Nhà văn Trần Thùy Mai: “Tác phẩm là hình chiếu của tâm hồn”
Tháng 11.2020, tuyển tập truyện ngắn Thương nhớ hoàng lan ra mắt (Phanbook và NXB Phụ Nữ Việt Nam ấn hành), kết tinh sự nghiệp của Trần Thùy Mai ở thể loại truyện ngắn. Nhân sự kiện Thương nhớ hoàng lan đang gây chú ý dư luận, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thùy Mai về văn chương trong một năm đầy biến động.
Đã hơn một năm từ lần trò chuyện với nhà văn Trần Thùy Mai nhân dịp ra mắt Từ Dụ Thái hậu. Chị có nhận định nào về sự đón nhận của độc giả với tác phẩm của mình trong thời gian qua?
Ở đâu trên khắp thế giới người ta cũng đang báo động về sự suy thoái của văn hóa đọc. Nhưng điều hạnh phúc cho người viết tiếng Việt là ở Việt Nam công chúng vẫn rất yêu sách, ham đọc, đặc biệt là các bạn trẻ. Qua 5 cuộc tiếp xúc với bạn đọc Từ Dụ Thái hậu trong năm 2019, tôi vẫn còn giữ những ấn tượng rất đẹp, làm tôi cảm thấy yêu nghề viết nhiều hơn…
Nhà văn Trần Thùy Mai trước cổng lăng Thái hậu Từ Dụ. Ảnh: TLNV
Những ngày cuối năm 2020, độc giả lại có dịp đọc Thương nhớ hoàng lan, tuyển chọn những truyện ngắn tiêu biểu trong sự nghiệp của chị. Đâu là cơ duyên để chị cũng như đơn vị làm sách quyết định thực hiện tuyển tập này?
Cơ duyên để có tập tuyển này là cuộc gặp gỡ giữa Giám đốc Phanbook Phan Thị Lệ, cùng với anh chị Nguyễn Quốc Thái và tôi tại quán cà phê La Poste một sáng tháng 9 năm ngoái. Nhân dịp gặp nhau, anh Thái khuyên nên làm một tuyển tập, vì hiện các tập truyện ngắn của tôi đã xuất bản trước đây không còn trong các hiệu sách, và một lớp bạn đọc trẻ đã lớn lên nối tiếp lớp trước…
Nếu tính từ tập truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng (Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành năm 2010), tròn thập niên nhà văn mới cho ra mắt tuyển tập truyện ngắn. Tại sao có khoảng nghỉ dài như vậy?
Khoảng nghỉ dài ấy là do rất nhiều sự kiện đã xảy đến trong đời tôi: năm 2011 tôi dời chỗ ở từ Huế vào Bình Dương, rồi sau đó năm 2017 tôi sang Mỹ. Đó là những cuộc thiên di bất ngờ, không định trước. Tôi mất rất nhiều thời gian để vượt qua. Nhưng đó cũng đồng thời là quãng thời gian tôi học được rất nhiều điều từ cuộc sống, để chuẩn bị cho tác phẩm sau này.
“Có lẽ đã xa lắm rồi, cái thời mà người ta có thể sống không cần chút tiện nghi nhỏ nào. Nhưng bây giờ anh mới sực nhớ ra, điều quan trọng không phải là mình không có chiếc quạt máy. Điều quan trọng là mình đã nghĩ đến nhau quá ít…” - chị đã viết như thế trong truyện ngắn Một chút màu xanh năm 1983. Giờ đây, theo chị con người đang phải đối diện với vấn đề gì?
