Nguyễn Vĩnh Nguyên: 'Với Đà Lạt, không chỉ cần có tình yêu'
Nhà văn xem cuốn "Đà Lạt, bên dưới sương mù" là trách nhiệm, sự gắn bó lý tính bên cạnh tình yêu dành cho thành phố này.
- Từ nguồn cảm hứng nào anh viết sách biên khảo về Đà Lạt?
- Tôi học ở Đà Lạt từ năm 1997 đến 2001. Gắn bó thời sinh viên ở đó, tôi luôn cảm thấy mỗi khi rời xa đều có một lực hút vô hình lôi kéo mình trở về. Dù sau này đi Bình Dương, Sài Gòn... tôi luôn tin sau lưng mình còn có một thành phố sẵn sàng cung cấp năng lượng mỗi khi mình mệt mỏi hoặc gặp nhiều trắc trở.
Nhưng để sống với một thành phố, không chỉ cần tình yêu mà còn cần trách nhiệm, sự gắn bó mang tính lý tính. Cuốn biên khảo là sự gắn bó lý tính hơn là tình yêu. Nếu chỉ là yêu, tôi đã sớm từ bỏ công việc lần về quá khứ vì nó quá chán. Công việc suốt ngày rị mọ với chồng hồ sơ chẳng có gì ở một thành phố bé nhỏ. Nhưng chính sự thắc mắc, muốn hiểu, muốn đi sâu vào đời sống, tâm thức của một thành phố, đã đưa tôi vào một hành trình đầy những câu hỏi cũng cần một phương pháp lý tính để trả lời.
Trước đây, từ những ghi chép trong sổ tay, tôi cấu trúc thành cuốn sách Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách. Sau đó tôi đến với hành trình khác, bắt đầu quan tâm đến câu hỏi điều gì tạo ra sức hút kéo tôi về với Đà Lạt. Đó là câu chuyện trong lịch sử, những giá trị văn hóa, giáo dục bất biến và một đời sống phong lưu nơi đô thị này. Hành trình tìm về lịch sử ấy tạo nên cuốn Đà Lạt một thời hương xa.
Tuy nhiên, đi hết cuốn sách, tôi lại đến với một thắc mắc khác. Cái gì kiến tạo nên những giá trị đó? Đằng sau bề nổi hào hoa của một thành phố là gì? Cơ chế nào, thể chế nào điều hòa một đời sống đầy giao cắt của những cuộc xung đột ngấm ngầm bên dưới, được phủ lên bởi lớp vỏ bình yên? Tôi quyết định tìm về cách tài liệu gốc hình thành trong giai đoạn đầu khởi tạo đô thị Đà Lạt từ thời Hoàng triều Cương thổ.
Tôi cũng rất quan tâm tới suy nghĩ, tâm tình về người Đà Lạt. Vì sao họ tự hào về thành phố của mình đến vậy? Tôi muốn kiến giải, gạch đầu dòng lại tất cả những điều đó. Đó cũng chính là khởi nguồn hành trình khám phá Đà Lạt từ những tầng sâu.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên (trái) ký tặng sách cho bạn đọc nhân dịp ra mắt Đà Lạt, bên dưới sương mù.
- Vì sao ở Đà Lạt, một thời hương xa, anh chọn giai đoạn 1950-1975 mà không phải trước hay sau đó?
- Xét về dấu ấn ban đầu của người Việt trong lịch sử các đô thị miền Nam, rõ nét nhất là vào giai đoạn 1954-1975. Tuy nhiên, với Đà Lạt thì lùi về một chút khi Hoàng triều Cương thổ được xác lập với sự điều hành của Quốc trưởng Bảo Đại vào năm 1950. Đây là giai đoạn nổi bật nhất cho chúng ta thấy điều gì làm nên Đà Lạt vàng son.
- Anh gặp phải những khó khăn nào trong quá trình tiếp cận tài liệu, tư liệu?
- Hai năm thực hiện quyển sách, tôi đã tìm đến nhiều kho lưu trữ, trong đó có Trung tâm lưu trữ quốc gia 2 ở TP HCM và Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 ở Đà Lạt. Tất cả những tài liệu này hình thành trong giai đoạn Việt Nam Cộng hòa, hiện đã được cho phép giải mật.
Tuy nhiên do công trình nghiên cứu hoàn toàn cá nhân, không do một cơ quan, tổ chức cử đến, thành thử việc tiếp cận tài liệu có sự phân biệt đối xử nhất định. Công trình này đòi hỏi tất cả lòng kiên trì, bản lĩnh, lẫn túi tiền kha khá để mua, sao in một số tài liệu.
Có những bộ tài liệu, ví dụ tài liệu liên quan phế tích dòng Franciscaines mất đến 4-5 năm để tìm kiếm, khảo sát, điều tra. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết mình đang theo đuổi cái gì, mang lại lợi ích gì cho người khác. Cảm giác vô nghĩa càng dội lại khi tôi lang thang ở khu Hòa Bình và thấy thông báo sắp có quy hoạch mới cho khu này. Rõ ràng điều mình viết là những giá trị trên sách vở, còn thực tế Đà Lạt là một thành phố đang biến đổi từng ngày.
- Trước khối lượng dữ liệu đồ sộ sau hai năm tìm kiếm, anh chọn bỏ những gì, chắt lọc những gì để đưa vào sách?
