Mỹ Tâm 'đụng độ' gia đình Năm Cam ở Cadilac – PHANBOOK.VN

Mỹ Tâm 'đụng độ' gia đình Năm Cam ở Cadilac

"Đụng độ" với gia đình Năm Cam ở Cadillac 

Cadillac là một nơi chốn đã từng thân quen với chúng tôi, anh em tôi, như ngôi nhà thứ hai. Sân khấu rộng thênh, dư chỗ trải chiếu ngủ, câu lạc bộ rộng thênh, buổi trưa ban nhạc tập, tôi thường đưa Tâm ghé dợt bài hoặc ăn trưa với anh em, cơm nhạc công thực đơn rau xào thịt kho linh tinh.

Thế là tình thân của anh em chúng tôi nảy nở giữa đám học trò cũ ở Cadillac, vừa gần nhà Tâm (khi đó còn trọ tận tầng mười ký túc xá sinh viên Nhạc viện, số 51- 57 đường Nguyễn Thái Bình) vừa tiện đường tôi từ quận Tư ra phố. Cadillac mà tối nào tôi cũng sẽ có mặt (sau đó) để nghe Tâm hát, góp ý vài điểm cho em hoặc cho ban nhạc, dẫn bạn tôi là Jun Nguyen-Hatsushiba đến xem, quay video lại, với mong muốn tìm cho Tâm một phong cách ăn mặc, tóc tai, trình diễn.

Jun trước là thầy dạy tôi môn tư duy sáng tạo ở trường Thiết kế DPI, kém tôi một tuổi; trong khóa học, chúng tôi tìm thấy nhiều điểm chung về tư duy nghệ thuật nên trở thành bạn hữu. Jun đã chụp chân dung tôi và thiết kế toàn bộ bìa album Vàng Son; đổi lại tôi soạn nhạc cho các video-art của bạn.

Bìa sách "TÂM" - tư liệu quý về Mỹ Tâm với nhiều góc khuất mà fan ruột chưa chắc biết.

Khi tôi còn đang băn khoăn một số điểm trong việc đưa Tâm đến với công chúng (phải xác định công chúng nào? ở đâu? đường dài sau này của Tâm sẽ dẫn đến đâu?), tôi hỏi ý Jun. Jun đã gặp Tâm một lần ở tiệm trà kế bên cổng trường DPI đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rồi Jun cho biết sẽ phải đem máy camcorder đi quay lúc Tâm hát, về nghiên cứu thêm mới định ra một số phong cách phù hợp được. Lúc đó ai cũng thấy Tâm còn nhiều vụng dại, chất “sinh hoạt cộng đồng” thanh niên học sinh còn bao phủ. Muốn thành ngôi sao tương lai ư, dĩ nhiên phải thay đổi hết…

Nhưng thay đổi thế nào lại phải tính sao cho hợp tạng Tâm. Thời đó, chúng tôi chưa có những phát kiến liều lĩnh gây sốc như Lady GaGa. Showbiz Việt còn mới toanh, (vì thời nhạc Việt huy hoàng cách đó chưa lâu không ai gọi là showbiz). Showbiz (từ năm 2000 trở về sau) còn dò dẫm, bước từng bước, có khi người này người kia ngã lăn ra, cả một cộng đồng làm nhạc giải trí như em bé tập đi. Tâm đã từng ngồi ở nhà tôi xem hết cả kệ đĩa DVD nhưng băn khoăn, “Mình sẽ giống ai?”.

Câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng, cả tôi và Tâm đều chưa xác quyết được hình tượng Tâm sẽ thể hiện.

Cadillac là điểm đến của giới trung lưu và bà con Việt kiều. Ta sẽ dễ dàng trông thấy những nhân vật như các anh Duy Minh, Duy Hùng con trai nhạc sĩ Phạm Duy, các fan đứng tuổi của dòng nhạc xưa, và không thiếu một gia đình nổi trội trong giới giang hồ: gia đình anh Năm Cam. Kỷ niệm về sự đụng độ của Tâm với gia đình ấy cũng thú vị. Một hôm, Jun Nguyen-Hatsushiba cầm máy tới quay Tâm. Cadillac có một khu vực tầng lửng, từa tựa như dãy ghế lô ở các nhà hát, nơi ta nhìn xuống sân khấu từ một độ cao tương đối, và khá riêng tư, dành cho khách VIP. Tâm hát xong, sung sức và cuộn sóng sân khấu như mọi tối.

Tôi và Jun còn đang loay hoay xem lại màn diễn của Tâm trên màn hình máy camcorder thì thấy em hớt hải chạy lại, kể là gia đình Năm Cam gửi giấy nhắn đến bàn uống rượu, lời nhắn có vẻ “ép uổng” lắm, bé có nên đi không. Tôi dân quận Tư, không thân thiết gì song chẳng đến mức lạ với anh Năm Cam. Tôi nói tùy bé, theo lẽ thường thì cứ đến chào một tiếng. Anh Năm rất quý và thân thiết với giới văn nghệ, nhiều lần anh đến chơi nhà chị C.V. mà ngồi hiền lành lặng lẽ, như người hóng hớt và xuề xòa với những câu chuyện tiếu lâm, chém gió nổ trời của khách làng văn. Chắc anh đã nghe nhiều về em, đang quan tâm, muốn nói vài lời với một cô bé con dám mạo hiểm ở Sài Thành.

Mỹ Tâm "cả gan" từ chối lời mời trùm giang hồ Năm Cam khét tiếng Sài Gòn một thời.

Nhưng Tâm không đến bàn của họ, em xuống sân đứng chờ tôi. Em nói bé ghét nhất bị kêu tới chào bàn, không ra làm sao cả, như thể mình là con hát thuê đám cưới. Tôi đáp ừ, chỉ cần bé biết là không có gì phải sợ, cũng không có gì phải né tránh, còn chuyện có cần, có muốn thân hay không với giới giang hồ thì… tùy duyên, nhiều người muốn kết thân mà không được. Giới giang hồ có luật chơi của họ, anh thấy họ có tâm, có lòng rộng rãi hảo hớn, khen họ thì hơi quá đà nhưng đừng chê họ. Tâm nói bé không chê ai cả, ngay cả với những người mà ai cũng ngại như Nguyễn Quang, bé lại thấy tốt là đằng khác, chỉ có điều bé không ưa những màn giao đãi cụng ly cụng chén ở nơi công cộng.

Nhưng, Nguyễn Quang là ai?

Quang là một người có tài, lập dị và khó gần, có những kiểu rất riêng dễ gây ngộ nhận và khó chịu cho người khác, nhất là người trong giới. Quang rất khác với người cha ôn tồn, hòa nhã Nguyễn Ánh 9 của anh. Ngón đàn piano của anh cũng tài hoa không kém gì cha, nhưng anh tách biệt một góc riêng và có phần cao đạo. Khi Tâm có bài hát đầu tay: “Mãi yêu”, Quang đã giúp Tâm sửa, làm cho hay hơn, hoàn chỉnh hơn.

Còn tiếp

(Trích sách Tâm)

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục