BỊ THEO DÕI - BÍ MẬT AN NINH MẠNG: KỲ 1: ĐỨNG DẬY SAU KHỦNG HOẢNG – PHANBOOK.VN

BỊ THEO DÕI - BÍ MẬT AN NINH MẠNG: KỲ 1: ĐỨNG DẬY SAU KHỦNG HOẢNG


Cựu nhân viên CIA Edward Snowden từng bị trầm cảm khi sống đời quân ngũ và chuẩn bị cho kỳ sát hạch đi vào ngành tình báo.

Ở tuổi 29, Edward Snowden thành nhân vật gây chú ý qua những tiết lộ tình báo, tạo nên cuộc tranh luận quy mô toàn cầu. Sau sáu năm lưu vong tại Nga, năm 2019, Edward tung cuốn Permanent Record gây chấn động thế giới tình báo hiện đại. Con đường của một kỹ sư hệ thống máy tính trở thành gián điệp an ninh mạng làm việc cho CIA (Cơ quan tình báo Trung ương) và NSA (Cơ quan an ninh quốc gia) được Edward Snowden thuật chi tiết.

Bìa sách Bị theo dõi - Bí mật an ninh mạng. Ảnh: Phanbook.

Bìa sách "Bị theo dõi - Bí mật an ninh mạng" (Phanbook & NXB Đà Nẵng). Ảnh: Phanbook.

Nhân bản tiếng Việt của tự truyện ra mắt với tên Bị theo dõi - Bí mật an ninh mạng, VnExpress trích đăng năm kỳ, về những khủng hoảng sức khỏe và tinh thần khi Snowden tham gia đời quân ngũ và chuẩn bị cho kỳ sát hạch, đi vào ngành tình báo, cũng như mối tình đẹp với Lindsay Mills - cô gái mạnh mẽ cùng anh đi qua nhiều thăng trầm.

Kỳ 1: Đứng dậy sau khủng hoảng

Trong giai đoạn hồi phục, tôi không nhớ chính xác vào lúc nào thì tôi bắt đầu suy nghĩ sáng suốt trở lại.

Bộ óc và bàn tay

Đầu tiên là sự đau đớn sẽ phải nguôi dần, rồi từ từ chứng trầm cảm cũng thuyên giảm theo, và sau nhiều tuần thức dậy không có mục đích gì ngoài việc nhìn đồng hồ thay đổi giờ phút, tôi dần dà chú ý đến những gì mọi người xung quanh nói với tôi: Tôi vẫn còn trẻ và vẫn còn một tương lai phía trước.

Tuy nhiên, chính tôi chỉ cảm nhận như thế khi cuối cùng tôi có thể tự mình đứng lên và đi lại được. Đi đứng là một trong vô số những điều mà, giống như tình yêu thương của gia đình, bấy lâu nay tôi chỉ cho là điều hiển nhiên chứ nào thấy quý giá.

Khi tôi đánh bạo đi những chuyến đầu tiên ra khoảng sân bên ngoài căn hộ của má tôi, tôi chợt nhận ra một điều khác mà trước giờ tôi cũng cho là hiển nhiên: năng khiếu tìm hiểu kỹ thuật của tôi.

Hãy bỏ qua cho tôi nếu như tôi nói nghe phát bực, nhưng tôi không biết cách nói nào khác hơn: Tôi luôn thấy hết sức thoải mái với máy tính đến nỗi hầu như không xem trọng khả năng của mình, và không muốn được khen ngợi hay muốn thành công vì khả năng đó. Trái lại, tôi muốn được khen ngợi và muốn thành công ở một điều gì khác - một thứ gì đó khó hơn đối với tôi. Tôi muốn chứng tỏ rằng tôi đâu chỉ là một bộ não có nhận thức; tôi cũng có trái tim và cơ bắp.

Điều đó giải thích cho giai đoạn tôi đi lính. Và trong quá trình hồi phục, tôi dần nhận ra rằng mặc dù kinh nghiệm quân trường làm tổn thương lòng kiêu hãnh nhưng lại nâng cao lòng tự tin của tôi. Bây giờ tôi đã mạnh mẽ hơn, không sợ hãi mà lại còn mang ơn nỗi đau này vì nhờ mà nó tôi trưởng thành hơn. Cuộc sống ngoài hàng rào thép gai ngày càng dễ chịu dần. Xét cho cùng, cái giá tôi phải trả cho những ngày quân ngũ là mái tóc giờ đã mọc dài trở lại, và đôi chân khập khiễng đang dần lành lặn.

