Cựu gián điệp CIA Edward Snowden: Chúng ta đã bị theo dõi như thế nào? – PHANBOOK.VN

Cựu gián điệp CIA Edward Snowden: Chúng ta đã bị theo dõi như thế nào?

LTS. Cuốn hồi ký Permanent Record của cựu gián điệp CIA Edward Snowden ngay khi phát hành tháng 9.2019 đã nhanh chóng vượt lên vị trí hàng đầu trong bảng sách bán chạy nhất tại Mỹ. Chính phủ Mỹ liền đó đã đệ đơn kiện Edward Snowden về việc xuất bản hồi ký khi tác giả đang lưu vong tại Nga. Tuy nhiên, động thái này vẫn không thể ngăn NXB Macmillan phát hành toàn cầu Permanent Record, và vào danh sách các cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon.

    Tại Việt Nam, Phanbook & NXB. Đà Nẵng vừa ra mắt bản tiếng Việt cuốn hồi ký “bom tấn” này với tựa đề Bị theo dõi. Được sự cho phép bản quyền, Người Đô Thị lược trích một bài viết của Edward Snowden trong Bị theo dõi, kể lại hành trình phản tỉnh để đưa sự thật ra ánh sáng, tố giác những hoạt động dọ thám thô bạo xâm hại đến quyền riêng tư của con người. Bản dịch của Đăng Thư.

    Tựa bài và các tít phụ do Người Đô Thị đặt.

    Hồi ký Permanent Record của Edward Snowden với bản dịch tiếng Việt Bị theo dõi (Đăng Thư dịch), vừa được Phanbook & NXB Đà Nẵng phát hành cuối tháng 5.2020.


    Tôi tên Edward Joseph Snowden. Tôi từng làm việc cho chính phủ, nhưng bây giờ tôi làm việc cho công chúng. Tôi mất gần ba mươi năm mới nhận ra rằng có sự khác biệt giữa hai điều ấy, và nhận thức đó khiến tôi gặp một chút rắc rối ở cơ quan. 

    Vì vậy, tôi bây giờ lại dành thời gian của mình để cố bảo vệ công chúng tránh khỏi con người đã từng là tôi - một gián điệp của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), một chuyên viên kỹ thuật trẻ tuổi bình thường lúc đó đang quyết chí xây dựng một thế giới mà bản thân tin chắc sẽ tốt đẹp hơn.

    Bước vào “đường hầm” tình báo

    Sự nghiệp của tôi trong Cộng đồng Tình báo Mỹ (Intelligence Community - IC) chỉ kéo dài bảy năm ngắn ngủi, một giai đoạn mà giờ đây tôi ngạc nhiên nhận ra là chỉ dài hơn một năm so với khoảng thời gian tôi sống lưu vong kể từ đó ở một xứ sở mình không lựa chọn. Thế nhưng, trong suốt bảy năm ấy, tôi đã tham gia vào cuộc thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử gián điệp Mỹ - thay đổi từ việc theo dõi cá nhân có mục tiêu sang việc theo dõi toàn bộ nhiều dân số quốc gia không từ một ai. 

    Edward Snowden trong một cuộc nói chuyện trực tuyến với trường Luật Buenos Aires, Argentina từ Moscow. Ảnh: Christian Charisius


    Tôi đã giúp sức thực hiện về mặt công nghệ để cho một chính phủ duy nhất thu thập mọi thông tin liên lạc kỹ thuật số của cả thế giới, lưu trữ chúng vô thời hạn, và mặc sức tìm kiếm trong nguồn dữ liệu ấy. 

    Sau biến cố 11.9, cộng đồng IC bị dằn vặt vì tội không bảo vệ được nước Mỹ, vì đã để cho cuộc tấn công  tàn khốc và hủy diệt nhất kể từ trận Trân Châu Cảng xảy ra trên đất nước này ngay trong phiên canh gác của họ. Để phản ứng lại, các nhà lãnh đạo IC đã tìm cách xây dựng một hệ thống sẽ giúp họ không bao giờ mất cảnh giác nữa. Nền tảng của hệ thống này sẽ phải là công nghệ, một điều xa lạ với đội quân tình báo toàn những người thuộc chuyên ngành khoa học chính trị và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Cánh cửa đưa đến các cơ quan tình báo bí mật nhất đã mở toang cho các chuyên viên kỹ thuật trẻ như tôi. 

    Và thế là dân rành máy tính đã thừa hưởng cả Trái đất.