Một chút màu xanh là truyện ngắn rất nhiều kỷ niệm với tôi. Thời điểm đó tôi đang loay hoay về cách viết, bởi người ta lúc ấy chỉ chấp nhận hai đề tài là “lao động” và “chiến đấu”. Tôi không hợp với cả hai, nên tự tìm một lối riêng, viết về đời thường. Khi truyện đăng trên Tạp chí Sông Hương số đầu tiên, tôi bị một giám đốc sở công an chỉ trích nặng nề vì “bôi đen chế độ, dám nói dân ta nghèo đến nỗi không mua được chiếc quạt máy”. Nhưng đó là sự thực, cuộc sống khi đó thiếu thốn đủ thứ, để vượt qua cái nghèo thấu xương đó chúng tôi đã dựa vào tình thương yêu và niềm hy vọng…
Bây giờ thời ấy đã rất xa. Điều mà chúng ta phải đối mặt bây giờ, là khoảng cách giữa các vùng miền, là bình đẳng cơ hội cho mọi người, là phẩm giá của phụ nữ… Sau này tôi đã viết những truyện như Trái xanh, Gặp ở xứ người… Những truyện này cũng liền mạch với Một chút màu xanh của hơn 30 năm trước. Nói về những đau thương xót xa, là với niềm mong ước cuộc sống sẽ đẹp hơn…
Nếu tính Một chút màu xanh in trên Tạp chí Sông Hương là tác phẩm đầu tay, thì chị đã có gần 40 năm cầm bút. Nếu chỉ được quyền giữ lại một truyện ngắn của mình, chị sẽ chọn truyện ngắn nào?
Trong đời viết của mình, tôi đã viết theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, trong Thị trấn hoa quỳ vàng câu chuyện trải ra từ nội tâm nhân vật; Người bán linh hồn lại có góc nhìn từ bên ngoài, tâm trạng nhân vật thuần túy bộc lộ qua hành động và ngôn ngữ. Trăng nơi đáy giếng thì là những mảnh ghép từ cả hai phía… Về đề tài, có truyện nói về thực trạng xã hội, có truyện về tình yêu lãng mạn. Có truyện viết về thời hiện đại, có truyện về thời xa xưa trong lịch sử…
Lý do của sự đa dạng, là vì tác phẩm là hình chiếu của tâm hồn tôi. Tôi có nhiều mối quan tâm và nhiều cảm xúc khác nhau trong cuộc đời muôn mặt này. Do đó, nếu phải tự mình bỏ hết để chọn một truyện thì tôi sẽ lúng túng và bó tay giống như người mẹ trước câu hỏi: Nếu phải chọn một trong số những đứa con của chị, chị sẽ chọn đứa nào? Tuy vậy, nếu dựa vào phản hồi của bạn đọc, thì có lẽ truyện được chọn sẽ là Thương nhớ hoàng lan.
Nhiều độc giả bày tỏ sự yêu thích với truyện ngắn Thương nhớ hoàng lan, cá nhân chị nhận định điều gì làm tác phẩm này được yêu mến đến vậy?
Thương nhớ hoàng lan với tôi là một bức tranh buồn, trong đó Mộng nhiều hơn Thực. Đấy là một bức tranh phóng bút mà tôi vẽ ra trong những phút đầy rung cảm. Tôi đã viết mà không nghĩ gì đến thủ pháp hay kỹ thuật viết, tất cả chỉ là sự xúc động…
Tôi chắc rằng bạn đọc đã chia sẻ những cảm xúc ấy: tình yêu, nỗi đam mê, sự lựa chọn đầy khắc nghiệt... Những cảnh huống mà mỗi đời người đều đã từng nếm trải. Nhiều bạn viết thư cho tôi và bảo rằng họ đã rưng rưng khi đọc đến câu “Tôi cầm lòng thôi thương, thôi nhớ”.
Việc độc giả quan tâm đến tập truyện vừa phát hành chứng tỏ văn chương Trần Thùy Mai vẫn còn tìm được sự đồng cảm với bạn đọc. Chị có dự định viết những tác phẩm khắc họa cuộc sống đương đại, hướng tới một lớp độc giả trẻ hơn sau khi trở về quá khứ với Từ Dụ Thái hậu?
Khi viết Từ Dụ Thái hậu cũng như các truyện ngắn có đề tài lịch sử, chính là tôi đã hướng đến các bạn đọc trẻ. Vì quá khứ, hiện tại và vị lai đều nằm trong một mạch dẫn nhân văn không thể đứt lìa. Viết về lịch sử, theo tôi không phải để phục dựng một màn diễn xa xưa, mà là để nêu bật lên cái mạch dẫn muôn đời ấy.
Tôi tin nhiều giá trị tốt đẹp của người Việt xưa rất cần cho tuổi trẻ ngày nay. Đấy là hành trang cần thiết cho các bạn trẻ khi ra biển lớn. Trong một thế giới càng lúc càng phẳng hơn, văn hóa và bản sắc dân tộc là cái góp phần làm nên vẻ đẹp và cá tính của một con người.
Cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện.
Huỳnh Trọng Khang thực hiện
Theo Người Đô Thị