MEKONG - PHÙ SA PHIÊU BẠT - KỲ 3: NGƯỜI CỒN LỞ – PHANBOOK.VN

MEKONG - PHÙ SA PHIÊU BẠT - KỲ 3: NGƯỜI CỒN LỞ

Phía sau ngôi nhà đã lở một phần ba, ló ra những trục lõi sắt như một đoạn xương gãy lìa, bà Bé mâm mê mảnh gạch men bám tường đã vỡ. Đứa cháu hết nhìn ra sông lại nhìn bà.Quãng đời gần 70 năm của bà bị vạt ngọn trong một buổi chiều tối. Đứt hẳn vào bóng đêm, không để lại dấu tích gì. Khi đứng ngoài và chứng kiến phần đời của người khác bị xóa sổ nhanh trong chớp mắt, dòng sông đã nghĩ ngợi gì?

Miền Tây mỗi năm lở 891 km. Không dừng lại. Đầu tiên là đường sụt xuống một hố nước. Đứng trên bờ nhìn xuống, người ta chờn chợn tóc gáy. Rồi cả con đường bị nuốt chửng giữa trưa hè yên ả. Rộp. Rồi ầm. Ầm. Ầm. Như thủy quái trong hốc nước sâu trồi lên, há miệng và nhai rau ráu.

Sau khi con đường biến mất, là đến nhà cửa. Những người như bà Bé ngày càng nhiều thêm. Họ ngồi trong căn bếp gác ra sông, đang rửa nốt cốc cà phê khách vừa uống, miệng còn cười lảng bảng với chuyện linh tinh ngoài ngõ gọi vào. Yên ắng như chưa từng, cả căn nhà nứt ra, họ thấy chân mình rúng động như con bạch tuộc khổng lồ nào đó cong vòi. Căn nhà bị bẻ ra như lát bánh quy ăn dở. Gạch lát nền, mái lá, mái tôn, cửa kính, gạch men. Sang hèn hay nghèo khó, người miền Tây giờ đây bình đẳng dưới một định mệnh gần giống nhau khi vùng đất cựa mình xói lở và hất tất cả xuống dòng nước.

Chưa bao giờ Mekong giận dữ nhiều. Chưa baog giờ đi bộ ở đồng bằng lại khiến tôi thấy bức ngạt trong ánh mắt người nhìn kẻ lạ. Đôi mắt bà Bé mờ đục vì tuổi già, giờ đây chúng còn thêm ngấn nước và cụp xuống cam chịu khi nhắc đến “nhà cũ”.

Tôi thường hay nhờ những gia đình bị mất nhà vì xói lở ra bờ sông chỉ giúp xem nhà họ từng nằm ở đâu. Miêu tả đó cần cho bài báo. Để độc giả hiểu có những cù lao đã trôi dạt, những thân người đã nghiêng xoay, biến đổi, những dòng chảy đã bị uốn quay quắt, tôi cần họ đứng trên mõm đất gãy và chỉ trỏ kể chuyện.

Hành động ấy thật phức tạp. Đầu tiên, những ông bà nhà quê thiệt tình đó muốn giúp đỡ cô nhà báo. Họ nắm tay tôi, quày quả giữa trưa vừa đi vừa kể. Tất cả những người mất nhà sau cuộc xói lở đều nhớ cực kỳ rõ chuyện đó xảy ra thế nào. Họ đứng ở trước sân, và căn nhà hụp xuống như chơi trốn tìm. Rồi biến mất, thành biển dâu. Họ đi làm về, người thân chạy tới òa khóc: “Mất hết rồi anh ơi” - Rồi họ đứng đó sừng sững, có biết làm gì khác đâu ngoài cho mượn bờ vai để người thương khóc cho đã đời. Họ đang ngủ, căn nhà cựa quậy mấy cái, họ tung chăn bế đứa con lao ra đường, và cơn lở nghiền nát tất cả trước khi lặng lẽ trốn vào nước đục. Chuyện kể kịch tính và cụ thể như phim hành động.