    Nếu như lúc ấy tôi có am hiểu điều gì thì đó chính là máy tính, vì vậy tôi thăng tiến nhanh chóng. Ở tuổi 22, tôi đã được NSA cấp chứng nhận an ninh tối mật đầu tiên cho một công việc ở vị trí tận cùng của sơ đồ tổ chức. Chưa đầy một năm sau, tôi đã ở CIA, làm kỹ sư hệ thống với quyền truy cập rộng khắp vào một số mạng máy tính nhạy cảm nhất hành tinh. Người duy nhất giám sát tôi là một ông chuyên dành thời gian trực để đọc tiểu thuyết gián điệp của Robert Ludlum và Tom Clancy (…).

    Từ năm 2007 đến 2009, tôi được bố trí ở Sứ quán Hoa Kỳ tại Geneva như một trong những chuyên viên kỹ thuật hiếm hoi được điều động dưới vỏ bọc ngoại giao, với nhiệm vụ đưa CIA tiến vào tương lai bằng cách đưa các trạm châu Âu của cơ quan này lên mạng, số hóa và tự động hóa hệ thống mạng mà chính phủ Hoa Kỳ sẽ sử dụng để làm gián điệp.

    Thế hệ của tôi không chỉ thiết kế lại công việc tình báo; mà đã định nghĩa lại toàn bộ khái niệm tình báo. 

    Đối với chúng tôi, đó không phải là những cuộc gặp gỡ lén lút hay những hộp thư bí mật, mà chính là dữ liệu. Đến năm 26 tuổi, tôi trở thành nhân viên trên danh nghĩa của hãng Dell, nhưng một lần nữa lại làm việc cho NSA. Việc hợp đồng tuyển dụng như vậy đã trở thành vỏ bọc của tôi, cũng giống như hầu hết mọi điệp viên thiên về công nghệ trong đội quân này. Tôi được phái đến Nhật Bản, nơi tôi đã giúp thiết kế một hệ thống gần như là phương tiện sao lưu dự phòng dữ liệu toàn cầu của NSA - một hệ thống mạng bí mật đồ sộ đảm bảo rằng ngay cả khi cơ quan đầu não có tan thành tro bụi trong một vụ nổ hạt nhân thì vẫn không hề mất một dữ liệu nào.

    Vào lúc đó, tôi không hiểu được rằng việc thiết kế một hệ thống lưu trữ vĩnh viễn hồ sơ về cuộc đời của mọi con người lại chính là một sai lầm khủng khiếp.

    Hệ thống do thám toàn cầu

    Tôi trở về Hoa Kỳ ở tuổi 28 và được thăng chức rất cao vào nhóm liên lạc kỹ thuật phụ trách mối quan hệ của hãng Dell với CIA. Công việc của tôi là ngồi cùng với những người đứng đầu các bộ phận kỹ thuật của CIA để thiết kế và bán giải pháp cho bất kỳ vấn đề nào họ có thể nghĩ ra. Nhóm của tôi đã giúp CIA xây dựng một loại kiến trúc điện toán mới - “đám mây”, công nghệ đầu tiên cho phép mọi nhân viên, bất kể đang ở đâu, truy cập và tìm kiếm được bất kỳ dữ liệu nào họ cần, bất kể khoảng cách.

    Edward Snowden phát biểu qua video tại sự kiện công nghệ lớn nhất châu Âu Web Summit 2019. Ảnh: Henrique Casinhas


    Tóm lại, việc quản lý và kết nối dòng thông tin đã nhường chỗ cho việc tìm kiếm cách lưu trữ thông tin đó mãi mãi, rồi việc này lại tiếp tục nhường chỗ cho việc bảo đảm sao cho nguồn thông tin này luôn sẵn sàng và có thể tìm kiếm được ở bất kỳ nơi đâu. Tôi bắt đầu hình dung ra được các kế hoạch này khi ở Hawaii, nơi tôi chuyển đến theo hợp đồng mới với NSA ở tuổi 29. 

    Cho đến lúc đó, tôi vẫn miệt mài làm việc theo tôn chỉ “cần phải biết”, chứ không hiểu được mục đích tích tụ đằng sau các nhiệm vụ chuyên môn, tách biệt của mình. 

    Chỉ đến khi tới xứ thiên đường Hawaii, tôi cuối cùng mới ở vào vị trí có thể thấy được mọi công việc tôi làm liên kết với nhau ra sao, mới thấy chúng ăn khớp như những bánh răng của một cỗ máy khổng lồ để tạo ra một hệ thống theo dõi toàn cầu đại quy mô.

