Giới trẻ vẫn thích đọc sách giấy hơn sách điện tử
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy độc giả trẻ tuổi có thể vẫn thích đọc sách giấy hơn là sách điện tử.
Máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay… dường như đã trở thành biểu tượng của thế hệ trẻ từ nhiều năm nay. Với số đông dân số trẻ tuổi, đồ chơi công nghệ hiện đại là vật bất ly thân, gắn bó với họ trong phần lớn hoạt động làm việc, học tập và giải trí hàng ngày.
Theo logic đó, việc đọc sách điện tử lẽ ra cũng phải ngày càng được ưa chuộng hơn là đọc sách giấy truyền thống. Nhưng kết quả khảo sát mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona (Mỹ) lại cho thấy thực tế không phải như vậy.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 4 vừa qua cho biết các độc giả trẻ có thể vẫn thích ngồi cuộn tròn thoải mái đọc một cuốn sách giấy hơn là nhìn vào màn hình và sách điện tử, thậm chí còn hơn là so với những đối tượng lớn tuổi làm khảo sát cùng họ.
Smartphone và đồ chơi công nghệ trở thành vật bất ly thân của tất cả mọi người.
Các nhà khoa học đã chia các đối tượng tham gia khảo sát là người trưởng thành ở Mỹ vào 4 nhóm tuổi gồm: (1) thế hệ baby boomers - những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1964, (2) thế hệ X - những người có năm sinh từ 1965 đến 1981, và thế hệ “thiên niên kỷ” sinh năm 1982 đến 1995. Nhóm này được chia nhỏ thành 2 nhóm nữa là (3) những người còn đang học cao đẳng, đại học và (4) những người đã đi làm.
Sách giấy được yêu thích hơn sách điện tử
"Chúng tôi đã xem xét những gì được gọi là quyền sở hữu về mặt tâm lý, nó không nhất thiết phải gắn liền với quyền chiếm hữu hợp pháp hay quyền lợi hợp pháp, nhưng lại gắn liền với nhận thức về 'cái gì là của tôi'", GS Sabrina Helm, một thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Arizona, cho biết.
Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến nhận thức quyền sở hữu về mặt tâm lý của mọi người. Thứ nhất, liệu họ có cảm thấy họ có quyền kiểm soát đối tượng sở hữu hay không. Thứ hai, liệu họ có thể sử dụng đối tượng sở hữu đó để xác định họ là ai. Và thứ ba là liệu đối tượng sở hữu có giúp cho họ có cảm giác mình thuộc về xã hội, gắn kết với cộng đồng hay không.
“Quyền sở hữu về mặt tâm lý rất quan trọng trong nhận thức của mọi người khi họ đánh giá một số sản phẩm, dịch vụ hoặc đối tượng nhất định. Khi đánh giá các sản phẩm kỹ thuật số, nhiều người cho rằng ebook chỉ giống như một tệp tin trên máy tính", GS Helm giải thích.
Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp nội dung thảo luận với 4 nhóm độc giả khác nhau về cảm giác sở hữu sách giấy so với sách điện tử và đi đến một số kết luận chính.
Đầu tiên, những người tham gia thuộc tất cả các nhóm tuổi đều có cảm giác bị hạn chế quyền sở hữu khi dùng sách điện tử so với sách thực. Họ không có toàn quyền kiểm soát sản phẩm, ví dụ không thể sao chép một tập văn bản kỹ thuật số đã mua sang nhiều thiết bị.
Nhiều bạn đọc có tâm lý không thích ebook vì ở đó sách chỉ là một tệp tin.
Tương tự, nhiều người than phiền về những hạn chế trong việc chia sẻ sách điện tử với bạn bè, cho tặng hoặc bán sách. Điều này làm cho sách điện tử có vẻ ít có giá trị như một tài sản có thể sở hữu hơn là sách giấy.
Những người tham gia khảo sát thổ lộ họ có nhiều cảm xúc với sách giấy hơn, và họ thường sử dụng sách giấy để thiết lập cảm giác về bản ngã và sự gắn bó. Tất cả các nhóm tuổi đều nói về nỗi nhớ của họ đối với những cuốn sách thời thơ ấu - âm thanh lật sách, mùi giấy mới, cảm giác trên ngón tay khi mở một trang sách, ưu điểm của sách giấy khi cần ghi chú hay đánh dấu các câu từ.
