Đà Lạt - Vẻ đẹp hương xa
Lẽ dĩ nhiên, Eric T. Jennings không có ý định kể chuyện thuần túy về ký ức đô thị. Ông là một nhà nghiên cứu lịch sử thuộc trào lưu mới, nắm chắc phương pháp nghiên cứu liên ngành trong tay.
Ông biết cách sử dụng chất liệu các câu chuyện để ghép nối, đan dệt thành bức tranh hình thành và phát triển của Đà Lạt - đô thị số phận đặc biệt ở Đông Dương trong thời Pháp thuộc - một cách ấn tượng và thú vị.
Đô thị có tính biểu trưng
Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp (tựa tiếng Anh: Imperial Heights - Dalat and the Making and Undoing of French Indochina, 2011) là một tác phẩm cung cấp nguồn tài liệu thời kỳ sáng lập, xây dựng Đà Lạt đầy khả tín, công phu. Không chỉ thế, tác phẩm truyền đến cho người đọc một nguồn cảm hứng, một cách tiếp cận Đà Lạt ở tầng sâu sử liệu mà vẫn đảm bảo có một lối dẫn dắt đầy hấp dẫn, thuyết phục.
Đô thị Đà Lạt là một nơi chốn cụ thể, một trường hợp hiển nhiên mà tác giả chọn lựa để khảo sát tỉ mỉ bên cạnh các công trình đối chiếu về chính quyền thuộc địa Pháp trong thế chiến II và nền y khoa thuộc địa Pháp. Cụ thể, xét trên hành trình nghiên cứu thuộc địa theo lối vi-sử (micro-history), thì đây là tác phẩm bước chuyển có tính trọng yếu, nối 2 tập nghiên cứu sáng giá khác của tác giả: Curing the Colonizers (tạm dịch: Y khoa ở xứ thuộc địa, 2006) và sau đó là Vichy in the Tropics (Chế độ Vichy ở xứ thuộc địa, 2021).
Trục đường Trần Hưng Đạo là trục đường bảo tồn kiến trúc, di sản Đà Lạt
Ảnh: Báo Thanh Niên
“Cuốn sách này khám phá những nguồn gốc và tiến hóa của Đà Lạt trong thời thuộc địa, khảo sát nhiều căng thẳng và mâu thuẫn trên đường đi của nó”, như lời bộc bạch của tác giả trong lần ra mắt bản dịch tiếng Việt, cuốn sách là một mảng sử không thể thiếu với những ai xem Đà Lạt là đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu và gắn bó theo nhiều nghĩa.
Nhà nghiên cứu Canada này đã lần tìm câu chuyện Đà Lạt từ thực tế (tác giả đặt chân đến thành phố này để khảo sát trực tiếp) và đọc hàng ngàn trang tài liệu gốc ở các kho lưu trữ tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, Pháp, Thụy Điển, Canada, và Mỹ trong 10 năm.
Thành phố là giấc mộng
Đà Lạt thuở kiến tạo và xây dựng, từ 1893 - 1954 thể hiện qua 14 chương sách của Eric T. Jennings là một “vùng đất trinh nguyên của thực dân”; một nơi đáp ứng nhu cầu thư nhàn, hưởng thụ của giới thượng lưu nhưng cũng là nơi biểu trưng sức mạnh lẫn sự suy tàn của tham vọng quyền lực chính trị Pháp ở xứ nhiệt đới Đông Dương.
Nhiều sử liệu được Eric T. Jennings đưa ra thông qua các câu chuyện, từ việc chính quyền thuộc địa tổ chức những cuộc khảo sát cao nguyên ở Đông Dương để xây dựng khu nghỉ dưỡng “lấy cảm hứng” từ mô hình thuộc địa như Petropolis ở Brazil, Baguio ở Philippines hay dãy Alps ở Thụy Sĩ và vùng Côte d’Azur - Pháp và những cao nguyên Đông Ấn thuộc Hà Lan; việc tranh cãi trong định vị địa thế Đà Lạt ban đầu cho đến những cuộc đấu tố không bao giờ nguội trong chính quyền Pháp và chính quyền thuộc địa về các vấn đề đầu tư, quy hoạch, kiến trúc đến thẩm mỹ cho Đà Lạt; vai trò và những bước tiến của người Việt tại Đà Lạt; chuyện một thành phố xa hoa được xây dựng trên lưng của dân bản địa và sự dịch chuyển quyền lực chính trị thế giới tác động tới các dự án, chương trình kiến thiết thành phố này qua nhiều thời kỳ... Trong đó, có cả những câu chuyện “giải ảo” nhưng hợp lý nếu đặt trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân: Một Yersin phía này là nhân bản trong vai trò nhà vi trùng học thích mạo hiểm, phía kia lại là một người có sự kỳ thị đáng kể đối với dân sắc tộc bản địa hay chuyện những khu biệt thự sao chép mẫu hình từ quê kệch tới thẩm mỹ yếu kém tầm thường đã từng có trong quá khứ.
Ảnh: Mai Thy
Từ đây, ta lại thấy một điều thú vị khác dưới ngòi bút viết sử tinh tế của Eric T. Jennings: Bằng một lối tiếp cận khách quan, ông lý giải về sự “ưu tiên” của chính quyền thuộc địa Pháp cho việc xây dựng đô thị này, khiến đô thị trở thành một hình mẫu đô thị kiểu phương Tây không chỉ từ cảnh quan kiến trúc mà cả cảnh vực văn hóa, phát triển nhưng phía sau đó không ít chuyện “khuất tất”. Những câu chuyện về việc xây dựng tuyến đường sắt răng cưa TourCham- Dalat, khách sạn hạng sang Langbian Palace, đất hứa trong truyền giáo với nhiều tu viện, dưỡng viện giáo đồ, công trình tôn giáo đến vườn ươm giáo dục với hệ thống trường, vườn trẻ kiểu mẫu Pháp được tái hiện bằng mặt sáng lẫn mặt tối bấy lâu chìm khuất trong thăm thẳm thời gian.
Trong một viễn kiến mở rộng, ta lại thấy bên dưới hình thái của một đô thị lý tưởng, là những cuộc chiến ngấm ngầm, những bóng mây bất an của hoạt động tình báo, của những thế lực chính trị đan xen, những vụ khử trừ bí mật, gây bàng hoàng (đặc biệt giai đoạn từ 1945 - 1951).
Nếu lấy hai dấu mốc thời gian: Năm 1897 với những bước triển khai dự án một Đông Dương liên bang hùng mạnh; Năm 1946 - Hội nghị trù bị Đà Lạt với sự suy yếu của quyền lực chính trị Pháp, có thể nhận ra rằng Đà Lạt vừa là một sản phẩm “đỉnh cao” vừa là một biểu trưng suy tàn của nền thực dân tại Đông Dương.
Cuốn sách làm rõ tham vọng của chính quyền thuộc địa Pháp trong việc xây dựng Đà Lạt như một thành phố quốc tế, một đô thị “cao điểm” của Liên bang Đông Dương và cũng là nơi chứng kiến sự kết thúc của tham vọng đó.
Khi hiểu sâu sắc về sự khởi sinh của đô thị này, chúng ta có thể lý giải phần nào sự ảnh hưởng của những di sản thời thuộc địa lên nền giáo dục, văn hóa thời gian sau đó (1954 - 1975) và một số giá trị đô thị còn hiện hữu một cách nào đó trong bản sắc Đà Lạt hôm nay, giữa cuộc đổi thay.
Bản tiếng Pháp của tác phẩm này được xuất bản năm 2013, có tựa La Ville de l’éternel printemps (tạm dịch: Thành phố của mùa xuân vĩnh cửu). Vì là giấc mơ dang dở, nên có lẽ Đà Lạt âm vang trong ngôn ngữ và tâm thức người Pháp, là một đô thị vừa thân quen lại vừa mang vẻ đẹp exotic (hương xa), một thành phố hướng về phía lý tưởng; một “mùa xuân vĩnh cửu” - chứ không phải những giá trị chóng qua nhất thời.
- Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: Đà Lạt - Vẻ đẹp hương xa (thanhnien.vn)
#Phanbook #Đỉnh_cao_đế_quốc #Eric_T_Jennings