Đặt Tên Cho Thời Gian
Trong các truyện của Patrick Modiano rất thường gặp những ý văn kỳ lạ, trên cái toàn bộ hành văn của ông vốn đã rất lạ thường. Ở đó trình ra một tính giản dị lừa mị. Tất nhiên không phải người viết lừa người đọc. Mà bởi ta hay bị thời gian đánh lừa. Modiano nhìn thấy thời gian, giống như bọn cá voi ngoài đại dương kia nghe được loại sóng hạ âm ta không nghe được; cá voi thì không, còn Modiano thì biết cách để kể cho ta về những sóng-hạ-âm-thời-gian ông đã thấy.
Hãy xem hai đoạn ngắn mở đầu của “chương” mở đầu tiểu thuyết Hoa của phế tích (từ đây trở đi những câu trích dẫn tô đậm là do người trích muốn nhấn mạnh):
Buổi tối Chủ nhật tháng Mười một ấy, tôi ở trên phố Abbé-de-l’Épée. Tôi đi dọc theo bức tường lớn của Học viện dành cho người câm điếc. Bên trái là tháp chuông nhà thờ Saint-Jacques-du-Haut-Pas cao cao. Tôi còn giữ kỷ niệm về một quán cà phê nơi góc phố Saint-Jacques, tôi hay đến đó sau khi xem phim, rạp Studio des Ursulines.
Trên vỉa hè, lá rụng. Hoặc cũng có thể là các trang đã cháy thui của một quyển từ điển Gaffiot cũ. Đây là khu phố của các trường và các tu viện. Vài cái tên cổ kính quay trở lại trong ký ức tôi: Estrapade, Contrescarpe, Tournefort, Pot-de-Fer… Tôi cảm thấy e sợ khi phải băng ngang những chốn tôi chưa từng đặt chân kể từ tuổi mười tám, hồi tôi còn hay lai vãng một trường trung học trên đồi Sainte-Geneviève.
Nhìn kỹ hơn, chỉ thêm một thoáng, vào hai câu tô đậm. Ta thấy sự kỳ lạ của liên tưởng này có điều gì đấy rất bất thường. Điều này, lập tức, và rồi ra, đều sẽ không thể giải thích cho rành rẽ; trong câu chuyện có nhiều khoảng trắng này chẳng hề có một đám cháy hay vụ đốt nào; tuy nhiên, chưa cần biết đến chuyện ấy cũng có thể cảm nhận đầy đủ cái niềm bất an mà nó khơi lên. Một nỗi bất an gây kinh ngạc, dẫu chỉ thoáng qua, đủ cho một ẩn dụ. Chú thích trong văn bản cho biết “từ điển Gaffiot” là một từ điển Latin rất nổi tiếng. Vậy là “các trang đã cháy thui” của một cuốn chỉ đường vào một cổ ngữ khét tiếng khó nhằn thì chẳng còn chỉ dẫn gì được nữa. Lá rụng trên vỉa hè, những cái lá đã chết đen thẫm lại, hoặc đen vì trong bóng tối của “Buổi tối Chủ nhật tháng Mười Một ấy,” thật vô nghĩa, phải không. Bởi vì đó chính là sự vô nghĩa - cái nút chặn hay bức tường ngõ cụt - khiến cho người ta phải ngừng bước hay ngừng một hướng nghĩ một hướng tìm v.v… Nhưng nếu tước bỏ sự vô nghĩa, thì mọi thứ nghĩa lý trên thế gian này sẽ chen nhau để vào cái chỗ vô nghĩa đó, ngay tức thì. Sẽ là như thế, giống như thế, nếu tước bỏ thời gian khỏi tồn tại - thì tồn tại sẽ thành thời gian; những địa danh và địa hình địa vật, những kiến trúc và những tuyến đường, cho đến quán xá với lề thói và tên đặc trưng, v.v… Modiano đều kể đến bởi chất lượng thời gian của chúng.
Và cái ý đó, một ý lớn, đã được đặt ngay mơ duya mở đầu của cái suite-giao hưởng về thời gian này: “Buổi tối Chủ nhật tháng Mười Một ấy,”. Mấy note về thời điểm đặc trưng ấy - “buổi tối Chủ nhật” - sẽ được nhắc lại nhiều lần. Lớp nghĩa gần nhất dễ luận ra của nó, sẽ được thấy, là nhắc lại một khoảng bất an, vì sáng hôm sau, thứ Hai, “Tôi” lại phải quay vào “cái lỗ” tức cái trường nội trú. Rất có thể mỗi thời điểm ấy tương ứng là một điểm bản đồ - “, tôi ở trên phố Abbé-de-l’Épeé.” Và các cuộc tìm kiếm của “Tôi” cứ miên viễn tỏa ra như sóng.
