Nhịp thở chao nghiêng: Herta Müller và ngôn ngữ riêng
Đọc tác phẩm của Herta Müller, chúng ta sẽ rơi vào một thế giới mà những ai chưa từng trải nghiệm hành trình của chiến tranh, cái đói và bị giam cầm, thì vẫn có thể cảm nhận được thân phận của con người khi bị ném vào cuộc đời này. Vì chắc chắn chẳng ai có thể biết mình vì sao lại được sinh ra cho đến khi ý thức xuất hiện về sự tồn tại của mình. Nhưng ngay cả có ý thức đi chăng nữa, nhưng nếu không may mắn, anh sẽ phải vượt qua những đau đớn tận cùng trong tiếng thét la của cõi lòng cô độc- duy nhất mà anh phải tự vượt qua.
“Herta Müller đã nói rằng quá trình lớn lên nói tiếng Đức của cô ở Romania đã là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho việc viết lách của cô. Đối với một nhà văn, việc có hai ngôn ngữ khác nhau là điều vô giá, và từ tình huống này, cô sớm học được cách so sánh, xoay và vặn các từ để rút ra các nghĩa mới”, Anders Olsson thành viên của Hội đồng trao giải Nobel đã nói về hành trình sáng tạo ngôn ngữ của Herta Müller.
Không chỉ ý thức về sự sáng tạo những ngôn ngữ riêng cho “tiếng nói” của mình, nhà văn Herta Müller còn có một bút pháp độc đáo kết hợp thi ca và văn chương. Trong tác phẩm “Nhịp thở chao nghiêng”, thân phận của một con người bị rơi vào hoàn cảnh mà họ không thể chống lại – sự giam cầm và đọa đày của lịch sử do con người tạo ra cho con người: phát xít, độc tài. Những tâm hồn trống rỗng đã kết dính lại với nhau, để chống lại những tên đao phủ của số phận, chúng sẽ bổ búa vào những thân xác chỉ còn da bọc xương và những ý nghĩ đã bị khuất phục: “Thần đói/ Cái đói là một vật thể/ Thần trèo lên tận óc”. Chương “Thần đói” chỉ khoảng độ 300 chữ, với những từ như nuốt lẫn nhau, nhảy xuống dòng, dẫn giải một cảm trạng của cái đói bằng bài thơ về thần đói, nó tựa như hơi thở của một người đói, ngắt quãng, cố nói với và rồi chấp nhận một thực tại: cái đói như một vật thể: “1 gầu than = 1 gram bánh mì”, nói cách khác, cái đói là một hữu thể vật đã tiếp nhận hữu thể người bằng 1gram bánh mì.
Có hẳn một chương tên là “Những khoảng trắng dưới dòng chữ”. Xuyên suốt tác phẩm, bạn sẽ thấy những khoảng trắng ấy, là chỗ để cho người đọc nghiền ngẫm, rùng mình, bất ngờ, kinh ngạc… ngay cả những dự cảm, nỗi lo âu, sự sợ hãi là những căn tính của con người cũng dần bị đánh mất vì cúi đầu chấp nhận số phận. Nhưng nỗi sợ hãi về sự đày đọa vẫn không bằng cái đói.Và như thế, khi người ta đói, điều duy nhất mà người ta nghĩ đến là sự trở về.
Mà về đâu?
Về nơi ngôi nhà mà mình đã từng đi ra, về lại nơi mà mình có thể đã bị thay thế, về đâu cũng được, miễn là có thể sống.
Với tác phẩm này, nhân vật đã tìm thấy một “Ngôi Lời” bên trong mình, đó là lời từ biệt của người bà với cháu: “Bà biết, cháu sẽ quay về”. Herta Müller sinh năm 1953 tại Nitzkydorf, một ngôi làng nói tiếng Đức ở Banat, một khu vực đã chuyển từ Đế chế Áo-Hung sang Romania sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Romania đã liên minh với Đức Quốc xã, và giống như nhiều người Romania-Đức, cha của Herta Müller đã tình nguyện làm việc cho Waffen-SS của Hitler. Không lâu trước khi chiến tranh kết thúc, Romania đã thay đổi vị trí, và vào tháng 1 năm 1945, trong khi chiến sự vẫn còn tiếp diễn, Stalin đã ra lệnh trục xuất tất cả những người Romania-Đức trong độ tuổi từ 17 đến 45 đến Liên Xô để thực hiện 5 năm lao động cưỡng bức. Trong số đó có mẹ của Herta Müller.
Ảnh: Mai Thy
Herta Müller đã có khoảng thời gian học đại học từ 1973 – 1976 ở Romania và ở Đức. Về sau bà phải lưu vong đến Đức từ năm 1986 và định cư ở Berlin. Tại đây bà đã viết những tác phẩm đưa bà đến giải Nobel văn chương 2009. Tại buổi lễ trao giải, bà nói: “Quỹ đạo hành trình của một đứa trẻ chăn bò từ một ngôi làng nơi thung lũng đến quảng trường thành phố Stockholm quả thực kỳ lạ đến ngỡ ngàng. Và tại đây, tôi vẫn đang đứng cạnh bản thân mình.
Bước vào trường đại học trên thành phố đã không phải con đường mẹ dự tính cho tôi. Mẹ đã mong, ở làng, tôi sẽ làm một cô thợ may. Bà cho rằng nếu lên thành phố tôi sẽ hư hỏng.Tôi đã hư hỏng.Tôi đã bắt đầu đọc sách.
Theo thời gian ngôi làng có vẻ như chỉ là một chiếc hộp, trong đó người ta chỉ đơn giản được sinh ra, kết hôn, và chết đi. Tất cả những người trong làng như đến từ một thời quá khứ, họ đều đã già từ lúc được sinh ra. Tôi đã nghĩ: sớm muộn gì ta ắt phải rời khỏi đây nếu cơ hội và trải nghiệm là thứ ta khao khát. Trong làng ai cũng cúi đầu trước mặt nhà nước, nhưng trước mặt nhau họ lại vô cùng bị ám ảnh bởi việc kiểm soát đến mức tự hủy hoại.Bạn cũng sẽ tìm thấy kiểu hòa lẫn giữa thói hèn nhát và thích kiểm soát tương tự ở nơi đô thị. Sự hèn nhát đến mức tự hủy ấy, kết hợp tính chất theo dõi của nhà nước có thể khiến giới hạn của một người chạm mức tan vỡ hoàn toàn. Đó có lẽ là cách miêu tả ngắn gọn nhất cho cuộc sống hằng ngày dưới chế độ độc tài”.
Ở một tác phẩm khác có tên Herztier (Thú Người), cuốn tiểu thuyết thứ hai xuất bản năm 1994, đây là cuốn sách được xem như “tự truyện” của bà cũng được viết dưới hình thức thi ca – văn xuôi. Có thể nói, vượt lên trên tất cả những thống khổ của thân phận người, Herta Müller đã cho thấy sứ mệnh của văn học, không chỉ đơn giản là thứ ngôn ngữ mà con người bày tỏ, nó còn giữ một phẩm chất đặc biệt cho tiếng nói của lương tri – tiếng nói của Thượng Đế, tiếng nói cứu rỗi.
“Tôi đã từng chứng kiến nhiều người sụp đổ, và cũng không lâu trước khi tôi được rời khỏi Rumani, bản thân tôi cũng đã ở trên bờ vực tương tự với chính mình. Tôi đã nhận được khá nhiều sự may mắn trong cuộc sống, không có lần nào xứng đáng, sở dĩ vận may không phải là thứ ta có thể nhận dựa trên sự tương xứng. Ta có thể chia sẻ niềm hạnh phúc, nhưng nói tới vận may thì đáng tiếc điều đó là không thể. Giờ đây, tại Stockholm, trong khoảnh khắc đầy cảm xúc này, một lần nữa tôi lại thấy mình thật sự may mắn. Bởi vì giải thưởng này sẽ giúp cả những ai đã phải sống và chịu đựng đàn áp đến mức hủy hoại ý chí, lẫn những ai không phải trải qua điều đó: Những người mang theo mình trải nghiệm đã đọng thành kí ức, và những người có cơ hội được cảnh báo về những thứ ấy. Bởi vì cho đến tận bây giờ chế độ độc tài vẫn còn tồn tại.Một trong số chúng vẫn sống mãi, luôn đe dọa ta từ lần này đến lần khác.
Văn học không thể thay đổi hết tất cả những thứ đó. Nhưng nó có thể – từ việc suy ngẫm lại – sử dụng ngôn ngữ để phát minh ra một sự thật có thể cho thấy được những gì đang diễn ra trong lòng ta và xung quanh ta khi những giá trị đi vào vết xe đổ.
Ở mức độ cá thể, văn chương có thể giao tiếp với tất cả mọi người – nó là tài sản cá nhân luôn tồn tại trong tâm trí ta.Và không thể có điều gì có tiếng nói dõng dạc cho bằng một cuốn sách, thứ mà không mong đợi ta phải đáp trả lại nó điều gì ngoài việc ngẫm nghĩ và cảm nhận”.
Đọc Herta Müller, như một minh chứng về điều mà triết gia Heraclitus đã nói cách đây ngàn năm trước: “Chúng ta vừa là mình vừa không là mình”. Và bà đã mở đầu cho diễn từ nhận giải Nobel văn chương, một lần nữa, trước nhất khẳng định sự tồn tại của mình: “I am standing beside myself”.
- Theo Báo Thế Giới Hội Nhập | Ngân Hà
Nguồn: 'Nhịp thở chao nghiêng': Herta Müller và ngôn ngữ riêng (thegioihoinhap.vn)
#Phanbook #Nhịp_thở_chao_nghiêng #Herta_Müller