'Yêu thương là tự do' - trang viết đi tìm sự bình an
Sách của Trần Lê Sơn Ý đậm tự sự, gửi gắm tâm niệm sống hòa ái giữa thời buổi nhiều nhốn nháo, xao động.
Yêu thương là tự do mở ra với lời đề từ: "Đừng nhốt tim mình trong một cái chai". Sách tập hợp 57 câu chuyện xoay quanh cuộc sống của tác giả. Bằng sự nhạy cảm, tinh tế của một phụ nữ, những câu chuyện Trần Lê Sơn Ý gửi gắm trở nên nhẹ nhàng, nhân văn hơn. Tên các bài viết gợi lên sự hài hòa, bình dị như nội dung chúng chuyển tải: Được già đi cùng nhau, Buổi sáng bắt đầu từ nắng, Khi yêu thương người ta luôn biết cách, Và biển xanh dần,…
Bìa sách "Yêu thương là tự do".
Sách kể các câu chuyện gia đình ai cũng từng gặp phải. Câu chuyện về người con tha hương mong một ngày về lại vòng tay gia đình, người mẹ tảo tần mưu sinh hay chuyện chồng con và những day dứt đời người đàn bà. Là một người mẹ, Trần Lê Sơn Ý dành hẳn một không gian để viết cho con. Cô tự sự về một hành trình từ thời xuân sắc, tạm gọi là "thời tự do vàng son" đến khi lập gia đình và có con. Những yêu thương dịch chuyển nhẹ nhàng và tự nhiên qua góc nhìn của một người mẹ trong thời hiện đại.
Tác giả cũng giãi bày nỗi khắc khoải tìm kiếm cảm giác sống. Trên hết, độc giả thấy được sự tích cực và thanh cao ở ngay những số phận đau khổ nhất. Như tác giả chia sẻ: "Đó là dư vị của mùi hương xuân sắc và mê hoặc, dù thời gian có làm bao cuộc đổi thay".
Tác giả Trần Lê Sơn Ý.
Đầu tháng 7, Trần Lê Sơn Ý đã có buổi giao lưu độc giả, ra mắt tác phẩm mới sau 5 năm vắng bóng văn đàn trong nước. 5 năm là khoảng thời gian bận rộn của cô trong vai trò làm vợ, làm mẹ đầy những tất bật, lo toan thường nhật. Tuy vậy, tình yêu viết lách vẫn vẹn nguyên trong nữ nhà thơ như thời tuổi trẻ sôi nổi.
Ở buổi giao lưu, một bạn đọc nhận xét tên sách - Yêu thương là tự do - có sức gợi lớn. Tuy vậy, nhiều người băn khoăn làm sao để có tự do khi yêu thương bởi một khi đã yêu, cảm xúc không còn do bản thân một ai đó quyết định nữa? Tác giả lý giải sau nhiều trải nghiệm, cô nhận ra khi một người tự nguyện "cống nạp" tự do cho người mình yêu thương, sự "tự do trong khuôn khổ" ấy với họ là đặc ân chứ không phải là rào cản. Yêu thương là tự do còn thể hiện góc nhìn của một người phụ nữ trong gia đình trẻ trước các vấn đề của đời sống: tình yêu và sự hy sinh, mối quan hệ vợ chồng, việc nuôi dạy con, lớn lên cùng con, những chia sẻ với cha mẹ già, sự thiếu vắng mơ mộng trong đời sống, lựa chọn tự do cá nhân của mỗi người sao cho hài hòa trong các quan hệ xã hội…
"Hiện tại, giá trị sống xã hội đảo lộn, mái ấm truyền thống đứng trước nhiều thử thách. Khoảng 5 năm trước, tôi không thể nghĩ các em bé cũng có những chiếc smart phone hay một buổi đi ăn cùng nhau mỗi người đều 'ôm' điện thoại. Tôi hy vọng trong không gian đô thị chật chội và bộn bề, nhiều gia đình trẻ đang bị mắc kẹt giữa nhiều áp lực có thể tìm thấy ở cuốn sách tiếng nói đồng cảm, gắn kết mọi người lại với nhau”, tác giả chia sẻ.
Trần Lê Sơn Ý là nhà báo, nhà thơ. Cô từng xuất bản Cơn ngạt thở tình cờ (thơ 2007), Sao con hỏi mà kiến không trả lời? (ghi chép, 2018). Hiện cô sống và làm việc tại TP HCM.
Nguồn: Thanh Phương/Vnexpress.net