Ở đây, trên vỉa hè đại lộ Henri-Martin, tôi tự nhủ những buổi tối Chủ nhật mùa đông tại các khu phố phía Tây cũng buồn y hệt về phía Ursulines và trên quảng trường Panthéon băng giá.
Tôi cảm thấy nhói nơi hõm lồng ngực, một bông hoa với các cánh cứ lớn dần lên và khiến tôi ngạt thở. Tôi bị ghim chặt xuống mặt đất. May sao, sự hiện diện của các con gái tôi buộc tôi vào lại với hiện tại. Nếu không tất tật những buổi tối Chủ nhật xưa cũ, cùng chuyến quay trở về trường, chuyến băng ngang Rừng Boulogne, các tàu ngựa đã biến mất ở Neuilly, những ngọn đèn thắp đêm của phòng ngủ chung, những Chủ nhật ấy hẳn đã đè ngạt tôi bởi mùi lá khô của chúng. Vài cửa sổ sáng đèn trên những mặt tiền nhà bản thân chúng cũng là đèn thắp đêm mà hẳn người ta đã bật từ ba mươi năm nay, trong những căn hộ hoang vắng.
Bước chân vào tiểu thuyết này, các cái tên phố tên quảng trường tu viện quán cà phê rạp chiếu phim đã lập tức tạo nên hình dung một bản đồ, chỉ qua hai đoạn văn ngắn. Một bản đồ thời gian. Báo trước rằng những câu chuyện sẽ kéo lên cái lưới thời gian của chúng - không bắt cá, mà bắt người. Đừng chỉ nghĩ những thứ loại vật ấy là thời gian bởi kỷ niệm hay hồi ức - nếu chúng cứ tĩnh tại, dẫu một cách tương đối, như thế, chúng làm sao có tư cách làm thời gian. Phẩm tính thời gian của chúng nằm ở nỗi bất an - “Tôi cảm thấy e sợ khi phải băng ngang những chốn tôi chưa từng đặt chân kể từ tuổi mười tám,” Tại sao? Bởi chúng đều là những cuộn chỉ Arian dẫn vào những bấp bênh của quá khứ.
Tôi đi đến phố Ulm. Nó hoang vắng. Có tự nhủ rằng vậy thì đâu có gì kỳ cục vào một tối Chủ nhật, tại cái khu phố chuyên cần và nhiều chất tỉnh lẻ này, thì tôi vẫn tự hỏi mình có đang còn ở Paris hay không. Trước mặt tôi là vòm tròn của Panthéon.
Như thế có phải những điểm mốc hay dấu hiệu hiển nhiên bỗng chốc lát tỏ ra không đáng tin? Không phải thế. Nhưng tâm trí có những cách thức kỳ lạ để bảo ta rằng nó bất an. Cả “phố Ulm” và “vòm Panthéon”, trong một lúc “hoang vắng” này đều bỗng khơi lên tính không chắc chắn của hiện tại này - “tôi” có đang còn ở Paris hay không - là bởi những bấp bênh đang còn trong quá khứ. Mà nói cho ngay, quá khứ đâu phải đã qua, cũng tựa như những cái hốc bên dưới nền nhà vẫn cùng chia sẻ một cái hiện tại ngôi nhà.
Nó đây.
Thêm vài bước nữa, tôi bước vào quảng trường Estrapade. Tôi tìm số 26 phố Fossés-Saint-Jacques. Một tòa nhà hiện đại, kia, trước mặt tôi. Chắc hẳn tòa nhà cũ đã bị phá đi chừng hai mươi năm về trước.
Ngày 24 tháng Tư năm 1933. Cặp vợ chồng trẻ tự sát vì những lý do bí hiểm.
Đúng là một câu chuyện lạ thường, những gì đã xảy ra đêm qua trong tòa nhà số 26, phố Fossés-Saint-Jacques, gần Panthéon, ở nhà ông và bà T.
