu bạn nghe ai đấy gọi xe tự quay, thì người ấy nhất định chịu nền giáo dục của Nhật, nếu gọi ngựa sắt hoặc xe Khổng Minh thì tiếng mẹ đẻ của anh ta là tiếng Đài, nếu gọi xe đơn hay xe tự hành thì rất có khả năng người này đến từ miền Nam Trung Quốc hay xem xét tỉ mỉ tình trạng hoen gỉ của từng chiếc xe, sẽ có thể phát hiện ra điều kiện khí hậu của một số vùng, thói quen của chủ xe hay cảnh ngộ của chiếc xe.
Chiếc xe đạp của thời hậu chiến tranh
Thông qua chính hình tượng ấy, Ngô Minh Ích tiếp tục triển khai để cho ta thấy còn gì ẩn sâu dưới những điêu tàn của vật liệu sắt. Ở đó, con người sau thời hậu chiến trở nên cuồng loạn và mất kiểm soát. Nếu trong Bên dòng sông Hằng, Endo Shusaku viết lại chính cái dằn vặt của nhân vật Kiguchi khi lỡ một lần ăn thịt đồng loại lúc quân Đồng Minh nắm thế thượng phong ở rừng Mã Lai; thì trong Chiếc xe đạp mất cắp, đó là Basuya tự đâm vào tai vì tiếng vo ve cứ tồn tại mãi dẫn đến bi kịch tự tử bằng khí gas, là đội trưởng Mục cứ bị ám ảnh mãi leo lên cây rồi đến khi té chết. Và liệu đó có phải là nguyên nhân người cha bỏ đi, khi ông cũng góp phần sang Nhật lắp máy bay phục vụ chiến tranh? Khó mà có thể giải thích được gì. Nhưng trên hết, bằng hình tượng chiếc xe đạp, bằng khoảng dài lịch sử, Ngô Minh Ích phần nào cho thấy con người nhỏ bé và yếu ớt đến mức độ nào trước cuồng nộ, hoang dại và giết chóc lẫn nhau.
Vấn đề sinh thái mới mẻ, thú vị và chiếm một dấu ấn quan trọng trong toàn tiểu thuyết làm nên cái cuốn hút cho người đọc. Mượn sở thú Maruyama những ngày cận chiến, những con voi vốn từng tham gia cuộc chiến nay trở về đây với môi trường nuôi nhốt, những con khỉ vốn quen tự do từ lâu, nay đứng lặng mình trước tấm màn sắt. Những con voi to lớn ấy vốn tổn thương từ lâu, chịu những ám ảnh từ bom đạn, pháo súng; bị con người thúc ép không có đường lui, hoang mang đứng trên chiếc thuyền, đi trên cỏ, trên đường nhựa hay hàng vạn dặm đường để còn mãi ám ảnh trong chúng một thời chiến tranh. Đến khi quân Đồng minh ập vào, vì sự an toàn của cư dân, chúng lại bị bắn, bỏ đói hay thậm chí xẻo thịt cho những viên chức cấp cao. Tối ấy, voi mơ thấy trong tử cung của mình có một voi con, nó ở trong đó đầm đìa máu, trên mình găm đầy mảnh bom vỡ. Voi thò vòi vào âm đạo móc nó ra, đó là cách duy nhất có thể cứu vớt nó. Voi con vẫn chưa hoàn toàn thành hình lấy vòi của nó móc lấy vòi voi mẹ, nhưng vì dùng sức quá mạnh, thông đạo lại quá hẹp, voi con được móc ra đã ngạt thở, còn âm hộ của voi mẹ thì bị mảnh bom rạch chi chít vết thương.
Những động vật ấy bị lột trần hết mức ở thời chiến tranh, chúng không được sống đúng với tự do và chết đi tuân theo số mệnh. Ngô Minh Ích ngoài một nhà văn còn là họa sĩ. Việc đưa voi, khỉ và cây cối lên bìa cuốn sách chứng tỏ những sinh vật này chiếm phần nào đó quan trọng trong ông. Những ngày này, khi văn chương sinh thái có một vị thế vô cùng mạnh mẽ bằng tiếng nói và những khẩu hiệu ngầm, Ngô Minh Ích chứng tỏ góc nhìn sâu sát thời đại, tiệm cận thế giới mà hài hòa với tự nhiên. Thú vật trong tác phẩm ông chịu nhiều bất công, cây cối trong cuốn sách này vừa hiền hòa bao dung lại vừa thống thiết bi thảm. Một góc nhìn mới, thức thời, hiện đại và tràn ngập tình cảm.
Về nghệ thuật viết, Ngô Minh Ích kết hợp hài hòa giữa lối viết tuần tự, đảo ngược thời gian, truyện lồng trong truyện và những phân đoạn hiện thực – kỳ ảo vô cùng đắt giá. Chi tiết đầu truyện khi Abbas đi lặn cùng lão Trâu và những ảo ảnh huyền diệu nơi cửa sông, hình tượng con sáo đá chết hiện thân cho sỹ quan Nhật hay cơn mơ của con voi mẹ giữa những lằn ranh lửa đạn… Tất cả cho thấy một lối viết mới giữa những ảo ảnh song song, với ý nghĩa vô cùng gợi mở, tỏa ra nhiều hướng. Chẳng hạn đường hầm ánh sáng mà Abbas và lão Trâu cùng nhau lặn xuống, liệu có liên quan gì đến hình tượng loài mối ở phía sau sách? Khả năng chịu mất nước của mối rất thấp, bọn chúng nhất định phải có nước, nên dù có chết bao nhiêu mạng mối, bỏ ra bao nhiêu thời gian, bọn chúng chắc chắn sẽ đào xuống tiếp bằng bất kể giá nào, đây là trời định, là bản năng. Rằng rốt cuộc con người cũng không hơn gì loài côn trùng ấy, nhỏ bé, xót xa, lao theo cái chết theo đúng bản năng, vì tự giết nhau, thèm khát vật chất?
Nhưng cũng không hẳn cuốn sách này không chứa điểm yếu. Ngoài những nổi bật phía trên, việc dùng phần lớn thời lượng kể về cuộc chiến không quá thú vị. Một góc nhìn, một giọng kể, không đa dạng và gây nhàm chán với hằng hà những cột mốc thời gian. Hơn thế nữa, cách diễn tiến cốt truyện của Ngô Minh Ích vẫn còn hơi thô và chưa tinh tế. Đơn cử chi tiết trao đổi email với những nội dung không rõ nguồn cơn không biết ai gửi, chúng không thực tế và gợi nhớ lại sự lỗi thời. Một sự cục bộ châu Á, một sự sến súa thường thấy là những điểm yếu lẽ ra có thể tinh giảm nếu đào sâu hơn. Nhưng vượt lên trên hết, Chiếc xe đạp mất cắp vẫn là một tiểu thuyết hay, gợi mở và sừng sững giá trị hiện sinh.
Với Chiếc xe đạp mất cắp, bằng những đẹp đẽ – xấu xa, đen tối – tươi sáng, trường đoạn mất mát – bài ca hy vọng lồng trong phong cách viết điềm tĩnh và kiểm soát tốt cốt truyện, những chi tiết hiện thực – kỳ ảo ấn tượng, Ngô Minh Ích đã làm nên một lịch sử Đài Loan qua nhiều biến động trong hơn 100 năm và số phận con người sau thời Hậu chiến. Ở đó con người có thể ngu ngốc, chết vị tỵ hiềm, tự giết lẫn nhau như loài mối chúa lao đầu xuống nước; nhưng song song cùng đó, hy vọng cũng được nhân lên, vẻ đẹp mãi mãi trường tồn, trong bầu trời u ám sẽ luôn hiện lên tia sáng soi rọi một điều gì đó từ trong tâm thức. Khúc chiết, điềm tĩnh mà sâu lắng, Chiếc xe đạp mất cắp như loại đĩa nhạc làm từ chất bài tiết của cánh kiến đỏ, tinh than, trộn với hoàng thổ; mà cũng có người gọi đó là chiếc đĩa than.
Ngô Thuận Phát
Nguồn: https://bookish.vn/2020/12/01/chiec-xe-dap-mat-cap-qua-khu-quen-lang-duoi-dieu-tan-cua-sat/?fbclid=IwAR2bea7av65BM2-CwkHrQBPks2wk98hNHiJZk7vzh2OWytO0S5CnQ7XN5bk