Nhà văn Thuận: Tôi không ham hố hướng dẫn đám đông
Thuận: "Nói cho cùng, viết cũng lương thiện như mọi nghề khác, và không gì có thể thay thế được những đêm dài lao lực."
Thư gửi Mina - cuốn tiểu thuyết thứ 8 của nhà văn Thuận (Paris) vừa ấn hành đã lập tức được chú ý vì chạm vào vấn đề nóng: di dân, tị nạn và lối viết trực diện, phóng khoáng.
Là một nhà văn có kỷ luật "sắt thép" trong lao động chữ nghĩa, mỗi một đến hai năm, ngoài các dịch phẩm, Thuận lại cho ra đời một tiểu thuyết mới. Các tác phẩm của chị không ồn ào theo kiểu sách bán chạy nhưng luôn gây bất ngờ với độc giả về lối viết, nghệ thuật tiểu thuyết.
Chị dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi thẳng thắn xoay quanh tác phẩm mới.
Những vết thương được băng bó tạm bợ
* Trước hết, phải nói rằng hình thức tiểu thuyết được cấu thành từ những bức thư không phải là mới. Nhưng ở Thư gửi Mina dễ nhận ra đó không phải là những bức thư "đơn tuyến", mà từ rất nhiều mảnh ghép "đa tuyến" (thư nhân vật Pema gửi cho người tình, thư nhân vật Th gửi cho cô bạn Afghanistan) và cả những bản tin chiến sự, thời sự...
Hẳn khi viết, chị đã phải căng lên một sơ đồ chi tiết để vừa có thể uyển chuyển giọng điệu lại vừa đảm bảo quán xuyến chủ đề một cách mạch lạc?
- Hơn 10 năm trước, trong Paris 11 tháng 8, những trích đoạn thời sự đã từng được lồng vào từng chương của tiểu thuyết. Khi viết Thư gửi Mina, tôi lại nghĩ tới phương pháp này, mục đích đúng như bạn nói: để cho câu chuyện trở nên "đa tuyến".
Báo chí là một hình thức đưa tin trực tiếp, nhạy bén và đa chiều mà nhiều khi văn chương khó theo kịp. Để đảm bảo mạch chính, thư cho Mina viết đầu tiên, sau đó những tài liệu về Afghanistan được cài đặt xen kẽ.
Cuối cùng, vẫn lo ngại cho sự "đơn tuyến", tôi đành viết thêm thư tình, thư của nhân vật Pema gửi chàng phóng viên tác nghiệp ở chiến trường Kabul. Thể loại mà ai cũng viết được hóa ra là một thử thách với nhà văn. Tôi phải tìm cho nó một giọng điệu khác.
Cuối cùng, có vẻ như nhờ những dòng chữ ngây dại đó mà cấu trúc Thư gửi Mina được gia cố, và nhân vật Pema cũng trở nên phức tạp hơn.
* Không gian địa lý trong cuốn tiểu thuyết này lấy Paris làm trung tâm để nhìn về cuộc chiến Afghanistan, điểm nóng của chiến tranh - tị nạn, và liên tưởng đến một bối cảnh tương đồng trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Phép đối chiếu đó, nhìn từ thân phận di dân, không lệch pha. Di dân lại đang là vấn đề nóng bỏng của văn học thế giới đương đại. Liệu đây là sự khéo léo đón bắt khuynh hướng văn học hay nội tại vấn đề di dân, căn tính người Việt thời hậu chiến đã đến lúc phải được nhìn lại?
- Liên hoan Cannes năm nay vinh danh các tác phẩm có đề tài di dân (giải đạo diễn cho Cậu bé Ahmed của Jean Pierre & Luc Dardenne, giải Grand Prix cho Đại Tây Dương của Mati Diop...).
Nhưng trong thực tế, chỉ thời gian gần đây khi bị tấn công bởi chính những chiến binh IS sinh ra và lớn lên trong lòng mình, phương Tây mới quan tâm đến vấn đề nhập cư.