Những người tham gia cũng cho biết các bộ sưu tập sách giấy giúp họ thể hiện danh tính của mình cho những người khác đang nhìn vào giá sách mà đánh giá họ. Sách điện tử không có các đặc điểm này.
Những người theo lối sống tối giản có sở thích đọc sách điện tử vì chúng chiếm ít không gian hơn.
Nhiều người tham gia cho biết trải nghiệm của họ khi dùng sách điện tử giống như đang đi thuê sách hơn là đã mua, tiền bỏ ra ít hơn nhưng các quyền lợi có thể khai thác cũng ít hơn.
Trái với những kết quả thường được mong đợi, hầu hết người tiêu dùng lớn tuổi sách điện tử có nhiều ưu điểm hơn người tiêu dùng trẻ tuổi. Họ chú trọng đến các lợi ích có thể không khiến người tiêu dùng trẻ tuổi quan tâm lắm, chẳng hạn như trọng lượng gọn nhẹ của máy đọc sách điện tử và khả năng phóng to các văn bản ngay lập tức khi đọc.
Những sản phẩm hoàn toàn khác nhau
Theo GS Helm, hiểu được sự khác biệt trong cách người tiêu dùng nhận thức về các sản phẩm kỹ thuật số so với các sản phẩm hữu hình là rất quan trọng, đặc biệt là khi các sản phẩm kỹ thuật số trở nên phổ biến hơn.
“Một trong những kết luận chính từ nghiên cứu của chúng tôi là sách điện tử và sách giấy là những sản phẩm hoàn toàn khác nhau”, bà nói. “Sách điện tử giống như một trải nghiệm dịch vụ có nhiều chức năng và tiện dụng hơn. Bạn sẽ có nhiều cảm nhận phong phú hơn nếu bạn đọc một cuốn sách giấy và sử dụng tất cả các giác quan của bạn”.
Sách giấy có ý nghĩa sâu sắc với nhiều người.
Việc đọc sách trên các thiết bị kỹ thuật số vẫn còn khá mới mẻ, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa thực sự có nhận thức sâu sắc về vai trò của sách điện tử. Trong khi đó thì sách giấy lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc với tuổi thơ của nhiều người. Đây là một trong những đồ vật mà trẻ em được cho tương tác sớm nhất.
Dựa trên những nghiên cứu chỉ ra nhận thức của mọi người về quyền sở hữu sản phẩm số, nhóm nghiên cứu Đại học Arizona khuyến nghị các nhà kinh doanh sách điện tử nên xem xét một trong hai chiến lược sau để tiếp thị sản phẩm của mình đến với khách hàng.
Thứ nhất là tập trung vào việc mô phỏng và làm cho trải nghiệm đọc sách điện tử trở nên giống trải nghiệm đọc sách giấy hơn, ví dụ như thêm các ứng dụng giúp dễ dàng thực hiện những việc đơn giản như ghi chú, viết nguệch ngoạc ở lề, tô màu/gạch chân chữ...
Tiếp theo là nhấn mạnh vào điểm khác biệt giữa sách điện tử và sách thực, tập trung khắc họa sách điện tử là một hình thức giải trí độc đáo, nhiều trải nghiệm mới mẻ với dịch vụ bao gồm các tính năng bạn không thể có ở sách giấy, chẳng hạn như tích hợp âm thanh/sách nói.
Nhiều người tham gia đã chỉ ra rằng họ thấy các cuốn sách điện tử là quá đắt đối với những gì họ được hưởng, bởi chúng không đem lại trải nghiệm phong phú giống như một cuốn sách giấy, bạn đọc chúng xong và không còn lại gì.
“Nếu chúng ta định vị sách số theo một cách khác - như một trải nghiệm dịch vụ độc lập - thì người tiêu dùng có thể sẵn lòng trả giá cao hơn khi thấy có giá trị gia tăng rõ ràng. Nếu nó khác với một cuốn sách giấy, họ sẽ không so sánh nó với sách giấy nữa, bởi vì đó là một hình thức giải trí hoàn toàn khác", giáo sư Helm nói.
Nguồn: Thanh Bình/ Zing News