Sài Gòn - Những biểu tượng
"Sài Gòn là cái chi chi
Mà thương, mà nhớ, khắc ghi trong lòng."
Sài Gòn! Hai từ đủ để bao cây bút trào dâng ý tưởng, tổn hao hàng trăm trang sách chỉ để họa dung ra một nơi tổng hòa khí chất của khu vực miền Nam.
Nói sách viết về Sài Gòn thì nhiều vô kể. Và bao tác giả đã gây ấn tượng trong tác phẩm của mình khi nói về mảnh đất từng mang danh Hòn Ngọc Viễn Đông này. Tập sách này, cũng được xem như những người con Sài thành viết về đất mẹ thân yêu - một mảnh đất gắn với bao kỉ niệm qua năm tháng, những tháng ngày xuôi ngược của cuộc đời để rồi cô đọng lại thành từng mảng, và khi ghép lại, nó ra một Sài Gòn, tạp nhưng nề nếp, dung dị nhưng cũng không kém phần sang trọng. SÀI GÒN - NHỮNG BIỂU TƯỢNG đã trọn vẹn thể hiện được một hồn Sài Gòn như thế.
Quy tụ 19 cây bút gạo cội, từ những vị trí giả hàn lâm đến những nhà văn, nhà thơ đương đại, mỗi người mang lại cho Sài Gòn một nét riêng vốn có của nó.
Điểm đặc biệt của tập sách này là một sự kết hợp khéo léo giữa thể loại tản văn và khảo cứu, đáp ứng được nhu cầu thông tin cơ bản nhất để một người trước giờ chưa đặt chân đến Sài Gòn vẫn hình dung ra được nét đặc sắc từ quy hoạch kiến trúc đến những địa điểm nổi tiếng làm nên một Sài Gòn lừng lẫy. Sách có kèm theo hình minh họa nhằm giúp người đọc dễ liên tưởng và theo mạch bài viết nhanh chóng hơn.
Mình thích nhất phần Biên khảo, phân khúc cuối của tập sách này. Như trước đây, mình chỉ biết doanh nhân Trương Văn Bền là cái tên gắn liền với nhãn hiệu xà bông Cô Ba, loại xà bông gần như chiếm lĩnh thị trường lúc bấy giờ, tất nhiên không chỉ tại Sài Gòn. Bài viết của tác giả Nguyễn Đức Hiệp đã làm nổi bật được cái tài của những doanh nhân Tây học, những nhà tư sản đích thực có tâm với đất nước đã góp phần chắp cánh cho Việt Nam thực sự bay cao và xa, khẳng định bản lĩnh người Việt trước thế lực của các con buôn Hoa Kiều và Tây phương lúc bấy giờ. Đọc để thấy giai cấp tư sản Nam Kỳ thời bấy giờ đã sử dụng tri thức một cách đúng nghĩa, không ích kỉ, thậm chí phóng khoáng mời các đồng liêu ngoài Bắc vào truyền đạt kinh nghiệm. Đọc để thấy người ký giả tài ba Cao Văn Chánh đã quyết liệt đấu tranh chính trị trên từng trang báo như thế nào dẫu biết bao nhiêu tờ báo đã phải dừng ấn bản do ý chí đấu tranh mãnh liệt của các chủ bút thời bấy giờ. Mục tiêu khai sáng cho đồng bào dẫu có bị chính quyền thực dân quấy phá, kiềm hãm nhưng nó cho thấy tinh thần đoàn kết của những con người làm báo chân chính, những cây bút đã dùng máu từ tâm can để khai ngộ cho đồng bào. Thực đáng quý thay một thời oanh liệt của phong trào Minh Tân miền Nam lúc bấy giờ. Những trang biên khảo đã thực tả cái tài, cái tâm của những người con Sài thành trong những tháng năm quyết liệt thời Pháp thuộc. Đọc để cảm nhận và quý mến con người Sài Gòn, những con người cương liệt, quyết đoán và nghĩa đảm chẳng khác Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là bao, dẫu trên bất cứ phương diện nào từ thương trường đến văn hóa. Đọc để hiểu giá trị cốt lõi trong tinh thần người Sài Gòn, giá trị góp phần làm nên cái danh Hòn ngọc viễn đông mà cơ số người đã từng gọi.
Có lẽ những ai đã từng đặt chân đến Sài Gòn cũng sẽ nhớ về nó theo cách riêng của mình. Có thể là một Sài Gòn hoa lệ, xô bồ xô bộn những dòng người rong ruổi mưu sinh hàng ngày. Cũng có thể là Sài Gòn dung dị với từng hàng cây tán lá nay đã thành hồi ức. Hay thản nhiên, là một tụ điểm ăn chơi cho qua tháng ngày chán ngắt.
Cứ sống, cứ cảm nhận về mảnh đất này vì Sài Gòn đâu chỉ dừng lại ở tập sách nhỏ này. Mọi thứ 19 con người Sài thành chỉ nhằm mục đích gợi cảm hứng để bạn tự tìm hiểu thêm về nó, về một Sài Gòn đa sắc. Và hiển nhiên, dẫu yêu hay ghét, Sài Gòn cũng như một tình nhân dễ mến, bao dung bạn vào lòng để lâu lâu ai có hỏi, bạn lại bâng quơ nhắc về Sài Gòn.
"Những biểu tượng"? Hông cần thắc mắc nhiều đâu. Ai từng đặt chân đến đây đã trở thành một phần ở đây, mang một chút màu Sài Gòn đi khắp năm châu bốn bể, kháo nhau với bè bạn Sài Gòn là cái chi chi. Chính bạn đã là một biểu tượng của Sài Gòn rồi đấy thôi.
- Review từ độc giả Châu Triều