Câu chuyện ứng xử với thiên nhiên
ThHai cuốn sách "Đầm lầy" và "Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ" không chỉ nghiên cứu lịch sử môi trường - địa lý, mà còn nói lên câu chuyện ứng xử với thiên nhiên.
Đầm lầy: Kiến tạo quốc gia và tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long (nguyên tác: Quagmire: Nation-Building and Nature in the Mekong Delta) của David Biggs thuộc mảng lịch sử môi trường, một chủ đề khá xa lạ trong đời sống sách vở ở nước ta.
Cuốn sách được trao giải thưởng George Perkins Marsh 2012, nghĩa là được vinh danh là cuốn sách hay nhất về lịch sử môi trường năm 2012.
Sách Đầm lầy. Ảnh: PhanBook.
Lịch sử môi trường - địa lý vùng đồng bằng sông Cửu Long
David Biggs - một học giả người Mỹ - qua cuốn sách của mình, diễn giải một đoạn sử khá dài về vùng đất miền Nam Việt Nam.
Để làm được điều đó, David Biggs tập trung khai thác tài liệu quan trọng, đặc biệt kho tài liệu tiếng Pháp, mà người đọc sẽ thấy độ công phu của nguồn dẫn và sự chỉn chu của tác giả nơi “Thư mục tham khảo” hay những chú thích hình ảnh trong phần chính văn.
Không chỉ dừng lại ở nội dung bao quát trong nhan đề cuốn sách, Đầm lầy còn mang đến cho độc giả những kiến thức nền tảng về lịch sử khẩn hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long qua các thời kỳ lịch sử, hay một tóm tắt công phu và kỹ lưỡng về lịch sử Nam kỳ thời tiền thuộc địa cho đến khi trở thành xứ thuộc địa rồi khai thác thuộc địa của người Pháp thập niên 1860 trở về sau - những điều mà lâu nay chúng ta thường đọc qua các tài liệu do người Pháp viết.
David Biggs phác họa từ địa hình vùng châu thổ sông Cửu Long, tứ giác Long Xuyên… đến những đợt di dân, định cư, cộng cư, khai phá, tiếp biến và giao lưu văn hóa; rồi sự thích ứng, cộng sinh với môi trường cùng tác động đến thiên nhiên (nới rộng hệ thống kênh rạch), cải tạo môi trường (khẩn hoang, đào kênh, chia ô đất cho các lượt di dân mới, hệ thống xuống cấp, trở thành chiến trường, đất bỏ hoang thành đầm lầy…).
Tác giả cũng nêu những hệ quả như việc người dân vùng châu thổ sông Cửu Long phải sống chung với lũ và những tác động khó tiên đoán của thiên nhiên.
Lịch sử sông nước, đời sống thương hồ, cảnh quan thiên nhiên và con người là những cấu thành của văn hóa - văn minh xứ sở; vì không thấu hiểu lịch sử nói chung nên người Pháp và cả người Mỹ đã nhận thất bại trong việc muốn cai trị vùng đất này.
Sách Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ (trái) và Đầm lầy. Ảnh: Thư Hương.
Nỗi lo về dòng Mekong
Đầm lầy là cuốn sách thú vị, không chỉ bàn đến những vấn đề về môi sinh, lịch sử chính trị, lịch sử môi trường - địa lý nhân văn mà còn mang đến cho độc giả một câu chuyện cuốn hút giàu chất văn và những bài học từ quá khứ, của lịch sử trong việc ứng xử với thiên nhiên.
Bài học này được đề cập tiếp nối qua cuốn sách Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ (nguyên tác: Last days of the mighty Mekong) của Brian Eyler vừa được Nguyễn Đình Huỳnh dịch sang tiếng Việt.
Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington, không viết Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ như một báo cáo chính sách khô khan.
Trong vai trò nhà du hành, anh đã viết một cuốn sách du lịch từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Mekong thực sự hấp dẫn, từ rìa dãy núi Himalaya ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam), với những mô tả sống động về những nơi anh đến thăm cũng như những người anh tiếp xúc.
Một đoạn sông Mekong chảy qua Thái Lan. Ảnh: Nytimes.
Nội dung cuốn sách tập trung tìm hiểu bốn chủ đề lớn đang diễn ra ở lưu vực này: 1) Quản lý các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa với trọng tâm cụ thể là nước, đầm lầy, rừng; 2) Phát triển du lịch; 3) Di cư từ nông thôn ra thành thị; 4) Tác động của biến đổi khí hậu.
Brian Eyler viết cuốn sách với một phần nỗi lo “về một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ tác động đến các quốc gia cuối dòng Mekong như thế nào” cùng đó là sự thấu hiểu về “thế lưỡng nan” trong chiến lược phát triển của sáu quốc gia liên quan.
Mekong - con sông dài nhất Đông Nam Á, xuyên biên giới, đa dạng sinh học bậc nhất không còn là sự hoang sơ, hẻo lánh, mê hoặc và đầy sức sống như quá khứ ghi nhận, mà là một sự tĩnh lặng và chết chóc dưới sự trỗi dậy của khoa học và tàn phá của con người.
Du lịch, rác du lịch, đô thị hóa, thủy điện, các con đập, tuyến đường sắt… đã bóp nghẹt hệ sinh thái, hệ thống nông nghiệp, làm suy giảm các quần thể cá… của con sông trù phú này, gây ra những mối đe dọa đối với cư dân các địa phương lân cận.
Những vẻ đẹp văn hóa hay đời sống tâm linh cổ xưa bị hủy hoại trước các làn sóng du lịch hiện đại… là sự trả giá không thể tránh khỏi. Mekong - một hệ sinh thái mà “sinh kế của hàng triệu con người phụ thuộc vào nó”, đang bị tàn phá.
Qua Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, Brian Eyler muốn góp phần “vạch trần những rủi ro đối với phương thức phát triển kinh tế hiện nay và thảo luận đường hướng nhằm cải thiện tình hình và bảo vệ hệ sinh thái cốt lõi của lưu vực sông này".
Một cuốn sách có kết thúc mở, đầy ắp thông tin, giàu tính thực địa cùng những kiến giải sâu sắc của một người thấu hiểu đối tượng nghiên cứu, từ lịch sử - địa lý nhân văn cho đến văn hóa, môi sinh.
Thư Hương (Zingnews.vn)