    Sâu trong một đường hầm dưới cánh đồng dứa - nguyên là nhà máy chế tạo phi cơ thời Trân Châu Cảng - tôi ngồi trước một máy tính trạm cuối mà từ đó tôi thực tế có quyền truy cập không giới hạn vào các thông tin liên lạc của gần như mọi người trên Trái đất - mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em nào đã từng bấm số một máy điện thoại hoặc chạm vào một chiếc máy tính. 

    Trong số đó có khoảng 320 triệu công dân Mỹ đồng bào tôi, những người đang sống cuộc sống thường ngày của mình nhưng lại bị theo dõi một cách phi pháp, một hành động vi phạm trắng trợn không chỉ với Hiến pháp Hoa Kỳ, mà còn với các giá trị cơ bản của mọi xã hội tự do.

    Sở dĩ bạn đang đọc cuốn sách này là vì tôi đã làm một điều nguy hiểm đối với một người ở cương vị như mình: Tôi quyết định nói ra sự thật. Tôi đã thu thập các tài liệu nội bộ của IC làm bằng chứng về việc phạm pháp của Chính phủ Hoa Kỳ và chuyển cho các nhà báo, những người đã xem xét và công bố chúng trước một thế giới rúng động bàng hoàng.

    Cuốn sách này nói về những gì dẫn đến quyết định ấy, những nguyên tắc tinh thần và đạo đức đã tác động đến điều này, và cách chúng đã hình thành - như vậy cũng có nghĩa là cuốn sách nói về cuộc đời tôi (…).

    Xâm phạm quyền riêng tư

    Đây là khởi đầu chủ nghĩa tư bản do thám, và kết thúc hình thức internet như tôi đã biết.

    Giờ đây, chính thế giới web sáng tạo đã sụp đổ, vì vô số website cá nhân, tốt đẹp, khó làm, đã bị đóng. Những hứa hẹn về sự thuận tiện đã khiến mọi người đánh đổi các trang web cá nhân của mình - thứ đòi hỏi phải liên tục tốn nhiều công sức duy trì - để lấy một trang Facebook và một tài khoản Gmail. 

    Vẻ bề ngoài của quyền sở hữu rất dễ nhầm lẫn với thực tế của quyền sở hữu. Vào lúc đó, chúng ta rất ít ai hiểu được điều này, nhưng mọi thứ mà chúng ta đang tiếp tục chia sẻ đều không còn thuộc về chúng ta nữa. Các công ty thương mại điện tử đã thất bại vì họ không tìm ra được bất cứ thứ gì chúng ta quan tâm muốn mua; nhưng các công ty tiếp nối bây giờ lại có một sản phẩm mới để bán.

    Sản phẩm mới đó là Chúng ta.

    Những gì ta quan tâm, các hoạt động ta làm, những địa điểm ta đến, bao điều ta mong muốn - mọi điều về bản thân mà ta đã tiết lộ, dù có ý thức hay không, đều đang bị lén lút theo dõi và bán, để trì hoãn cái cảm giác bị xâm phạm không thể tránh khỏi mà hầu hết chúng ta mãi đến bây giờ mới nhận ra. Và việc theo dõi này lại tiếp tục được tích cực khuyến khích, thậm chí còn được tài trợ bởi một đội quân các chính phủ tham lam muốn giành lấy lượng thông tin khổng lồ này. 

    Vào đầu những năm 2000, ngoài các trang đăng nhập và giao dịch tài chính, hầu như không có bất kỳ thông tin trực tuyến nào được mã hóa, điều đó có nghĩa là trong nhiều trường hợp, các chính phủ thậm chí không cần phải mất công tiếp xúc các công ty để biết khách hàng của các công ty này đang làm gì. Họ tha hồ theo dõi cả thế giới mà không cần phải nói với một ai cả.

    Nền tự do của một quốc gia chỉ có thể được đo lường bằng sự tôn trọng các quyền công dân của nước ấy và tôi tin rằng những quyền này trên thực tế là những mốc giới hạn của quyền lực nhà nước, xác định chính xác nơi nào và khi nào chính phủ không được xâm phạm vào địa hạt của các quyền miễn trừ cá nhân hoặc riêng biệt mà trong thời Cách mạng Mỹ được gọi là “quyền tự do”, và trong thời Cách mạng internet, được gọi là “quyền riêng tư”.

    Kể lại câu chuyện cuộc đời tôi đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của những người thân yêu của mình và không tiết lộ những bí mật chính đáng của chính phủ là một việc không hề đơn giản, nhưng đó là việc tôi phải làm. Giữa hai ranh giới trách nhiệm đó chính là vị trí của tôi. 

    Đăng Thư dịch

    Trong hồi ký Permanent Record - Bản tiếng Việt Bị theo dõi (Đăng Thư dịch), Phanbook & NXB Đà Nẵng ấn hành cuối tháng 5-2020, Edward Snowden kể khá chi tiết cuộc sống cá nhân và động cơ khiến anh sao chép, chuyển cho các nhà báo hàng ngàn tài liệu mật về hệ thống do thám và gián điệp điện tử toàn cầu của Mỹ và các đồng minh.

    Cụ thể, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) có một hệ thống tìm kiếm đặc biệt tên XKEYSCORE, nhờ đó có thể tiếp cận thư từ, tin tán gẫu và hình ảnh của bất cứ người nào có kết nối sử dụng internet, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng. Tiếp đó, chương trình PRISM cho phép mật vụ Mỹ truy cập trực tiếp vào các tài khoản của người dùng trên Google và Yahoo. Snowden cho rằng, hành vi mật vụ Mỹ can thiệp thô bạo vào cuộc sống riêng tư của các công dân, các chính phủ nước ngoài và công việc của các tổ chức quốc tế dưới vỏ bọc vì an ninh nước Mỹ là điều phi nghĩa và trái pháp luật.

    Mới nhất, trong đại dịch COVID-19, trên tờ Business Insider, Snowden đã lên tiếng cảnh báo quyền cá nhân bị các chính phủ xâm phạm với lý do bảo vệ sức khỏe cộng đồng. “Họ [các chính phủ] đã biết những gì bạn đang xem trên internet, điện thoại của bạn đang di chuyển đến đâu, bây giờ thì họ còn nắm được nhịp tim của bạn là bao nhiêu. Ðiều gì sẽ xảy ra khi họ bắt đầu trộn lẫn những thứ này và áp dụng vào trí tuệ nhân tạo?” và “Năm năm sau, khi virus corona không còn nữa, dữ liệu này vẫn có giá trị khi họ bắt đầu tìm kiếm những manh mối mới”, Snowden nói. 

    Edward Snowden sinh ngày 21.6.1983. Năm 2013, khi đang là nhân viên và nhà thầu phụ của  CIA, Snowden đã sao chép khoảng 1,5 triệu tài liệu mật, tối mật từ NSA và cung cấp cho báo giới hồi đầu tháng 6.2013. Tiết lộ của Snowden đã cho quốc tế biết đến những chương trình do thám toàn cầu, nhiều hoạt động giám sát người dân thô bạo do NSA hợp tác cùng các công ty viễn thông; từ đó thúc đẩy một cuộc thảo luận văn hóa về an ninh quốc gia và quyền riêng tư cá nhân. 

    Ngày 21.6.2013, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hủy bỏ các cáo buộc chống lại Snowden về hai tội vi phạm Ðạo luật gián điệp và trộm cắp tài sản của chính phủ, sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ thu hồi hộ chiếu của Snowden.  Snowden đã bay tới Moscow từ Hồng Kông và Nga cấp cho Snowden quyền tị nạn với thị thực cư trú ban đầu trong một năm và các lần gia hạn lặp lại đã cho phép Snowden ở lại Nga ít nhất đến năm 2020. Theo CNN, Snowden đã nộp đơn lên Cơ quan Di trú Liên bang Nga để xin gia hạn tạm trú trên lãnh thổ đất nước này thêm ba năm. 

    Ðầu năm 2016, Snowden trở thành chủ tịch của Freedom of the Press Foundation, một tổ chức đặt trụ sở tại San Francisco, có mục đích hoạt động bảo vệ các nhà báo khỏi bị tấn công và giám sát của chính phủ.  



    Theo Người đô thị

    BÌNH LUẬN

    Tin cùng chuyên mục

    TAGS

    Quà tết sách PATRICK MODIANO Kho đựng nỗi đau Hoa của phế tích Con chó mùa xuân PhanBook tuổi trẻ lạc lối nobel van chuong sách tieu thuyet Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Tủ sách Tân nhạc Nguyễn Ngọc Tư Biên sử nước tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư Tủ sách danh tác tủ sách danh tác giải trí tin tức COVID-19 CARL HONORÉ ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS GIẢI PHÁP TỪ TỐN Mekong Sông Mekong Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ Đầm Lầy David Biggs Brian Eyler bao chi gioi thieu sach Cẩm Giàng Cảm nhận Nguyen Tuong Bach Nguyễn Tường Tam Nguyễn Tường Thiết Nhất Linh Nhất Linh Cha Tôi PHANBOOK Sách mới lính Hàn Nguyễn Ngọc Tuyền Park Chung Hee Phong Nhất Phong Nhị Điện Bàn 1968 Koh Kyoung Tae Wu Ming-Yi Chiếc xe đạp mất cắp Man Booker2018 văn học Đài Loan WU MING YI nobel 2018 nganh xuat ban xuat ban giai man booker Patrick Modiano con chó mùa xuân kho đựng nỗi đau ký ức Con tim thủy tinh yêu thương đau khổ FREDERIC LENOIR Peter Frankopan cuộc thập tự chinh thứ nhất KHI BỐ CÒN THƠ 1 ALEXANDER RASKIN binh luan nguyễn vĩnh nguyên an ninh mạng BỊ THEO DÕI công nghệ máy tính Edward Snowden Con Chó Mùa Xuân Kho Đựng Nỗi Đau Phanbook Văn học Pháp Coronavirus ĐI TÌM HẠNH PHÚC Frederic Lenoir Du Tử Lê Những tùy bút cuối cùng chinh tri Donald Trump thơ André Gide Dụ ngôn đứa con hoang đàng đứa con đi hoang trở về Dưới mái hiên đêm những khách lạ Hiền Trang Văn học trẻ Đại dịch event sự kiện Flannery O'connor heinrich boll Kim Ân Những con đường tơ lụa The silk roads 1/6 Sách thiếu nhi Khuyến mãi KHUYẾN MÃI SALE THÁNG 3 WOMENSDAY QUỐC TẾ PHỤ NỮ SÁCH SALE MỌT SÁCH SĂN SALE PHANBOOKSALE Bùi Giáng Tuyển tập luận đề Bùi Giáng bình Kiều Bùi Giáng giảng Lục Vân Tiên truyện Phan Trần Chinh phụ ngâm Đà Lạt Nguyễn Vĩnh Nguyên Thảo Nguyên lên đồi hái sim Quốc Bảo Những lời bình yên Nhạc sĩ Quốc Bảo ca từ Nghe thuat hoa binh Ueshiba Morihei Aikido nguyen ngoc tu Biên Sử Nước ra mắt và ký tặng sách Maria Strasakova Ocean Vuong MacArthur Trời đêm những vết thương xuyên thấu thư gửi mina thuận bình luận Thương nhớ hoàng lan Trần Thùy Mai Trăng nơi đáy giếng Thập Tự Hoa Một chút màu xanh Nguyen Ngoc Tu Co dinh mot dam may nhạc sĩ Lam Phương qua đời Tin tức Báo chí Sách Tâm nhạc sĩ Quốc Bảo 7/7 GIOITHIEUSACH Phanbook event Nhất Linh cha tôi Văn hóa Sài Gòn Tủ sách biên khảo Sài Gòn man booker 2018 Sách hay 2019 Đà Lạt bên dưới sương mù Khó mà tìm được một người tốt TÁM THÁNG BA 8/3 GIẢM GIÁ giáo dục en Giải Thiên tài Khi bố còn thơ góp lá mùa xuân hoa của phế tích Văn chương của ký ức Phạm Công Luận khuyến mãi lịch xuân 2021 Thích Nhất Hạnh Đạt Lai Lạt Ma lịch bàn lịch bloc lịch treo tường Hiện pháp lạc trú Suối nguồn an vui PhanbookSale TẾT ĐỌC SÁCH - VƯỢT THỬ THÁCH jack weatherford Tuyển Tập Luận Đề Review Anthony Bourdain Kitchen Condidential hai tam hon trong dem Sống chậm cùng con Carl Honoré Tuổi thơ tìm thấy Không việc gì phải vội Corey Pein Thung lũng Silicon Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Tản văn Giải sách hay 2019 Con gà đẻ trứng vàng Mỗi hơi thở một nụ cười Nguyễn Gia Trí Tố Như sale ValentinesDay Khúc thụy du Chúng ta những con đường Giữ đời cho nhau Yêu thương là tự do Tụng ca tình yêu Hai tâm hồn trong đêm Tình yêu Thuận Quảng Nam thảm sát Thích Phước An hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Tuần sách Văn Lang Phanbook_TuansachVanLang SÁCH THIẾU NHI Kafka Hemingway Điểm sách Dostoevsky Shakespeare Lev Tolstoi Tùy bút Về Huế Trần Kiêm Đoàn Huế Thành phố buồn tran le son y yeu thuong la tu do