"Dưới mái hiên đêm, những khách lạ": Giấc mơ soi chiếu thực tại
PNO - Xuyên suốt mười truyện trong tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Hiền Trang, nhân vật lần lượt hiện ra trong những bối cảnh, không gian, thời gian thấp thoáng dáng dấp một giấc mơ trong tiềm thức.
Dù nhan đề tập truyện đã in đậm từ “khách lạ”, nhưng khi đọc, ta nhận ra đó đều là “khách quen”: Vincent van Gogh, Elvis Presley, William Shakespeare, Marco Polo, hay gần gũi với người Việt hơn là Nguyễn Tuân, Nguyễn Du, vua Hàm Nghi. Điểm độc đáo của tác phẩm nằm ở yếu tố quen mà lạ. Xuyên suốt mười truyện ngắn, nhân vật lần lượt hiện ra trong những bối cảnh, không gian, thời gian thấp thoáng dáng dấp một giấc mơ trong tiềm thức.
Tuy nhiên, đó không phải những giấc mơ kỳ vĩ, sắc nét, được xây dựng bằng một chuỗi quy tắc nghiêm ngặt như trong phim bom tấn Inception. Những giấc mơ mà Hiền Trang đặt nhân vật của mình vào, vừa lồng trong thực tại, vừa đối ứng với thực tại.
Chúng thật, nhiều khi thật đến tàn nhẫn, nhưng lại cũng mơ hồ, kỳ bí. Chúng không đưa ta đến thế giới khác, mà soi chiếu chính thế giới này bằng một lăng kính huyền ảo, với tham vọng khám phá, bóc tách những gì nằm ẩn sâu dưới lớp vỏ bên ngoài.
Trong Dưới mái hiên đêm, những khách lạ, giấc mơ là những khoảnh khắc phù du của cuộc đời, nhưng lại gắn liền với nỗ lực nhìn thấu những ẩn ức cá nhân và khám phá bản thể con người. Ở đó, các bậc vĩ nhân hiện ra lạ lẫm không chỉ với chúng ta mà còn với chính họ.
Van Gogh vẫn là Van Gogh vẽ Hoa hướng dương và Đêm đầy sao, Nguyễn Du vẫn là Nguyễn Du trải qua mười năm gió bụi để viết Đoạn trường tân thanh, Elvis Presley vẫn là ông hoàng nhạc rock. Thế nhưng, sâu bên trong họ lại có những nỗi buồn ngự trị, những nỗi buồn có thể ăn mòn cả tâm hồn và thể xác, những nỗi buồn vừa là nỗi niềm cá nhân vừa như thứ di chứng tinh thần của cả thời đại.
Bị đè nén trong những tâm tư đó, đến một lúc, người ta chẳng còn nhận ra chính mình. Trong truyện Đêm sau cái chết luôn là một đêm dài, Elvis Presley nhận ra kẻ xa lạ nhất trên đời đối với anh là chính anh:
“… rằng bao nhiêu năm qua anh đã hết mình cho một thứ gì đó mà nó không phải anh (hay anh không phải là nó nhỉ), dù anh và nó đã rất rất gần trùng khớp nhưng vẫn có một cái gì đó bị chệch, một cái mép thừa bị dôi ra, một cái ốc vít bị kênh, một đường cắt hỏng…”.
Nếu liên hệ đến nghịch lý nổi tiếng về con tàu của Theseus, tác giả Hiền Trang đã cho ta câu trả lời: Chỉ cần thay một bộ phận dù là nhỏ nhất, con tàu mà ta có đã vĩnh viễn trở thành con tàu khác. Bởi vậy, có lẽ ta không bao giờ trả lời được câu hỏi ta là ai, vì giống như quan niệm vô ngã của nhà Phật, ta liên tiếp trở thành một cái gì đó khác cái mà ta tưởng có thể định nghĩa chính mình.