Những cồn đất lở xuống ở cái đuôi huyện Tân Châu (An Giang), khi người Cửu Long mất nửa ngôi nhà chỉ sau chớp mắt

Nhưng khi vừa nghe xong hành trình nhà lở đó, đi hết đường mòn, họ và tôi đã đứng trước cái hõng nước nơi từng được gọi là nhà, thì một cơn rúng động nào đó xảy ra. Họ sững người. Im lặng. Họ rờ rẫm đoạn gờ gạch gãy còn mấu lại trên bờ. Họ rón rén bước vào, chạm tay vào khung cửa gãy, vuốt ve mảnh chén vỡ bị bỏ lại khi cái tủ bát rơi xuống nước. Như cuộc tưởng niệm người bạn đời đã mất. Cơn thổn thức đã chìm sâu trong ngực giờ trào lên như đợt đau dạ dày của người không tốt dạ. Mỗi lần trở lại nhà cũ, người sống bên bờ đất lở lại chạm vào dòng điện kích ngược ký ức. Cái vô tư sôi nổi của dân đồng bằng không che được mất mát. Sự thành thiện và nhiệt tình của người quê không giấu được vẻ lưỡng lự không muốn ngoái lại quá khứ thêm lần nào nữa.

Đứng giữa tưởng niệm và đổ nát, tôi ghép nối Tân Châu với bờ kè mới, ghép Hồng Ngự với phố mới ở cồn Long Khánh A, ghép nối công viên bờ kẻ trong trấn với cồn Châu Ma đã biến mất vĩnh viễn giữa sông Tiền. Dòng sông này là sinh vật đầy cảm xúc. Nó im lặng như một ông lão đánh cá già nua. Nó giận giữ như một con người đầy khao khát trả đũa. Nó mím môi ngừng khóc như người sống ở kè lở chịu đựng số phận bị xóa sổ nơi sinh tồn. Nó không trừng phạt (như cách người ta hay mô tả thiên nhiên phẫn nộ), mà chỉ là không thể rướn mình chịu đựng thêm những vỡ vụn xác thịt đã xảy ra suốt nhiều chục năm.

Những đêm ở Hồng Ngự, tôi ngủ trong tiếng kim loại nghiến kèn kẹt giữa sông, từ đám cần cẩu đang xúc cát từ đáy nước lên và đổ vào xà lan, xuôi về Cần Thơ, Hậu Giang. Xáng cạp bằng kim loại mở ra trên đầu cần cẩu, nhúng mình vào dòng nước đục bí mật, rồi vung cần lên, đẩy một khối cát vàng ươm còn rỉ nước lòng ròng khi lên đến xà lan. Cứ mỗi lần xáng mở hàm cạp ra, tiếng dây cáp nghiến vào hàm, hai nửa kim loại chà sát vào nhau, rít lên như từ kẽ răng mà quyết ăn thua đủ với sông Tiền bên dưới.

Người cồn lở nghe tiếng xáng múc suốt 1/4 đời người. Trẻ con đẻ ra đã nghe tiếng rít báo hiệu sông Tiền giãy giụa bên dưới xà lan cát. Người lớn bạc đầu nơm nớp lo không còn đất ông bà mồ tổ để nhắc nhở đời sau bất cứ gì. Hàng chục ngàn con người đã lặng lẽ phập phồng như thế, thở cùng dòng sông chứng kiến sự tham lam của nhiều người khác. Cho đến khi không còn chịu được, hơi thở hắt ra, sông buông mình. Cồn đất rụng xuống, bợt đi bời bời từng tảng, từng đồng ruộng, từng hàng quán, bếp lò, mái nhà.