Tôi thì khác, ngay từ khi đặt chân đến Paris hơn hai mươi năm trước, tôi đã nhận ra cái hố ngăn cách giữa dân bản xứ và người nước ngoài. Trong 8 tiểu thuyết, tôi liên tục phân tích và thử tìm cách lý giải.
Các nhân vật di dân, đến từ những văn hóa và tôn giáo khác nhau, trở đi trở lại nhức nhối như những vết thương chỉ được băng bó tạm bợ để giấu đi những yếu ớt của một xã hội Pháp ngày càng bị chia rẽ bởi cũ và mới, giàu và nghèo, rộng lượng và hẹp hòi, chân thành và giả dối...
Một cách thổ lộ trực tiếp
* Thư gửi Mina còn có một yếu tố khác, gây bất ngờ với những ai đã từng đọc những tiểu thuyết trước đây của Thuận: sự nóng bỏng, thông điệp khá trực tiếp (cho dù là thông qua ngôn ngữ của nhân vật).
Phải chăng khung cảnh thế giới truyền thông đã ít nhiều tác động đến chị trong quá trình viết cuốn sách này?
- Thế kỷ 21 không ai còn có thể đứng ngoài truyền thông, mà tôi thì muốn sống đúng với thời đại của mình. Trước đây, văn chương có quyền năng rất lớn, đó gần như là thứ duy nhất mà người ta thưởng thức về mặt tinh thần, trong xã hội nhà văn đóng kèm các vai nhà tư tưởng, nhà sư phạm, nhà triết học...
Tuy vậy, tôi không mất công ghen tị với các tác giả trong quá khứ. Tôi cũng không ham hố việc hướng dẫn đám đông. Tôi chỉ muốn gửi đến một số độc giả những cảm nhận về đời sống và thời cuộc, theo những cách của riêng tôi.
Thư là một cách thổ lộ trực tiếp.
Bạn thấy đấy, nhân vật chính có một kho chuyện không thể chia sẻ ngay cả với người mình yêu, nhưng lại không giấu giếm bất cứ điều gì trước Mina.
Hơn nữa, thư còn là một cách lý tưởng để thay đổi mạch viết, giúp tác giả đi rất nhanh từ chuyện này sang chuyện kia. Vâng, chỉ ngoài đời mà muốn đi từ Paris đến Matxcơva hay Kabul, Sài Gòn, Hà Nội... mới phải xin visa và mua vé, chứ trong Thư gửi Mina, tôi di chuyển không khác Tề Thiên Đại Thánh.
* Nỗi buồn, sự u uất luôn được phủ lên bởi lớp ngôn từ hài hước đen. Đó là sắc thái các bức thư mà nhân vật nhà văn Th gửi cho cô bạn Mina. Chị nghĩ gì về tiếng cười trước những vết thương ký ức cộng đồng?
- Lấy nước mắt của độc giả không khó. Những câu chuyện buồn mà lại được kể với một giọng buồn thì người viết và người đọc chỉ còn biết ôm nhau nức nở. Tôi muốn một độc giả tỉnh táo.
Khi Thư gửi Mina đến tay người đọc Việt Nam, ngay lập tức tôi nhận được hồi âm.
Độc giả gửi tặng tôi những bức ảnh chụp cuốn sách, nhiều người nói họ không hiểu hết những thay đổi trong văn phong của tôi nhưng họ hiểu cái gì cũng cần thay đổi.
Tôi luôn cố lạnh lùng trước ý kiến của người khác, nhưng họa là đá mới bình thản nổi trước những phản ứng tích cực như thế: đó là dấu hiệu của một công chúng chín chắn và nhờ thế mà môi trường văn chương trở nên lành mạnh.
Nói cho cùng, viết cũng lương thiện như mọi nghề khác, và không gì có thể thay thế được những đêm dài lao lực.
Thuận
Nguyễn Tường
Theo Tuổi Trẻ