- Chính vì tài liệu quá đồ sộ, tôi phải biến công việc này thành khoa học. Sau khi lướt qua hơn 200 bó hồ sơ, tôi căn lên một bộ khung để giải quyết câu hỏi cái gì cần nói về Đà Lạt thời điểm này. Ở mỗi giai đoạn khảo sát cần giải quyết vấn đề gì. Để qua đó thấy được biến động bên dưới một thành phố và điều gì tạo nên giá trị của nơi này. Trước hết, cuốn sách là hình trình giải đáp thắc mắc cá nhân, làm sáng sủa cái đầu mình trước, sau đó mới bày lên văn bản.
Có nhiều thông tin mâu thuẫn buộc tôi phải trở đi trở lại để khảo sát nhiều nơi, nhiều người. Một số vấn đề chưa minh giải được, tôi để lại đó, có khi một nhà nghiên cứu giai đoạn sau có đủ thông tin, tài liệu hơn sẽ bổ khuyết sau.
- Qua những sử liệu thu thập trong giai đoạn 25 năm, anh nhận thấy cái gì làm nên căn tính của Đà Lạt ngày xưa?
- Thể chế là nền tảng phần nào kiến tạo nên giá trị, đời sống thị dân của một đô thị. Thời Pháp thuộc, Đà Lạt được định hướng trở thành một thành phố nghỉ dưỡng, sau là thủ phủ liên bang Đông Dương. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, có sự tiếp biến, Đà Lạt trở thành trung tâm văn hóa, đặc khu giáo dục. Hai giai đoạn này tạo ra giá trị đặc biệt cho Đà Lạt, tạo ra hình dung của chúng ta về một Đà Lạt sang trọng, lịch lãm.
Cũng từ tư liệu, có thể thấy người Đà Lạt rất yêu thiên nhiên. Vào những năm 1957-58, Đà Lạt có mùa trồng cây, từ tháng 7 đến tháng 12. Có những quy chế yêu cầu cụ thể hễ ai muốn chặt thông thì phải biện rõ lý do. Việc trồng cây được tổ chức quy củ quanh hồ Xuân Hương, các con đường, nghĩa trang... và người dân hưởng ứng một cách sẵn sàng. Phong trào này tạo ra tập quán, nề nếp, hình thành một phần tâm lý người Đà Lạt. Họ sống không thể bứt rời khỏi thiên nhiên, họ tìm thấy giá trị bản thân trong thiên nhiên, hài hòa với trời đất. Hôm nay chúng ta gọi đó là tư duy sống bền vững.
Ngoài ra chúng ta cũng có thể thấy tâm tính hài hòa của người Đà Lạt khi có xung đột. Dù không cùng chiến tuyến, họ cũng sẵn sàng bảo vệ nhau trước bom rơi đạn nổ. Tất cả yếu tố đó cho thấy tính cách hài hòa giữa người với người, giữa cá nhân với tha nhân, giữa người và thiên nhiên, tạo nên cảm giác bình yên, nhẹ nhàng. Khi ta đến với Đà Lạt, ta cảm nhận ở đó có sự chan hòa giữa bản thân và thiên nhiên, trong một nhân quần hòa hợp.
Bìa sách Đà Lạt, bên dưới sương mù.
- Khu trung tâm gồm rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, Dinh tỉnh trưởng đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng trong thời gian này. Sử liệu nói gì về khu này?
- Tôi tìm được bộ tài liệu chứa bản đồ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế vào năm 1959, đồ án quy hoạch phố một tầng lầu ở khu Hòa Bình. Năm đó ông vừa du học về, được giao nhiệm vụ thiết kế khu phố thương mại quanh chợ Đà Lạt.
Với quyền hành, uy tín, ông dễ dàng đập bỏ ngay chợ Đà Lạt cũ mà không ai phản ứng. Tuy nhiên ông không làm vậy. Kiến trúc sư mở một cầu dẫn nối từ chợ cũ sang chợ mới, tạo sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Một Đà Lạt tân kỳ là một thành phố có sự gắn bó giữa hôm qua và hôm nay, không phải phủ định sạch trơn giá trị cũ mà là tiếp nối, kế thừa. Giá trị của Đà Lạt giàu có là nhờ những thế hệ kiến tạo đô thị có cái nhìn văn hóa để xử lý những khúc quanh trong lịch sử thật êm ấm, nhẹ nhàng.
Vào thập niên 60 đến 90, chúng ta vẫn còn thấy hình ảnh ngôi chợ cũ bên chợ mới, hậu cảnh là ngọn đồi thông, tạo bối cảnh trung tâm hài hòa của một thành phố trong rừng.
- Ra mắt cuốn sách vào thời điểm quy hoạch trung tâm Đà Lạt được công bố, anh mong muốn gửi gắm, truyền tải điều gì qua sách?
- Tôii mong quyển sách phần nào định hình cái nhìn của chúng ta về Đà Lạt trong lịch sử. Thông qua cái nhìn đó, ta có một bài học tham chiếu cho hiện tại, chọn đường phát triển sao cho hài hòa giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Trong 19 năm nữa, những điều ta nói hôm nay sẽ trở thành quá khứ. Tương lai ứng xử như thế nào với chúng ta, quyết định bởi một phần thái độ của chúng ta với người xưa thế nào.
Hành trình tìm kiếm "Đà Lạt bên dưới sương mù" mãi là câu trả lời không bao giờ thỏa mãn được. Ngay lúc tôi trả lời đây, bản thân cũng chưa thấy đủ đầy. Bởi còn rất nhiều điều cuốn hút bên dưới, làm cho mình cảm thấy còn bị hấp dẫn, hút vào và đào sâu tìm hiểu. Đà Lạt mang một vẻ đẹp treo lơ lửng trước mắt chúng ta mà không bao giờ mình định nghĩa nổi.
Theo: Vnexpress.net/Bảo Khánh thực hiện