Ông Urbain T., kỹ sư trẻ tuổi, tốt nghiệp thủ khoa trường Hóa học, cách đó ba năm lấy cô Gisèle S., hăm sáu tuổi, hơn ông một tuổi. …
Hai mươi năm về trước, hay là hơn ba mươi năm - đấy vẫn thuộc về bầu không khí những “buổi tối Chủ nhật”; một vụ tự sát “vì những lý do bí hiểm” “đã xảy ra đêm qua”… Cách trình hiện thời gian của Modiano luôn đặc biệt như thế. Quá khứ lại thình lình xảy đến trong một ngữ cảnh hiện tại. Nhưng “Nó chỉ rọi sáng một mảnh nhỏ của décor, một giây phút đơn lẻ, mà để những gì còn lại trong bóng tối, ” trong sự bấp bênh vốn dĩ của tất cả những gì mà thói quen liệt vào hàng quá vãng, chẳng hạn như “lịch sử”. Modiano cho ta thấy sự “qua” của thời gian thực tế là một “dòng rối” turbulence trong xoáy ngược xuôi rồi lại ngược. Những nỗi bất an bất tận.
Nói thời gian như là nỗi bất an, tức thời gian là người. Một phương diện của sự thật về con người nằm ở thời gian tính của nó. Ở câu chuyện thứ nhất này, lời kể không giải thích vì sao “Tôi” đi đến phố Fossés-Saint-Jacques tìm tòa nhà số 26. Thì ở đấy có hiện trường đã mất của một vụ tự sát bí ẩn mấy chục năm về trước; nhưng mối liên quan nào trước đã dẫn bước “Tôi”? Tình tiết này gợi lên rằng câu chuyện tổng thể trong tiểu thuyết này - bao gồm nhiều “lát cắt” - là một “lát cắt”; mà cái ấn tượng nó khơi lên lại là tính liên tục của hết thảy mọi gián đoạn trên đời - sự thật thì không gián đoạn. Tất cả đều kết nối vào nhau. Và như có thể thấy trong tiểu thuyết này, điển hình như ở các đoạn kể chuyện “Tôi” gặp “người phụ nữ Đan Mạch”, rất có vẻ lửng lơ hơn hết, nhưng nối mạch ba câu chuyện chính, những kết nối rất nhiều khi tựa hồ vô hình hoặc lẫn vào ẩn trong nhiều kết nối khác, mà đều bằng đường dẫn qua những địa danh của Paris, nơi những địa điểm luôn luôn ghi dấu sự trùng khớp hay trùng mà không khớp, tựa như những điểm nén, một cái compact-disk, mà những liên hệ ấy luôn luôn lẫn hay ẩn một cách chất chồng, nhưng chỉ cần nhìn vào, chúng dần hiện rõ rệt như những lớp trầm tích đan vào nhau. Đấy chẳng phải thời gian hay sao.
Cần phải gọi được tên nó trên dòng thay đổi. Tên nó là những địa danh, tên tòa nhà và quảng trường, những sông, những chuyến tàu, nhà ga và các hệ thống đường tàu, cứ thế. Và tất nhiên, tên nó là người, những người: hoặc đơn giản nhiều lúc chỉ là “bố tôi”, hay “người phụ nữ Đan Mạch”, hoặc đậm mùi xã hội như “băng đảng phố Lauriston”.
Về sự tạo nghĩa của tất cả những thứ ấy, “Tôi” đã có một nề nếp, theo một phương tiện:
Ánh mắt chúng tôi giao nhau, ánh mắt ông cũng vẫn trống trải như lệ thường. Một mình tôi sẽ phải giải cái câu đố mà người đàn ông kia đặt ra. Pacheco. Philippe de Bellune. Với sự trợ sức của hai cái tên ấy, tôi sẽ phải tìm ra các chi tiết khác về ông. Ngay từ hồi đó, để kiếm chút tiền vặt, tôi đã bắt đầu mua đi bán lại những lô sách, nhiều loại phiếu ghi chép, rồi thì đủ bộ các tạp chí. Tôi loay hoay tìm cách khám phá cái tên Bellune và Pacheco nơi tận sâu các danh bạ và báo cũ qua tay tôi, như một người chuyên nhặt rác với cái móc của mình lục lọi trong đống rác thải.
Bằng cách ấy tôi đã thu thập được vài thông tin:
Đấy là phần dễ hiểu hơn cả về lẽ vì sao trong Hoa của phế tích có nhiều đến thế những cái tên của phố đại lộ nhà cửa ga ra quán cà phê, v.v… - “Tôi” tựa như một người sưu tầm. Nhà sưu tầm này không chất lên những bộ sưu tập. Anh ta sưu tầm Paris; bộ sưu tập duy nhất của anh ta là Paris. Và anh ta phải không ngừng sắp xếp lại mọi thứ trong đó, bởi cái ngăn nắp giả tạo của cảm giác ta quen gọi là thời gian, sự tuần tự trá hình của đủ thứ chuyện đời, thường xuyên che giấu hay che khuất, ít cũng tạm thời, cái trật tự xáo trộn hay là thậm chí hỗn độn của thực tại. Cũng có, mà không ít, những điểm chết, nơi một lớp của thời gian biến mất vào trong chính nó.
Rốt cuộc tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không gặp lại ông nữa. Sự tình cờ đã muốn rằng, trong một lô báo cũ của những năm 1946 và 1948, tôi rơi trúng hai ô báo. Cái thứ nhất nói đến một danh sách những người bị truy nã vì các hoạt động của họ thời Chiếm đóng. Trong số đó có “Philippe de Bellune, biệt danh ‘de Pacheco’, hẳn đã chết hồi năm ngoái sau khi bị nhốt ở trại Dachau”. Nhưng người ta thể hiện nghi vấn về cái chết đó. Hai năm sau, năm 1948, một tờ báo đăng ở phía cuối trang một bản danh sách khác gồm những người bị cáo buộc đã không đến trình diện tại phiên xử của một tòa án, và họ bị truy nã: số ba của danh sách là “Philippe de Bellune, sinh ở Paris ngày 22 tháng Giêng năm 1918, không biết địa chỉ nơi ở”. Điều này muốn nói rằng vào thời điểm ấy cái chết của ông vẫn chưa được xác nhận.
Số phận của một người bị truy nã vì thông đồng với kẻ thù, mà người ta không biết có sống sót sau trại Dachau hay không khiến tôi bối rối. Do kết hợp các hoàn cảnh như thế nào mà ông bị lôi kéo để rơi vào tình thế mâu thuẫn như thế? Tôi nghĩ đến bố tôi, người từng trải qua tất tật những bấp bênh của thời Chiếm đóng và đã gần như chẳng hề nói gì cho tôi biết trước khi chúng tôi chia tay nhau mãi mãi.
Đó là một đoạn về cuối của câu chuyện thứ hai trong tiểu thuyết này - chuyện về Philippe de Bellune hay de Pacheco. Cái ông tên là Pacheco thực ra không có mặt trong câu chuyện, chỉ có được một thoáng lướt qua tựa hồ một bóng ma, trong lời kể ngẫu nhiên của một nhân chứng muộn (nhân chứng nào chẳng muộn!). Nhưng cái tên Pacheco thì có được sự hiện diện rõ ràng, hơn thế còn là một hiện diện đầu mối mang cái dấu chỉ về một lớp thời gian đã bị che khuất - hai cuộc đời dưới một Pacheco. Thế nên, khi ta cứ gọi tên một người và tìm kiếm người ấy theo chỉ dấu của cái tên ấy, thì đó có phải một hiện diện của cái người ấy không? Có; và không. Nhưng bởi hiện diện tạo ra thời gian; bất kỳ hiện diện nào cũng vậy; không có hiện diện thì thời gian mất; cho nên, hẳn là thế hay phải chăng là thế, mà “Tôi” cứ tìm kiếm hiện diện thật của ông ta.
Thời ấy, ông ta được gọi là Philippe de Bellune. Kỳ Chiếm đóng vụt tới, với tất tật những người kia, cả họ nữa, cũng mang những cái tên kỳ cục và tước hiệu quý tộc giả mạo. Sherrer biệt danh “Đô đốc”, Draga, bà de Seckendorff, nam tước de Kermanor…
Phần tối thiểu, mà mặt khác là phần nhất thiết điền đầy cho một hiện diện, ta không ngừng gặp trong những tìm kiếm này, cũng lại gợi lên những câu hỏi tại sao cái tìm kiếm này, là cái tên, chẳng hạn như “những cái tên kỳ cục và tước hiệu quý tộc giả mạo” đó; dù tất lẽ, không chỉ có vậy.
Các tước hiệu quý tộc là một thức hiện diện đặc biệt của thời gian: nó luôn luôn đi ngược, về quá khứ, ngay cả từ trước khi một tấm gia huy mới ra đời. Điều ấy hầu như ai cũng hiểu. Nhưng ở đấy còn có một gợi ý: việc đi ngược thói quen có thể mở ra, một và những, chiều khác, của thời gian. Trong chừng mực quan tâm chung, cho đến những mộng tưởng riêng, hoặc táo bạo khao khát, người ta đi ngược về xuôi trên thời gian, đúng hơn là theo-thời gian. Nhưng có phải thời gian chỉ có đi ngược về xuôi như thế? Không. Mỗi sự biến mất đều mở ra một chiều khác. Chẳng phải cảm giác bấp bênh sẽ thể hiện thành một đồ thị ngoằn ngoèo hay sao. Chẳng phải nỗi bất an luôn đưa thẳng đến vùng phụ cận của cái chết hay sao. Thời gian mang tính sóng.
Và “Tôi” đi con đường đa bội của thời gian, từ Tả ngạn sông Seine sang bên Hữu ngạn, từ Paris vào Paris cổ hiện tiền, mà chẳng phải con đường đơn thuần hồi cố, truy tầm ký ức theo lối nhớ lại những êm hay xóc cái bánh hay hòn đá hay commonplace nước mắt với nụ cười. “Tôi” không đi lối thời gian-thánh bổn mạng của trật tự thông dụng. “Tôi” đi lối con-quỷ-thời-gian. Những cái tên bị truy nã vì “cộng tác với kẻ thù”, những kẻ đội tên, ai đó đã làm cho ai kia “tự sát bí ẩn”, những đàn bà phóng túng lịch lãm, tử tế và độ lượng, những vị khách mang tước quý tộc chẳng biết giả mạo hay không đi săn trộm thú rừng về bán cho những khẩu vị tinh tế Pa ri diêng, những biệt danh nghe đến đủ biết Ai là Ai, như Thiên thần Lái ngựa, tất cả, một lưới thần kinh trong mạng thần kinh của thành phố, một nơi mà những chỗ để biến mất luôn luôn hiện diện.
Trong tiểu thuyết này, những câu chuyện của “Tôi” cũng vậy - chúng biến mất. Trên tấm bản đồ hiển nhiên này của Paris, chúng cứ thế biến mất. Trong cái lưới, ắt là một thứ lưới vét, mà bản đồ ấy thả những đường phao tiêu, ngay đến sự biến mất cũng có thể mất.
Như một người thợ sơn hay một nhà phục chế, thì cũng vậy, dù chẳng hề như vậy, Modiano, cứ tạm hình dung thế đi, cầm một cái bay nhỏ, thận trọng thong thả cạo đi một lớp vữa trên một cột tường, để lộ ra, bên dưới hay bên trong nó, một cái biển hàng hay một phù điêu gia huy tất nhiên phải gọi là cũ; nhưng trong cái thế gian này có cái gì thật sự là “cũ” chứ.
Kỷ niệm về Jacqueline trồi lên trở lại từ những vũng nước mưa và các ngọn đèn bật sáng chẳng để làm gì trên những cửa sổ tòa nhà. Tôi không biết nàng còn sống ở đâu đó hay chăng. Lần cuối cùng tôi gặp nàng cách đây đã hai mươi tư năm, trong sảnh Ga Tây, ở Viên. Tôi sắp rời thành phố đó để quay về Paris, nhưng nàng muốn ở lại. Chắc nàng còn ở thêm một thời gian trong căn phòng trên Taubstummgasse đằng sau nhà thờ Saint-Charles, và rồi tôi cho đến lượt mình nàng cũng đã lên đường đến những cuộc phiêu lưu mới.
Có phải khiên cưỡng quá đáng không khi nghĩ rằng “những vũng nước mưa” kia cũng có tên, mà chẳng phải chỉ có một cái tên. Không. Bởi chẳng phải ai đi qua “trong sảnh Ga Tây, ở Viên,” cũng biết nó từng có ít ra những khoảnh khắc dường như tên là sảnh “Jacqueline”; hay cho là ít hơn nữa đi: những khoảnh khắc tên là “Jacqueline”.
Nguyễn Chí Hoan
Nguồn: https://nhilinhblog.blogspot.com