Tìm Lại Nhau Để Thứ Tha
Khói bom lên trời thành một
cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đến
sau chiến tranh
(Viết về số 0 - Phạm Tiến Duật)
Đó là cái yên lặng để nhìn lại một thời khói lửa, cái yên lặng của những con người đã đi qua giông tố đạn bom, cái yên lặng trước những đớn đau, trắng khăn tang… Dẫu tàn khốc bao nhiêu đi chăng nữa, chiến tranh rồi sẽ kết thúc, khói đen rồi cũng tan biến, nhưng trí nhớ đã in hằn một quá khứ tội lỗi, ký ức đã khắc sâu những ngày lạc lối thì đến bao giờ nỗi day dứt ấy mới nguôi ngoai!
Ảnh: CHÂU AN |
Koh Kyoung Tae - nhà báo người Hàn Quốc, từng là Tổng Biên tập tuần báo Hankyoreh 21 - đã lặn lội trên dưới 20 lần tìm về Việt Nam để tìm kiếm sự thật về việc Hàn Quốc tham gia chiến tranh, để lên tiếng tìm công bằng cho người dân hai thôn Phong Nhất, Phong Nhị (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong cuộc thảm sát của lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc. Tất cả đã được ghi chép lại đầy đủ, trung thực trong cuốn sách 12.2.1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị. Ngày 12-2-1968, đã xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng của lính đánh thuê Đại Hàn Dân Quốc, làm 74 người già, phụ nữ, trẻ em yếu đuối, vô tội làng Phong Nhất, Phong Nhị vĩnh viễn ra đi.
Nhà báo Koh Kyoung Tae trên hành trình tìm sự thật đã ngỡ ngàng trước thái độ của những nạn nhân sống sót kỳ diệu: Mười hai tuổi đã chứng kiến khoảnh khắc mẹ và em bê bết máu, nằm chết dưới họng súng của lính Đại Hàn, vậy mà nạn nhân sống sót này nói đi nói lại nhiều lần với người Hàn Quốc đầu tiên tìm đến mình sau 50 năm kể từ ngày ấy lại là “Ăn cơm rồi hẵng đi”. Chính lòng nhân hậu, bao dung, chất phác ấy của những con người Quảng Nam đã khiến Koh Kyoung Tae nuôi dưỡng quyết tâm phơi bày sự thật trên trang sách. Mục đích viết cuốn sách không phải vì tinh thần trách nhiệm hay một sứ mệnh nào cả mà bởi sự thúc giục của trái tim, của sự thật - sự thật tự thân đã có quyền lên tiếng.
Bố cục gồm 6 phần: Hai chiến tuyến, Thảm sát cây da dù, Mơ cuộc phục thù, Chuỗi ngày của lính thủy đánh bộ, Ngụy tạo và mệnh lệnh đặc biệt, Như Che Guevara, cuốn sách là những câu chuyện vụn vặt, chắp nối bằng hồi tưởng, ký ức đớn đau mà Koh Kyoung Tae đã lắng nghe rồi ghi chép, sắp xếp cẩn thận, tỉ mỉ. Đó là những câu chuyện được kể lại từ những người trong cuộc nhưng nhìn từ hai phía: nạn nhân và kẻ mang tội. Các câu chuyện lần lượt xuất hiện, đan cài giữa quá khứ và hiện tại - quá khứ tang thương của những người dân vô tội, quá khứ lầm lạc của những lính Đại Hàn, hiện tại của những người còn sống trong cả đớn đau và dằn vặt. Koh Kyoung Tae đã kể lại một cách rỉ ả, tỉ tê mà khiến người ta đau tận tâm can, xé từng đoạn ruột.
Ấn tượng của cuốn sách không chỉ là kể cho chúng ta sự thật của cuộc thảm sát mà là sự thật trong ký ức mãi tồn tại của những người đã tham gia thảm sát. Những cuộc nói chuyện, trả lời phỏng vấn với Koh Kyoung Tae là cơ hội để những những người lính năm ấy giãi bày, sám hối và có người nhờ đó mà thanh thản ra đi. Lật lại lịch sử, phơi bày sự thật không phải để kể tội hay kết tội, mà để nhìn lại và có cơ hội trao nhau lời tạ tội, xin được thứ tha. Người đã khuất, người còn sống có lẽ cũng chỉ cần có vậy mà nguôi ngoai.
Ngày 12-2-2014, một số tổ chức Hàn Quốc gửi vòng hoa tưởng niệm người đã khuất: Chúng tôi thành thật xin lỗi trước những mất mát của các bạn, một lần nữa xin quỳ gối tạ tội trước các gia đình thân nhân nạn nhân ở Phong Nhất - Phong Nhị. Thành thật xin lỗi, Chúng tôi sẽ ghi nhớ! Lịch sử của ngày ấy, chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để cái chết của các nạn nhân và gia đình nạn nhân thôn Phong Nhất - Phong Nhị không thành vô nghĩa, chúng tôi sẽ nỗ lực vì sự hòa bình của mảnh đất này. Quá khứ đã qua, lịch sử đã sang trang, những người con của ngày hôm nay hãy cùng nhau nhìn về phía của thân tình, yêu thương, sẻ chia để vòng hoa bằng tre yếu mỏng đủ sức mạnh trở thành vòng tay bền chặt những chân tình.
Cuốn sách 12.2.1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị của tác giả Koh Kyoung Tae được dịch giả Nguyễn Ngọc Tuyền chuyển ngữ từ bản tiếng Hàn ra tiếng Việt. Và có lẽ, ngoài kiến thức sâu rộng, người dịch còn là một người con của xứ Quảng, nên văn phong gần gũi, dễ đi vào lòng người... Cuốn sách được Công ty Phanbook và NXB Đà Nẵng phát hành vào tháng 6-2020. CHÂU AN |
Thiên Di (Báo Đà Nẵng)