Con người luôn thay đổi, cuộc sống cũng không bao giờ dừng lại. Với nhận thức rõ nét về sự hữu hạn của thời gian, ký ức, kiếp người, cuốn sách nhỏ này trở thành nơi lưu giữ những “báu vật của đời” mà ta luôn đánh mất. Đó là khoảnh khắc của sự đốn ngộ về cái đẹp, của sự lãng du và sự mơ, sự tìm kiếm một đấng tối cao không có thật, sự soi bóng mình trong cái vĩnh cửu của vũ trụ.
Cũng với một tinh thần hiện sinh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết những câu đầy ám ảnh trong ca khúc Giọt lệ thiên thu: “Sống chết mong manh/Như thân cỏ hèn/Mọc đầy núi non”. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản ông đi, yêu, nhung nhớ và mơ, sống vội như để hút hết những mật ngọt và trái đắng của cuộc đời.
Các nhân vật của Hiền Trang cũng tương tự, đều trải qua đau khổ, nhưng đến tận cùng thì vẫn yêu cuộc sống và khao khát được hạnh phúc. Đằng nào thì ta cũng chỉ có cuộc sống này, sao không thử yêu nó hơn?
Tác giả Hiền Trang |
Bên cạnh nội dung chỉn chu, giàu chất chiêm nghiệm, tác giả cũng cho thấy sự dụng công đáng kể đối với nghệ thuật kể chuyện, bởi suy cho cùng, văn chương vẫn là kể được một câu chuyện hay. Cùng với đó, giọng văn uyển chuyển, linh hoạt, giàu mỹ cảm vốn là thế mạnh của Hiền Trang từ những cuốn sách trước tiếp tục được phát huy.
Về mặt cấu trúc, Dưới mái hiên đêm, những khách lạ khước từ sự mạch lạc. Việc xóa mờ ranh giới giữa hiện thực và ảo mộng trong tác phẩm không chỉ thể hiện ở những chi tiết hoang đường, kỳ ảo, mà còn ở những biến tấu trong cách kể chuyện. Xuyên suốt cuốn sách là những ý niệm không liền mạch, những sự xáo trộn, chồng lấn có chủ đích về mạch truyện và ngôi kể.
Rất ít câu chuyện cung cấp dưới hai điểm nhìn, hai nhân vật cùng kể chuyện. Đặc biệt ở chỗ nhân vật nhiều khi không phải con người, mà là… đủ thứ: một bến tàu, một thành phố, một cái máy quay, một đầu mẩu thuốc lá, một vai diễn (Trong hư vô một người khách qua đường), hay thậm chí là những bông hoa và cô gái trong tranh (Đêm đầy sao). Cách kể này như để nói rằng, cuộc đời ta (và họ) không nằm trong bất cứ cuốn sách tiểu sử nào, mà thuộc về những chi tiết nhỏ bé, vụn vặt, thoáng qua nhất.
Ở truyện Tháng Bảy gặp cái bóng Ốc Sên, một người viết như Hiền Trang có lẽ cũng giống như nhân vật chính, đi câu mà không mong gặp cá, viết mà không mong nhận lại gì, ngoại trừ sự đồng cảm của người đọc. Bởi viết không phải là hướng đến hào quang cá nhân, mà để dệt nên cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa hơn từ những vụn vỡ, hư không.
Minh Trang
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/duoi-mai-hien-dem-nhung-khach-la-giac-mo-soi-chieu-thuc-tai-a1421427.html
Tin cùng chuyên mục
-
Lê Khải Việt khởi sự từ góc nhìn sử liệu
(11/11/2020 10:27) -
Âm nhạc và văn chương - Muôn mặt Murakami
(11/11/2020 10:27) -
“Đố kỵ”: Một bí ẩn mang tên con người
(11/11/2020 10:27) -
Nguyễn Hàng Tình - "Người có trái tim trên miền cao nguyên"
(11/11/2020 10:27) -
Đà Lạt - Vẻ đẹp hương xa
(11/11/2020 10:27) -
Thủ pháp gương soi: Từ Haruki Murakami đến dịch giả Jay Rubin
(11/11/2020 10:27) -
Nhịp thở chao nghiêng: Herta Müller và ngôn ngữ riêng
(11/11/2020 10:27) -
Herta Müller không để lịch sử bị bỏ rơi
(11/11/2020 10:27)