TÂM - Kỳ một: 'Nghe Tâm hát live cứ tưởng ai mở đĩa' – PHANBOOK.VN

TÂM - Kỳ một: 'Nghe Tâm hát live cứ tưởng ai mở đĩa'

Quốc Bảo vừa ra mắt sách Tâm - khắc họa chân dung giọng ca nổi tiếng những năm 2000, khi cô chập chững vào nghề. Nhạc sĩ ấn tượng Mỹ Tâm thời gian đầu giữ kẽ, khiêm tốn nhưng ý thức được giá trị của bản thân. Sách cũng dẫn nhiều ví dụ về tinh thần làm việc bền bỉ, nghiêm túc của Mỹ Tâm, giúp người hâm mộ lý giải vị trí bền vững của nữ ca sĩ trong showbiz. Ngoài ra, Quốc Bảo  hé lộ nhiều khoảng tối phía sau sân khấu, thành công của một ngôi sao.

Mỹ Tâm giai đoạn mới vào nghề qua ống kính Quốc Bảo.

Mỹ Tâm giai đoạn mới vào nghề qua ống kính Quốc Bảo.


Kỳ 1: Ngày em đến

"Ngày em đến" - tên một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Từ Huy, Trần Thu Hà là ca sĩ trình bày thành công nhất.

Tôi gặp em không ở Bến Thành Audio, không ở Saigon Audio, không ở Hãng phim Trẻ hay Phương Nam, không ở quán Nhạc Sĩ, không ở studio Viết Tân hay Kim Lợi..., những nơi chốn rất đông đảo ca, nhạc sĩ Saigon lui tới trong thời điểm hậu vàng son nhưng vẫn còn là những không gian âm nhạc quen thuộc, vẫn là những nơi nổi tiếng để nhà sản xuất rồi ca sĩ làm quen, trò chuyện, rồi phát hiện, gieo mầm, thử giọng, thử sắc vóc.

Chúng tôi gặp nhau cũng không ở nhà em hay nhà tôi.

Tôi gặp em không ở studio nơi Quốc Khánh - chủ nhiệm hãng Vafaco và Nguyễn Hà, ban nhạc Hải Âu, một ban nhạc trẻ sống động và đầu đàn. Hà vẫn nâng niu em như nâng trứng, coi em là một nhân tố trẻ đầy tiềm lực.

Tôi gặp em không phải khi em thu những ca khúc Thiền cho nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo từ Mỹ về, còn đang hoang mang "không biết bé hát nhạc Phật có bị gì không, có ghê lắm không".

Tôi gặp em không trong khuôn viên tòa soạn Mực Tím nơi em mặc áo dài trắng thả tóc thề bay bay, trên sân khấu lộ thiên Nhà Văn hóa Thanh niên giao lưu mùa hè, nơi em "bung lụa" hết sức để "offline" với hàng nghìn gương mặt trẻ đầy ngưỡng mộ và háo hức.

Tôi gặp em không phải để đèo em xe máy ngược chiều đường cấm từ Nguyễn Thái Bình nơi hàng quán lao xao vòng ra Phó Đức Chính dáo dác sợ cảnh sát giao thông. Anh em chúng tôi thỉnh thoảng hơi phạm luật, bởi vì đó là con đường ngắn nhất để xuôi về Lê Lợi.

Tôi "gặp" em lần đầu, vào một tối mưa lướt thướt, nơi tôi ngồi cùng mấy anh em bạn quen, ở một câu lạc bộ lộ thiên, có lợp mái, bán rượu kiểu công nghiệp mang cái tên ngộ nghĩnh là Cadillac, dù không có chiếc xe nào nhãn hiệu này đỗ đằng trước. Đó là mùa mưa bão năm 2000, chiều nào cũng mưa tầm tã và thời ấy tôi đã qua kỳ son rỗi của gã trai độc thân, chưa vướng bận con cái nhưng cũng không còn tung tăng được mấy. Ngồi ở Cadillac là một điểm lạ trong sinh hoạt thường nhật của tôi, vốn đang dần dà trở nên quy củ như gia đình công chức, bởi vì thói quen trong gia đình nhỏ (lúc đó tôi cưới vợ được một năm, vừa chuyển nhà sang quận Tư) là buổi tối gần như ở trong nhà. Vợ chồng luôn phụ nhau dọn dẹp, nói dăm câu ba chuyện vô thưởng vô phạt xảy ra trong ngày, thi thoảng tiếp bà con lối xóm - tôi không có lệ ra quán rượu ngồi khề khà.

Vậy mà hôm đó, tôi lại tình cờ được mời đi uống một chút, dãy bàn chúng tôi ngồi cách sân khấu khoảng mười thước, từ chỗ ngồi ngó xéo lên thấy đủ mặt ban nhạc là những học trò cũ thời tôi còn làm trợ giảng ở Cao đẳng Sư phạm năm 1987: Quốc trống, Đức đàn phím và Bình vừa đàn phím vừa trumpet. Các bạn đều đa tài đa nghệ. Cùng bàn tôi ngồi có Nhật Hào, người hợp với Minh Thuận thành cặp bài trùng tạo hit ầm ĩ lúc ấy. Chàng trai Beijing là một ca khúc thành hiện tượng nóng rực, thậm chí kẻ dốt nhạc Hoa như tôi còn biết. Hào và Thuận không có giao tình thân mật với tôi, nhưng cùng là người trong giới văn nghệ, nhất là có mặt vài người quen chung thì cụng ly cụng chén cười nói xã giao. Rồi có cả nữ ca sĩ Thủy Tiên, đã sang Mỹ định cư, một người tôi vừa có tình cảm đồng nghiệp vừa quý mến riêng tư. Chúng tôi chuyện trò đang rôm rả và tôi đã hơi say, thì bỗng cả câu lạc bộ lặng phắc, những tiếng "dzô dzô", "chăm phần chăm nha anh Hai" cũng bặt. Một cô gái trẻ da bánh mật tóc nhuộm vàng nâu hạt dẻ có gương mặt sáng bừng và ánh mắt như sao xuất hiện trên sân khấu nhỏ.

Sau đoạn nhạc dạo đầu ngắn, tiếng hát bay trong mưa bão như một vầng chớp sáng đậm:

Take me back into the arms I love

Need me like you did before

Touch me once again

And remember when

There was no one that you wanted more.

Hào hét vào tai tôi, Mỹ Tâm đó anh, con bé được lắm, rất được.

Tôi lắng nghe em, những tia chớp đan qua xẹt lại trong đầu. Đêm mưa bão ấy làm chứng cho cuộc "gặp" - nói chính xác hơn, làm chứng cho ấn tượng đầu tiên của tôi về em, cho dù trước đó Nguyễn Hà đã từng tặng tôi đĩa Nhé anh, cho dù trước đó đã mấy lần thấy em cầm đàn ngồi sofa trong phòng kính của anh Từ Huy (cây đàn cũng của anh Huy) dợt lại bài trước khi lên sân khấu quán Nhạc Sĩ.

Quán Nhạc Sĩ đường Nguyễn Văn Chiêm bên hông Nhà Văn hóa Thanh niên là một tụ điểm "quyền uy" dành cho những cây đa cây đề và đàn chị đàn anh, hiếm hoi lắm mới chấp nhận những gương mặt non trẻ. Nên tôi có thoáng thấy em mà bộ nhớ của mình vẫn chưa ghi nhận gì. Đêm gặp gỡ "em và tôi" ấy, em hát To love you more ở Cadillac, bừng bừng một nguồn năng lượng gần như phi thực. Tôi bàng hoàng nhẩm theo lời hát, thầm nhủ hát thế này thì khó tin là Việt Nam, khó tin là đang hát live, cứ tưởng ai đang mở đĩa.

To love you more năm 2000, bé nhớ chứ, Tâm?

Cần xác định ngay một chi tiết để tránh hiểu lầm. Đúng là tôi có thói quen một dạo gọi các cô gái trẻ là "bé", nhưng trường hợp Tâm hóa ra không cùng công thức với các "bé" khác. Gọi một cô gái theo cách ngọt ngào là "bé" (ngọt ngào thôi, không tán tỉnh gì) thì khi cô ấy lớn hơn, trưởng thành, sẽ phải đổi cách xưng hô. "Bé" Tâm sao cứ bé mãi vậy? Lý do là: "Bé" chính là tên gọi thân mật ở nhà của Tâm. Gia đình Tâm, từ ba mẹ đến các anh chị đều gọi cô gái út như vậy, Bé. Thành thử dẫu cho em hai mươi hay bốn mươi, thì cái tên gia đình đó vẫn cứ còn nguyên; Bé tức là Tâm, ở vị thế thân tình người ta cứ gọi tên thuở nhỏ cho dù bao nhiêu tuổi. Như một hôm Lê Quang gọi cho tôi rủ uống rượu, Quang nói nguyên văn là: "Em có gọi Bé, Bé nói sẽ tranh thủ chạy ra với mình".

Vậy thôi đó, để quý bạn đọc tránh đoán già đoán non và lấy làm khó hiểu.

Tâm ký tặng đĩa cho tôi, hay viết email, đều ký đơn giản là Bé, với dấu nụ hôn và trái tim đi kèm.

... Ấy vậy mà (đang nói dở dang chuyện Cadillac), chỉ độ ba bốn tháng sau, trước thềm câu lạc bộ Cadillac ấy - nay đã biến thành khu thương mại bình dân bán đủ thứ thượng vàng hạ cám Saigon Square - một tối mờ mịt khác, Tâm và tôi buồn bã ngồi sụp xuống mấy bậc cấp trong lúc Vân Quỳnh, Đức Vượng, Thanh Long Bass đang diễn bên trong.

Tom, con trai tôi chào đời tháng Tám năm 2001 thì chỉ sau đó chừng hơn tháng, cô Tâm đã đến đeo cho cháu chiếc lắc bạc vào cổ chân và hôn cháu. Dấu chỉ yêu thương đó đã hóa giải những hoài nghi không đáng có từng xảy ra trong đời sống hôn nhân nhiều ngổn ngang của tôi.

Nhạc sĩ Quốc Bảo ở buổi ra mắt sách "Tâm" hôm 29/6.

Những nụ hôn cô Tâm gửi cho Tom giờ vẫn còn là đề tài được nhắc đến giữa bố con tôi. Khi nào nói về cô Tâm là Tom luôn nhớ "cô Tâm hôn con từ khi con chưa sinh ra". Scandal tưởng tượng và lỡ dở nội bộ, tự tới tự đi ấy là vụ việc duy nhất có dính dáng đến chuyện riêng tư tình cảm, chuyện hiểu lầm oan ức cho cả Tâm lẫn tôi. Còn trong mười bảy năm trời lúc gần lúc xa với Tâm, tôi chưa thấy em bị lôi thôi tình ái bao giờ. Thi thoảng tôi nghe vài tin đồn thổi, như những tin XYZ nào đó mà các fan đã ưu ái (và cả những người không ưu ái) thêu dệt rồi tin như thật. Tâm hứng chịu không dễ dàng gì, tôi biết, vì có nhiều chuyện khó tin và nhạy cảm quá.

Riêng tôi, tôi nghe đến những chuyện ấy, thấy hệt như gió bay mà thôi...

Còn tiếp

(Trích sách Tâm)

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục