NHẠC SĨ LAM PHƯƠNG CỦA “TRĂM NHỚ NGÀN THƯƠNG” ĐÃ QUA ĐỜI
Lam Phương, tác giả của khoảng 217 ca khúc, một trong những tên tuổi được ái mộ nhất trong đời sống âm nhạc, sân khấu miền Nam trước 1975 đã từ trần ngày 22-12-2020 tại Mỹ sau một cơn tai biến.
Ông hưởng thọ 83 tuổi.
Ảnh: Phanbook
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20-3-1937, quê Rạch Giá, Kiên Giang. Ông sớm rời quê nghèo lên Sài Gòn trọ học và lập nghiệp. Cũng tại Sài Gòn, ông may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang dạy nhạc và sáng tác ca khúc.
15 tuổi, ông gây chú ý với ca khúc Chiều thu ấy. Những năm tháng sau đó, ông tiếp tục tạo tiếng vang với các ca khúc: Khúc ca ngày mùa, Kiếp nghèo, Đèn khuya, Duyên kiếp, Chuyến đò vĩ tuyến, Thu sầu, Thành phố buồn, Cho em quên tuổi ngọc...
Lam Phương trở thành một hiện tượng thành công nhất trong đời sống sân khấu ca nhạc, kịch nghệ từ khoảng 1960 đến 1974 với vài chục bản tình ca được trình diễn thường xuyên trong các phòng trà, làm nhạc nền cho sân khấu kịch Sống (của nghệ sĩ Túy Hồng, vợ ông thời bấy giờ) và ấn hành băng đĩa nhạc. Đặc biệt là các tờ nhạc giới thiệu các ca khúc mới của ông được phát hành tại Sài Gòn với số lượng ấn bản rất lớn, đem lại cho ông cuộc sống khá giả.
Tuy là một nhạc sĩ tài hoa và thành công trên nhiều phương diện, song ông có đời sống tình cảm sóng gió, nhiều đổ vỡ. Niềm hân hoan và sự khủng hoảng trong tình cảm phần nào phản chiếu vào các bản tình ca của ông sau 1975, khi ông sống và sáng tác tại Paris và Mỹ. Các ca khúc về sau của giai đoạn này tiếp tục nuôi dưỡng sự ái mộ của khán giả đối với ông, như: Mùa thu yêu đương, Bài tango cho em, Một mình...
Năm 2019, cuốn sách Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương do Phanbook thực hiện đề cương, tác giả Nguyễn Thanh Nhã chấp bút (NXB Phụ Nữ Việt Nam) ra đời được xem là tác phẩm duy nhất, tương đối đầy đủ về chặng đường 70 năm âm nhạc của Lam Phương đã được ấn hành.
Ảnh: Phanbook
Qua cuốn sách, người đọc nhận diện rõ hơn chân dung của một nghệ sĩ “tài hoa và bất hạnh”, theo cách nói của cố thi sĩ Du Tử Lê.
Trong những năm tháng cuối đời, tuy phải nằm một chỗ trên giường bệnh và đối thoại rất khó khăn, nhưng nhạc sĩ Lam Phương cũng đã kịp cầm trên tay tác phẩm tư liệu tiểu sử Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương từ Phanbook.
Ảnh: Phanbook
Được biết, ông từng có dự định trở về quê hương Kiên Giang và Sài Gòn để thực hiện chương trình nhạc gói gọn sự nghiệp âm nhạc của mình, nhưng vì lý do sức khỏe, dự định đã không thành.
Bầu trời âm nhạc miền Nam trước 1975 và hải ngoại sau 1975 đã tắt đi một trong những vì sao sáng nhất.
Được tin nhạc sĩ Lam Phương vừa từ trần, Phanbook xin thành thật chia buồn cùng gia quyến và những người ái mộ dòng nhạc trữ tình của ông.
PHANBOOK