Juan Rulfo là một trong những tác gia lớn của văn học Mỹ Latinh. Tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng cho Gabriel Garcia Márquez và nhiều nhà văn khác của tân lục địa.
Ở Mỹ, ông được The New York Times đưa vào nhóm “bất tử”, được Susan Sontag ngợi khen như “bậc thầy kể chuyện” đã sáng tạo ra một “kiệt tác văn chương của thế kỷ XX”.
Sách Bình địa trong lửa do Phan Book và NXB Hội Nhà văn phát hành. Ảnh: Y Nguyên. |
Một lãnh thổ chưa được minh định
Tập truyện Bình địa trong lửa của Juan Rulfo vừa được phát hành tiếng Việt, là tác phẩm thứ hai của ông được xuất bản ở Việt Nam sau tiểu thuyết Pedro Páramo.
Bình địa trong lửa (El Llano en Llamas) ra mắt lần đầu năm 1953. Đến năm 1970, tác giả bổ sung hai truyện mới, nâng tổng số lên 17 truyện như ta thấy trong bản tiếng Việt.
Có lẽ, cách tốt nhất để thâm nhập thế giới mà Juan Rulfo bày ra, một lãnh thổ chưa hề được minh định, là tránh khỏi sự ồn ào của tác giả lớn, người đã tự thú: “Trong cuộc đời tôi, có nhiều sự im lặng”.
Sự im lặng, cũng chính là thứ bao phủ vùng “Bình Địa” theo một nghĩa nào đó. Ở vùng đất khắc nghiệt này, con người chỉ còn lại sự im lặng, khi địa hình hiểm trở, bầu trời và mặt đất đều xa lạ, ngay cả một cái cây cũng không có.
Chính trong sự im lặng đó, người đọc có thể chìm vào vùng đất, lắng nghe âm thanh của đêm tối, như người cha muốn đứa con trai bị thương lắng nghe tiếng chó sủa sau rặng núi. Tiếng chó sủa hay tiếng vó ngựa của những kỵ sĩ mang súng trường lướt đi trong đêm tối vùng “Bình Địa” là âm thanh của sự im lặng đầy xáo trộn từ một thực tại chết chóc.
Sự im lặng càng rùng rợn hơn khi người thầy uống bia nói về vùng đất “Luvina”. Đó là một vùng đất chết.
Nhà văn Juan Rulfo. Ảnh: Uartes.edu. |
Giữa im lặng là hiện thực hỗn loạn
Nếu toàn tập truyện tràn ngập bởi chết chóc, điều vượt lên cái chết lại chính là sự im lặng. Những cái chết diễn ra quá dễ dàng và thường xuyên, đến nỗi giọng kể của những nhân vật ngôi thứ ba không hề tỏ ra một cảm xúc gì rõ rệt. Chỉ có sự im lặng tuyệt đối từ cây rựa của “Người đàn ông” trong truyện cùng tên, khi chém xuống những kẻ đang ngủ trong ngôi nhà, mới khiến hắn nghe được tiếng nói của chính hắn.
Trong sự im lặng như bao phủ bên trên và đồng thời như một mạch ngầm lưu chuyển bên dưới lãnh thổ chưa được vẽ bản đồ này, những cái chết, bạo lực và sự nghèo khổ của những cư dân trở thành một dòng chảy tất yếu và bất biến.
Do đó, không còn ai thắc mắc vì sao giữa sự im lặng lại có thể tồn tại một hiện thực hỗn loạn và đáng sợ như thực tại xuyên suốt toàn tập truyện nữa. Đây là cảm thức mà chỉ những tác giả thiên tài mới tạo nên được.
Vì thế, có lẽ không ai thắc mắc vùng “Bình Địa” có phải chính là vùng trung tây của bang Jalisco, Mexico, nơi Rulfo lớn lên hay không.
Liệu vùng đất riêng của William Faulkner có dính dáng gì và gây ảnh hưởng như thế nào đến “Bình Địa” của Rulfo, nơi cũng có nhiều nhân vật ngờ nghệch và khuyết tật?
Trong hai truyện bổ sung năm 1970, người ta cũng có thể tự hỏi ngày 21/9 có quá gần ngày 23/9 của phong trào cách mạng vào những năm cuối thập niên 1960 ở Mexico hay không?
Và một người đọc thông thường có nên biết bối cảnh xã hội của giai đoạn nằm giữa Cách mạng Mexico (1910-1920) và Cuộc chiến Cristero vài năm sau đó hay không? Liệu câu chuyện về “El Norte” - vùng đất phía Bắc - có tính tiên tri về một hàng rào ngăn biên giới thời Donald Trump hay không?
Đương nhiên, mỗi người đọc đều có thể tự tìm kiếm ý nghĩa những biểu tượng nhan nhản trong tập truyện. Nhưng về khía cạnh văn chương, Bình địa trong lửa đơn giản chỉ là lãnh thổ bị sự im lặng thống trị, mà ở đó nghệ thuật truyện ngắn của Juan Rulfo đã biến nó thành một kiệt tác đầy nhân bản và những khách lạ lai vãng cho dù đến từ đến từ không gian, thời gian nào vẫn có thể bị hút vào và nuốt trọn bởi khí hậu văn chương của Juan Rulfo, thứ văn chương sáng sủa nhưng cay buốt như loại rượu nấu từ xương rồng Mexico.