Dịch giả Huỳnh Phan Anh - dịch giả nổi tiếng của văn học miền Nam trước 1975
Huỳnh Phan Anh sinh năm 1940 tại Bình Dương, nguyên là một giáo sư triết học. Ông tự nhận mình là “nhà giáo đi lạc vào văn chương”, tuy nhiên cuộc đi lạc của ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị từ sáng tác, phê bình cho đến dịch thuật. Huỳnh Phan Anh bước vào địa hạt văn chương bằng những tác phẩm phê bình văn học: Văn chương và kinh nghiệm hư vô (Hoàng Đông Phương, 1968), Đi tìm tác phẩm văn chương (Đồng Tháp, 1972) và sáng tác Người đồng hành (Đêm Trắng, 1969). Tuy nhiên dấu ấn của ông chủ yếu trong lĩnh vực dịch thuật với nhiều tác phẩm đáng chú ý mà cho đến nay vẫn khó có bản dịch nào vượt qua được.
Một vài dịch phẩm của Huỳnh Phan Anh. Ảnh: zzzreview.com
Huỳnh Phan Anh chủ trương nhóm Đêm Trắng cùng với nhà xuất bản Đêm Trắng, tập họp và xuất bản các tác phẩm của một số cây bút cùng thời như Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Xuân Hoàng. Trước năm 1975, Huỳnh Phan Anh thường công tác với bán nguyệt san Văn, tạp chí Vấn Đề, Khởi Hành… và đóng góp nhiều tiểu luận phê bình cho các tạp chí này. Nhiều dịch phẩm nổi tiếng của ông cũng ra đời trong giai đoạn này như: Tình yêu và tuổi trẻ (Valery Larbaud, Lạc Việt, 1973), Tình yêu và lý tưởng (Thomas Mann, Ngày Mới, 1974), Tình yêu bên vực thẳm (E. M. Remarque, Ngày Mới, 1973), Chuông gọi hồn ai (Ernest Hemingway, Tổ hợp Gió, 1972), Lạc lối về (Heinrich Böll, Khai Hóa, 1972), Chuyến viễn hành trong đêm (Heinrich Böll, Vàng Son, 1973), Tình cuồng (Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật, Ngày Mới, 1973)…
Bìa tiểu thuyết "Lạc lối về" mới được tái xuất bạn đọc tháng 7/2018
Sau năm 1975, Huỳnh Phan Anh tiếp tục hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực dịch thuật với nhiều tác phẩm dịch đáng chú ý như: Sa mạc (J. M. G. Le Clézio, Hội nhà văn, 1997), Ảo ảnh (Thomas Mann, Văn học, 1998), Cỏ (Claude Simon, Hội nhà văn, 1998), Thế giới của Sophie (Jostein Gaarder, Văn hoá thông tin 1998, Nhã Nam tái bản 2015), Bãi hoang (Jean-René Huguenin, Đồng Nai, 2001), Rimbaud toàn tập (Arthur Rimbaud, Văn hóa Sài Gòn, 2006)… Có thể thấy Huỳnh Phan Anh rất chú trọng đến việc chọn tác phẩm và tác giả dịch thuật, do đó hầu hết những bản dịch đều được độc giả đánh giá cao và tích cực đón nhận.
Trích từ bài viết "Mặc Đỗ & Huỳnh Phan Anh: Những tài năng đa dạng" của tác giả Ngô Thanh Tuấn/Nguồn: zzzreview.com