Bình địa trong lửa (Juan Rulfo): Một cõi đọa đày
Pedro Páramo là tác phẩm vĩ đại của văn chương Mỹ Latin, khi nó là cái nôi để thai nghén nên Trăm năm cô đơn và đồng thời là dấu mốc đưa Juan Rulfo trở thành một trong những người tiên phong mở khóa địa hạt văn chương còn nhiều bí ẩn này ra với thế giới. Nếu Pedro Páramo đã được chuyển ngữ từ những năm 1987, thì Bình địa trong lửa – tập truyện ngắn với tầm quan trọng không kém – chỉ gần đây mới được giới thiệu và xuất bản tại Việt Nam. Thời gian chờ đợi là một quãng dài, nhưng không hề phung phí cho một trước tác vô cùng tuyệt diệu.
Có thể nói, Bình địa trong lửa là một tác phẩm phản Páramo một cách toàn diện. Sinh thời chỉ cho ra mắt hai trước tác lớn trước khi cơn bĩ cực ập đến, nhưng cả hai tác phẩm của Juan Rulfo đều chiếm được vị thế vô cùng quan trọng. Trong khi Pedro Páramo tiếp cận người đọc bằng bầu không khí hiện thực kỳ ảo vô cùng mới lạ (ở thời điểm đó), thì Bình địa trong lửa là áng văn hiện thực sâu cay nhưng đầy chán chường vì nỗi tuyệt vọng. Trường nghệ thuật của hai tiểu thuyết này như hai tinh cầu song song trong một bối cảnh và mặt nội dung khá tương đồng, khi ta thấy được một Mexico vô cùng ngột ngạt như xứ địa ngục trần gian với những biến động chính trị – xã hội sục sôi âm ỉ, chìm ngập trong đó còn là thân phận con người bé nhỏ mà đầy tham vọng.
Một cõi bình địa
Với hình thức một tập truyện ngắn, Bình địa trong lửa là lăng kính soi chiếu rất nhiều góc nhìn qua một đất nước Mexico khắc nghiệt và đầy gian truân. Đó có thể là chốn bình địa méo mó, cằn cõi và đã vôi hóa, nơi gió cũng không còn đủ để gom một cơn mưa bụi. Nhưng cũng đồng thời là xứ sở của mưa như trút làm hư đống mạch, giết chết gia súc, tan hoang cửa nhà.
Ở vùng được gọi là San Juan Luvina ấy, một cõi luyện ngục lần dò mở ra. Đó là vùng đất nơi chó cũng chết và không còn gì để sủa vào sự im lặng. Là nơi im lìm tồn tại mọi sự cô quạnh, nơi gió chỉ hút vào những tiếng động. Nơi cũng chỉ còn lại người già và những đứa trẻ chưa hề ra đời; nơi chỉ đàn bà ốm yếu, gầy guộc và da bọc xương. Nơi đàn ông có trời mới biết đi đâu về đâu mà khi trở lại chỉ với một bao thực phẩm và vừa kịp gieo thêm một đứa trẻ thành ra quy luật. Là nơi mà một buổi chiều đứa bé sinh ra, thì sáng hôm sau đã thành đàn ông kịp cầm cuốc xẻng.
Mexico đón người ta bằng cơn gió lạnh, những trận động đất, bằng làn sương giá. Như thế họ cho chúng tôi đất. Trên cái thứ nóng như vỉ nướng này họ muốn chúng tôi gieo hạt, bất cứ loại hạt nào, chỉ để xem nó có thể nảy mầm và sinh sôi. Nhưng mà sẽ chẳng có gì có thể sống được ở đây. Cứ thế một cõi đọa đày mở ra trong các nhân vật, khiến họ biến chất, không còn logic, tất cả chảy tràn trong họ là những dòng máu đã sủi bọt tăm của những tị hiềm, ganh ghét và đối nghịch.
Nhân gian đảo ngược
Cũng chính trong cái ngột ngạt của vùng đất ấy, cộng thêm chế độ chính trị luôn luôn chông chênh thì giá trị con người cũng kịp lăn xuống đến mức thấp nhất. Bình địa trong lửa quét qua khoảng dài lịch sử từ khi Mexico oằn mình dưới thời quá độ cách mạng chống địa chủ, cùng lúc chế độ độc tài đang còn thị oai; thì cảnh lầm than vẫn luôn chồng chất. Trong tập truyện ngắn này ta đã bắt gặp không chỉ một lần những cảnh chém giết đầu rơi máu chảy, đạn nã sâu hoắm vào những thân người từ trong cuộc chiến, một cách vật lý hay là vô hình cũng dễ nhận ra.
Đó có thể là những tàn dư trong cách mạng ruộng đất khi giới địa chủ lại một lần nữa ngoi lên cái tua dài rộng cướp bóc những thương vụ lớn như nhà Toricco. Mà cũng có thể chì vì lũ lụt mất đi chú bò hồi môn dẫn con người ta vào đời đĩ đượm do đã quá nghèo. Đó cũng có thể là những hằn thù hay nỗi tị hiềm để rồi ganh ghét trở nên bạo tàn, đến mức họ còn giết hết cả một gia đình để rồi dằn vặt vì sự ghê tởm của bản thân mình “phải vác hết sức nặng của người thứ ba lên lung không đáng chút nào. Người chết nặng hơn người sống; nó sẽ đè bẹp ta mất”.
Chính trị biến động càng làm tăng thêm sự điên cuồng ấy. Truyện ngắn Bình địa trong lửa khắc họa những cuộc đối đầu giữa quân chính phủ, quân liên bang và quân cách mạng đã thể hiện điều này trực diện nhất. Chính sự tàn bạo trong dòng giống người đã đẩy người ta đến một mức độ tàn sát lẫn nhau, quây sân đấu bò để mà giết lính đi theo phe khác. Họ như trở về thời La Mã cổ, họ treo người chết để chim ó ăn đi hết nội tạng và rồi chết mục như Prometheus của Hy Lạp cổ. Chiến tranh tang tóc, chiến tranh đau thương biến con người ta đui mù mà không nhận ra một điều gì khác.
Thế nhưng không chỉ ở trong cuộc chiến, bi kịch gia đình cũng luôn là thứ chứa đựng biết bao những sự xấu xa còn luôn ẩn giấu. Đó có thể là những tình cảnh cha giết con, con giết cha không thể thoát ra; là những đồng chí sát cánh bên nhau nay giết chết nhau chỉ vì bãi cỏ chăn bầy gia súc. Đó cũng có thể là ngã tuyệt vọng khi dắt dìu nhau trên đường chữa bệnh, để người anh trai và cô em dâu nảy sinh tình cảm, là người cha già cõng con trai mình dù cho chính y đã giết chết đi người vợ ông yêu…
Những mối quan hệ không có đường thoát giữa cha – con trai xuyên qua bóng hình người mẹ chết trẻ luôn luôn trở lại trong các sáng tác của Juan Rulfo. Từ Pedro Páramo là chuyến hành trình đi tìm người cha, cho đến con trai giết cha ở trong cuộc chiến vì sự căm ghét ông dành cho cậu là những bi kịch không thể vượt thoát. Ở đó còn là hôn phối cận huyết cha và con gái – người cha lầm lạc nhưng luôn hiển hiện là một vị thánh, là gã điền chủ với cô cháu gái còn rất ngu ngơ…
Địa hạt khô khốc, tâm tính mục ruỗng được Juan Rulfo dồn nén vào đây như một quả cầu trở nên nặng nề bởi sự tàn bạo. Đó còn có thể là sự vô luân của nền độc tài khi ngài thống đốc đến ngay sau cơn động đất, mà việc ông làm không có gì hơn là ăn gà tây mút hết cả xương, bánh tortilla, một trận chè chén với suối rượu punch khi khăn trải bàn đã nhuộm đỏ thẫm. Trên chính vùng đất đã bị tàn phá bởi cơn động đất không thể lường trước, ngài đã để lại khoản nợ 4000 peso bằng sự gia ân chuyến viếng thăm đó. Một vùng tàn suy, con người nhỏ bé; xứ Mexico vang lên đớn hèn.
Phong cách Juan Rulfo
Một điểm nổi bật trong suốt tập truyện ngắn là ta có thể nhìn nhận những cốt truyện này theo hai hướng nhìn: một rất thực tế và một của những tưởng tượng. Nếu trong Họ cho chúng tôi đất, Juan Rulfo tập trung viết về những điều bất công, những sự vô luân của chính quyền ấy khi phân chia đất đằng sau cách mạng; thì đồng thời một mặt nào đó, ta cũng thấy được là những điềm báo ông đã đoán định trong những hình tượng của truyện ngắn này. Từ dáng hình của những ngôi nhà, làn khói xa xa do gió mang đến cho tới hạt mưa đơn côi mong trận mưa rào… Nhưng rồi mây tan không còn gì cả, còn nhà còn làng ở tít đằng xa chỉ như dự đoán cho một tương lai đầy cảnh đẹp đẽ chỉ là huyễn hoặc.
Hơn nữa, Juan Rulfo hầu như dửng dưng trong suốt những bi kịch kể lại. Ông xem những điều đang dâng trước mắt như lẽ hiển nhiên, như đời tầm thường; để rồi từ đó ông viết chính về cái chết, về cái vô luân, cái vô đạo đức vô cùng nhẹ nhàng mà đầy mục ruỗng. Lạnh tanh và thiếu sức sống, ông kết hầu hết những truyện ngắn này bằng câu đầy sức mạnh, như thể “Nơi Bình địa mà họ cho chúng tôi còn ở xa phía trước” hay “Như thể bất thình lình chúng bắt đầu nảy nở để mang em gần hơn vào kiếp đọa đày này”. Những câu bỏ lửng mà lạ lùng thay, lại rất thâm sâu và nặng tình nhất.
*
Trong một bài phỏng vấn vào năm 1978, Juan Rulfo từng nói rằng tuổi thơ của mình rất bất hạnh và khắc nghiệt khi sống ở một đất nước nơi sự tàn phá lan tràn xứ sở. Ông chưa bao giờ hiểu được logic của những hành động tàn ác, bạo lực trong suốt thời kì cách mạng dẫn đến cái chết của từng người một trong gia đình mình – và Bình địa trong lửa cũng chính là lời tự bạch những tội ác ấy, những mất mát ấy khi chúng vẫn đang lan ra quê hương bé mọn.
Với Bình địa trong lửa, một Rulfo lạ lẫm mà đầy khắc khoải hiện ra trước mắt người đọc. Ở đó, ta thấy được một xứ hoang tàn ở nơi tận cùng thế giới với đất hoang hóa, tự nhiên khắc nghiệt, nơi con người ta vẫn đang rủa xả chém giết lẫn nhau trong cuộc cách mạng tranh giành những điều vô lý. Phản Páramo nhưng cũng quan trọng không kém; một đời ngắn ngủi nhưng hai trước tác thực sự vĩ đại.
Ngô Thuận Phát (Bookish.vn)