Nhưng người điều khiến xáng cạp và xà lan cũng chẳng có gì động tâm lắm. “Nhà tui ở Hậu Giang”, “mình đi lái mướn cho người ta thôi mà”, “biết bà con ghét mình, nhưng không làm thì lấy gì ăn, ở quê tui thanh niên theo xà lan đi hết chớ mần ruộng có ra tiền đâu”. Nghe thủy thủ trên xà lan nói, người đàn bà bán cà phê ngoài bến sông cũng cười. Một ánh cười xuê xoa tội nghiệp. Bà vén mớ tóc dài bạc mỏng tang búi lại sau đầu, rót nước cho cậu trai đen nhẻm vừa chìa tờ tiền nhàu hỏi mua chai nước. “Tụi nó cũng mần ăn thôi, khác gì mình đâu, tụi tui có đuổi đó chứ. Đuổi miết mà chủ xáng cạp cứ trơ ra… thì chịu thôi chứ sao giờ”.

Ghép hai nửa câu chuyện đó vào, tôi thấy mình băn khoăn đứng trên bờ sông Tiền nưới đói đang rì rầm rơi từng mảng xuống nước đêm ngày. Làm gì có lựa chọn nào khác. Không có lựa chọn khác cho cái xáng cạp. Càng không có lựa chọn nào cho bà bán nước. Sinh mệnh sông Tiền được định đoạt gãy gọn như vậy. Con người cần phải sống. Và như suốt ngàn năm nay, họ quày trở ra sông để vớt lên thứ cần cho sinh tồn. Không phải cá, nước, hay rau… mà là cát.

Một đoạn lở trong mùa nước lên, để lại cảnh hoang tàn ở Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Những thị trấn trôi dạt gãy xuống, để ló ra một nửa mồ mả gia đình tan hoang. Sự kín đáo yên nghỉ của cha ông giờ cũng bị hãm hại. Cổng nhà thờ bị gãy. Mái chùa cũng lở khập khênh. Vô số nhà cửa méo mó oằn mình. Rồi nó tạo ra một nhóm người mới - dân cồn lở.

Những người ghét vô cùng phải rời bỏ bờ sông để vào khu dân cư, nhưng đến khi nhà biến mất hẳn thì phải vào. Nước gì đắt quá, tháng mấy trăm ngàn, hồi nào giờ xài nước sông có mất tiền đâu. Nhà gì nóng quá, không có gió, cũng không có ai chèo đò qua tán dóc. Điện thì thắp tối ngày không đủ. Người ở cồn lở quá mong manh trước những thay đổi cả đời chẳng tưởng tượng ra nổi. Tụi trẻ con loay hoay tìm chỗ chơi trên đường lộ đầy xe qua lại thay vì chạy muốt xuống sông rồi bơi với nhau cả chiều (đất lở, tụi nó cũng chẳng còn được bơi).

Đời sống cũ bị khỏa lấp dần và thỏa hiệp. Người cồn lở không dám để cửa nhà mở toang như hồi sống ngoài bờ sông. Họ không ngủ được yên khi tiếng xe máy xé qua không khí cả đêm lẫn ngày. Người già chỉ còn bó gối một chỗ nhìn ra đường. Những mảnh vườn còn sót lại là an ủi cuối cùng để họ quay trở về bờ sông, thu hái mớ cải, mớ rau, nhìn cây đu đủ tựa vào đất vỡ mà ra trái.

Đêm xuống ở cồn lở, tôi nhìn qua Hồng Ngự với bờ kè vừa xây, với hàng trăm mét khối cát được đổ lên để thành công viên rực rỡ đèn. Cát lấy từ đáy sông Tiền hay từ một con sống nào khác? Và chỗ ấy, có bao nhiêu xóm làng đã biến mất vào thinh không chừa chỗ cho ánh đèn hấp háy rộng rãi vô tư này?

Không có dòng sông nào qua đời, chỉ có con người sẽ bị cuốn phăng đi không để lại vết tích gì.

 

 (Trích từ cuốn sách Mekong - Phù sa phiêu bạt của Khải Đơn)

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục