Nhâm nhi một tách trà chiều, tôi thả mình vào nỗi sầu bàng bạc trong từng con chữ trong tập truyện ngắn của Thảo Nguyên, một nhà văn xứ Quảng xa quê. Mỗi truyện trong tác phẩm “Lên đồi hái sim” đều man mác sầu, có nỗi sầu nhàn nhạt, có nỗi sầu đậm sâu, da diết, có nỗi sầu gợi nên bâng khuâng, đau đáu… Biết bao nhiêu cung bậc của nỗi buồn ngân lên trên con đường dài tác phẩm làm tim ta thắt lại, tự dưng cũng buồn theo.
Mỗi câu chuyện trong tác phẩm là một đốm lửa nhỏ, chúng hợp lại thành một bó ngọn lửa lớn đủ sức nóng để thiêu trụi tim tôi như thiêu trụi một thứ củi dễ bén. Mười một truyện đều được đặt nhan đề súc tích, cô đọng, chỉ vỏn vẹn có hai tiếng nhưng tiếng nào cũng làm nao lòng: “Đồi gió”, “Duyên đót”, “Tha hương”, “Giếng làng”, “Mùi quê”, “Bến đợi”, “Tro bay”… Ngay từ những cái tên, Thảo Nguyên đã thổi vào hồn người cái man mác, mênh mang, chênh chao đến lạ.
Đối tượng mà Thảo Nguyên gửi gắm tâm sự chủ yếu là người Quảng tha hương, là không gian quen thuộc chốn quê nhà. Dẫu là người chồng bỏ xứ đi xa, người chị nuôi em, người con gái lầm lỡ, người mẹ già vò võ ngóng trông con… hay bất kỳ mảnh đời nào, nhà văn đều dành cho họ những tình cảm ấm nồng, thiết tha nhất. Nhà văn ca ngợi người chị tảo tần thay cha mẹ nuôi em mà chịu bao ngang trái, đời con gái quá lứa lỡ thì “Sức vóc có bao nhiêu đâu mà chị gánh hết. Cơm, áo hàng ngày, tiền học phí, tập, sách cho Miên, cho Mạnh. Hết mùa lúa, mùa bắp, chị lại trồng rau muống, khoai lang chở lên thị trấn bán. Những tối mùa hè, chị nấu chè, bưng cái bàn con con ra sân vận động ngồi” (Đồi gió).
Chị xót xa trước bao mảnh đời bươn chải được liệt kê liên tục “Chị Bảy Kẹo… khi chở mấy thừng mắm nêm, khi mớ đường tán, chồng bánh tráng dừa. Hai Ngà… đạp xe ngược xuống chợ đầu mối kéo hàng trắng đêm. Thằng Trâu, con Hai Ngà… sáng sáng ra kênh phụ cánh thương hồ khuân vác kiếm ít đồng”. Những câu văn mộc mạc như thế thấp thoáng biết bao nỗi xót xa và cả tình thương của người viết.
Thảo Nguyên còn thương cho những kiếp nghèo tàn lụi ở quê mình vì thời tiết khắc nghiệt, câu văn cũng đau đáu những nỗi niềm “Năm đó trời hạn, giếng làng cạn trơ đáy.[…] Trồng lúa, lúa chết, trồng bắp, bắp khô. Không loại cây nào sống được trên những thửa đất nứt nẻ của làng. Sáng mới mở mắt ra đã nóng như thiêu như đốt” (Giếng làng). Những câu văn ngắn, đanh, giàu sức gợi, cùng phép so sánh đã vẽ lên cái hiện thực tàn khốc như một thứ dịch bệnh đẩy bao kẻ rời xa nơi chôn nhau cắt rốn.
Qua hành động, lời nói của các nhân vật trong tác phẩm, ta còn nhận thấy tình yêu quê hương chất chứa trong trái tim của những người con xứ Quảng nghèo khó. Bà Sáu ngày ngày bện đót, làm chổi dù vất vả để “Giữ hồn cốt quê vậy đó con ơi, chứ tau tiêu pha chi mô mà cần nhiều tiền” (Duyên đót). Có lúc, tình yêu quê hương còn được bộc lộ qua cách cảm rất đặc biệt: Yêu quê là yêu mùi quê, hương vị quen thuộc gắn bó với chúng ta hằng ngày “Xa lâu chị mới thấm thía, thèm hít hà mùi quê hăng hắc cay cay tỏa từ chái bếp chất toàn củi khô, véc-ni đánh bóng bộ bàn tiếp khách, củ kiệu nồng xếp lớp trong nia phơi nắng ngoài hàng rào, vani thơm lừng trên từng sợi mứt” (Mùi quê).
Tình yêu quê hương, xứ sở như những đám cỏ dại tốt tươi lan tràn từ câu chuyện này sang nỗi lòng khác. Chất đời, chất người cứ thế thấm vào lòng tôi như làn nước biển thấm vào thớ vỏ tàu đang nằm yên nơi bến đỗ.
Đặc biệt dù ở truyện nào đi nữa, tác giả đều đưa vào tác phẩm của mình những hình ảnh quen thuộc nhất của quê nhà như quả sim, cây đót, ngọn đồi, giếng nước,… Tất cả tạo nên một không gian gắn bó ruột thịt, không gian của tình yêu. Và song song đó, ta còn bắt gặp giọng quê, những từ mang sắc thái địa phương dày đặc trong tác phẩm. Đi xa nhưng đó là những thanh âm quen thuộc nơi quê nhà nhà văn vẫn mãi chôn sâu trong đáy lòng chẳng thể nào quên được. Thảo Nguyên không làm người đọc khó chịu khi đưa vào nhiều từ địa phương mà khiến ta thêm thấm thía và cảm phục trước một tình yêu thương nồng cháy.
Những câu văn của Thảo Nguyên nhẹ nhàng như làn gió thu se lạnh thoảng qua nhưng cảm xúc lại nặng trĩu như cánh hoa đẫm sương đêm. Tác giả đưa người đọc vào những miền cảm xúc khác nhau: Buồn tiếc, nhớ thương, bối rối,… Dù ở cảm xúc nào đi chăng nữa, ẩn sau lớp bỏ bọc bên ngoài ấy vẫn là tình yêu quê bỏng cháy của một người con xa xứ.
Trần Thị Thúy Diễm
Nguồn: sachhay.vn