Tôi đã sẵn sàng đối mặt với sự thật: Nếu tôi vẫn còn bị thôi thúc bởi mong muốn phục vụ đất nước, và chắc chắn là còn, thì tôi hẳn phải phục vụ bằng cái đầu và hai bàn tay - qua kỹ thuật máy tính. Điều đó, và chỉ điều đó mà thôi, tôi mới cống hiến tốt nhất cho đất nước. Dù không phải cựu chiến binh, nhưng việc tôi đã vượt qua được các cuộc kiểm tra của quân đội lại càng có ích cho cơ hội được tuyển dụng vào một cơ quan tình báo, nơi cần tới nhiều nhất và có lẽ thử thách nhiều nhất các năng khiếu của tôi.


Cuộc sát hạch phía trước

Vì thế, tôi phải chấp nhận điều mà bây giờ hồi tưởng lại mới thấy là không thể tránh khỏi: phải được chứng nhận an ninh. Nói chung, có ba bậc chứng nhận an ninh: theo thứ tự từ thấp đến cao là hạn chế, bí mật và tối mật. Bậc cuối cùng có thể được mở rộng hơn nữa qua cuộc sát hạch SCI (Sensitive Compartmented Information - Thông tin nhạy cảm chuyên biệt), để có được quyền tiếp cận TS/SCI đáng thèm muốn mà các công việc ở các cơ quan hàng đầu - CIA và NSA - đòi hỏi phải có. Trong các bậc thì TS/SCI là bậc khó được cấp chứng nhận nhất, nhưng cũng mở được nhiều cánh cửa nhất. 

Thế là, tôi quay lại Cao đẳng Cộng đồng Anne Arundel trong lúc tìm kiếm những việc làm có thể bảo chứng cho lá đơn của tôi xin điều tra lý lịch cá nhân, một khâu gian nan phải trải qua nếu muốn được chứng nhận an ninh.

Vì quá trình phê duyệt TS/SCI có thể mất một năm hoặc hơn, tôi thật lòng đề nghị những ai đang phục hồi sau chấn thương nên theo. Tất cả những gì cần làm là điền vào một số giấy tờ, sau đó ngồi không gác chân lên và cố gắng đừng vi phạm quá nhiều tội trong lúc chờ chính phủ liên bang đưa ra phán quyết.

Nói cho cùng, những việc còn lại đều nằm ngoài tầm tay của bạn.

Trên giấy tờ, tôi là một ứng viên hoàn hảo. Tôi là con của gia đình quân nhân (cha và ông ngoại của Edward Snowden là lính tuần duyên), gần như mọi người lớn trong gia đình đều được chứng nhận an ninh ở bậc nào đó; tôi đã cố gắng tòng quân để chiến đấu cho đất nước cho đến khi một tai nạn đáng tiếc khiến tôi nằm liệt giường. Tôi không có tiền án tiền sự, không có thói quen dùng ma túy. Khoản nợ tài chính duy nhất của tôi là khoản vay sinh viên để thi lấy chứng chỉ Microsoft, và tôi đã chưa hề trả nợ chậm trễ một đợt nào.

Tất nhiên, những điều kiện hoàn hảo đó vẫn không làm tôi hết lo lắng.

Tôi cứ lái xe đi học ở cao đẳng AACC rồi về nhà trong lúc Cục Điều tra Lý lịch Quốc gia lục lọi gần như mọi khía cạnh của cuộc đời tôi và gặp riêng gần như mọi người mà tôi biết: ba má tôi, họ hàng thân quyến, bạn học và bằng hữu của tôi. Họ đã dò qua các bản sao hồ sơ học hành thất thường của tôi và, tôi tin chắc, đã nói chuyện với một vài giáo viên của tôi.

Mục tiêu của mọi chuyện kiểm tra lý lịch này không chỉ là để biết tôi đã làm gì sai trái, mà còn là tìm hiểu xem tôi có khả năng chịu thỏa hiệp hoặc bị hăm dọa gây áp lực đến mức nào. 


Còn tiếp...

(Trích từ sách Bị theo dõi của Edward Snowden)


Theo VnExpress

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục