Nhắc đến nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, độc giả hình dung ngay một miền Tây sông nước hiện lên trong các tác phẩm đã làm nên tên tuổi của chị. Đã rất lâu rồi kể từ khi "Sông" ra đời, độc giả mới lần nữa thấy sự hiện diện của Nguyễn Ngọc Tư trong địa hạt tiểu thuyết với "Biên sử nước" (Phanbook và NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành 2020).

Một miền Tây quen mà lạ

Chương đầu tiên, "Đã tới bên sông" chỉ có hai câu ngắn ngủi mở ra một thế giới bảng lảng, mời gọi: "Ngày hai ngàn không trăm bốn mươi sáu, Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó đã tới bên kia sông, tay bồng đứa nhỏ", như một ánh chớp lóe lên đầu truyện rồi biến mất.

Hình ảnh Đức Ngài, trái tim hay người đàn bà bồng con sẽ trở lại như mắt xích liên kết các câu chuyện rời rạc, hay nói đúng hơn là sự phân rã của một thế giới từng có thể gắn kết chặt chẽ với nhau thành những cộng đồng mà giờ đây chỉ còn là những cá nhân trôi nổi, những chiếc bóng, như dấu nước, có thể bốc hơi bất kỳ lúc nào.

Trong thế giới mà Nguyễn Ngọc Tư tạo nên, con người nhỏ bé và dễ dàng biến mất, bị bôi xóa trên cuộc đời này. Những gì còn sót lại của họ chỉ là những chuyện kể, một vài nét phác họa mờ và đến cuối cùng cả danh tính cũng không. Tất cả bị vây chặt trong không gian mênh mông của nước. Thứ nước không chỉ đặc tả một không gian mà còn miêu tả trạng thái của con người lúc nào cũng như bồng bềnh, mắc kẹt trong những nghĩ suy miên man. Đó còn là những phận đời nổi trôi vô định, những con người biến mất như chưa hề tồn tại.

Biên sử nước của Nguyễn Ngọc Tư- trăn trở về sự tồn tại - Ảnh 1.

Bìa cuốn tiểu thuyết “Biên sử nước”

Tiểu thuyết "Biên sử nước" không thiếu những địa danh liên quan đến sông nước như Vạn Thủy, Yên Xuyên. Những địa danh như phản chiếu lại một xẻo đất miền Tây nào, một vùng cù lao nào, vừa thật mà không thật. Cũng như những con người được miêu tả với những nét ma mị nhưng lại như bước ra từ đời sống này, những con người xung quanh ta, những con người ta đã bỏ quên. Họ phản ánh đời sống của một vùng đồng bằng đang bị đe dọa nhấn chìm dưới biển.

Quyển tiểu thuyết mỏng manh này chất chứa trong đó những bi kịch nhỏ, những khao khát thầm vụn, những mẩu đời sống bên lề, lẩn khuất, những tiếng nói rì rào dần dồn nén. Tất cả hội tụ lại trong một không gian nửa hư nửa thực, khiến ta liên tưởng đến một vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ đặc thù nhưng đồng thời lại là một cõi miền Tây khác, sâu dày hơn, với những con người không còn bó hẹp trong những định kiến "hồn hậu", "chất phác" mà trăn trở về sự tồn tại.

Một hành trình tiểu thuyết

Mã cốt trong tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư là nước. Tiểu thuyết "Sông" là trục tung, xâu các nhân vật, các mảnh đời lại với nhau trên hành trình đi dọc con sông Di - con sông hư cấu mà nhà văn dựng lên. Trên trục ấy là từng chặng như từng khúc sông, lớp lang nối tiếp nhau cho đến ngọn nguồn. Ngay cả tên dòng sông cũng diễn tả một trạng thái động, các nhân vật liên tục xê dịch, di chuyển như cuộc đời bất định.

Trong khi đó, "Biên sử nước" lại như trục hoành, với sự mở rộng về không gian, dẫu có tên địa danh nhưng cũng dễ dàng xóa nhòa và thời gian đồng hiện gần như không biến thiên. Chương cuối, "Rời", cũng chỉ vỏn vẹn hai câu. Chương đầu và chương cuối chỉ khác nhau mấy chữ nhưng diễn tả hai trạng thái. Có nghĩa rằng câu chuyện vẫn chưa kết thúc, rằng vẫn còn một khoảng không bỏ ngỏ, tựa hồ như vùng nước này, không có bắt đầu cũng không có kết thúc.

Điều này khiến cho "Biên sử nước" mang một cấu trúc mở. Giữa chương đầu và chương cuối, các chương có thể thay đổi vị trí cho nhau mà không ảnh hưởng đến tổng thể. Có thể xem "Biên sử nước" là tập tiểu thuyết được hợp thành từ những truyện ngắn, trong một chủ đề trở đi trở lại dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn mà bằng tài năng của mình đã đưa những con người, những mảng đời sống của đất phương Nam ra thế giới.

Sẽ có nhận xét Nguyễn Ngọc Tư lặp lại chính mình. Nhưng nếu quan sát chặng đường dài nhà văn đã đi, kể từ "Cánh đồng bất tận" đến "Biên sử nước", sẽ thấy một hành trình đi từ một nhà văn mang đậm phong thổ đồng bằng với con người đặc sệt miền Tây dần đến những nhân vật phổ quát hơn.

Giống như nhiều nhà văn chọn cả đời gắn tác phẩm với một địa danh dù hư cấu hay có thật, vùng đất mà Nguyễn Ngọc Tư gây dựng ngày càng mở rộng ra. Các nhân vật cứ thế đầy lên, nhiều lúc ta ngỡ đã gặp nhân vật này ở một truyện ngắn khác của cùng tác giả. Hay kỳ thực những nhân vật kia chỉ là một? Và tất cả công trình này chỉ đang diễn tả quá trình phân rã của những cộng đồng người, của từng con người trong những giai đoạn khác nhau?

"Biên sử nước" vì thế không cố bồi đắp thêm về dung lượng để ra dáng một trường thiên tiểu thuyết. Bởi phía sau nó là cả một sự nghiệp được gầy dựng trong một thời gian dài, nó thuộc về thi giới mà Nguyễn Ngọc Tư đã khai mở, xây đắp. "Biên sử nước" là một bổ sung cho công trình ấy.

Như một đoạn trong chương "Tiên về trời khác": "Có lần cô lấy một cuốn sách, bảo mình cứ chọn ăn những chữ thừa không quan trọng thử coi. Nghĩa là nếu chúng mất đi, cũng chẳng ảnh hưởng gì tới câu chuyện. Rốt cuộc cuốn sách chỉ còn lại không tới một trăm chữ". Nguyễn Ngọc Tư muốn hướng đến sự hoàn thiện trong tác phẩm của mình, hướng tới một tác phẩm không có "chữ thừa".

Thế nên, "Biên sử nước" tròn trịa trong vẻ ngoài mong manh của nó, lần nữa cho độc giả thấy một Nguyễn Ngọc Tư vừa quen thuộc nhưng cũng lạ lẫm - sự lạ lẫm chắc chắn không làm hài lòng nhiều độc giả. 


Huỳnh Trọng Khang