Nhạc sĩ Quốc Bảo: Được sống nhiều cuộc đời là một thú vị
Sau “Những lời bình yên” - tuyển tập lời 100 ca khúc từ lúc bước chân vào con đường sáng tác đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Quốc Bảo tiếp tục ra mắt bút ký chân dung “Tâm” - viết về ca sĩ Mỹ Tâm cùng những thăng trầm của âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn gắn liền tên tuổi của Mỹ Tâm.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhạc sĩ Quốc Bảo cho ra đời 2 cuốn sách. Sau “Những lời bình yên” - tuyển tập lời 100 ca khúc từ lúc bước chân vào con đường sáng tác đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Quốc Bảo tiếp tục ra mắt bút ký chân dung “Tâm” - viết về ca sĩ Mỹ Tâm cùng những thăng trầm của âm nhạc Việt Nam trong giai đoạn gắn liền tên tuổi của Mỹ Tâm.
- Anh là người gắn bó với Mỹ Tâm ngay trong những ngày đầu sự nghiệp. Theo anh điều làm nên tên tuổi của Mỹ Tâm là gì?
+ Tâm là người kiên định. Cô ấy thành công như ngày hôm nay một phần là do tài năng như chúng ta đã biết, và một phần do sự khôn ngoan của Tâm. Tâm là người biết đi đứng và biết hoạch định một đường hướng xa. Thậm chí, chúng ta đừng nghĩ Mỹ Tâm làm phim là vì dư tiền nên làm chơi, mà cô ấy có sự tính toán đường hoàng, rất chuyên nghiệp.
Nhạc sĩ Quốc Bảo (bên phải) trong buổi ra mắt sách mới
Trong sách, anh đề cập đến một kế hoạch “lột xác” cho Mỹ Tâm. Đó là năm 2010, anh muốn Mỹ Tâm bỏ hết các màu sắc sentimental (đa cảm) từng quá quen thuộc (đến mức nhàm chán) để đưa Tâm vào một vị trí mới, xứng tầm với những ca sĩ Tây phương đương đại. Có điều, viễn cảnh đó đã không thành hiện thực…
+ Ở giai đoạn đó, tôi có bàn với Tâm hãy làm cái gì đó thật sự rực sáng để xứng với Tâm. Nhưng bây giờ toàn bộ demo đó Tâm vẫn giữ, nhưng chưa làm vì không có thời gian. Dù vậy, tôi không tiếc nuối. Tôi bỏ thời gian ra đủ cho Tâm, sau đó tôi dành để làm việc khác. Tâm muốn sử dụng vào lúc nào, nằm trong kế hoạch nào đó của Tâm là tùy cô ấy.
- Nhưng sự thành công của Mỹ Tâm ngày hôm nay cuối cùng lại không đi theo hướng mà anh và Mỹ Tâm đã bàn thảo từ trước?
+ Đó là hướng diva. Tôi nghĩ Tâm cũng có cái lý riêng của cô ấy, tôi cần phải tôn trọng quyết định của Tâm.
- Quãng đời của Mỹ Tâm đã được anh chia sẻ hết trong sách chưa, có giai đoạn nào cần phải giữ cho nhau không?
+ Cũng có chứ. Có những chuyện vì liên quan đến những người còn sống, tôi sợ là khi mình huỵch toẹt ra thì nó mất vui. Tôi biết chuyện gì Mỹ Tâm không muốn nhắc đến. Cuốn sách lần này là ký chân dung, là những lát cắt, câu chuyện mà thông qua những câu chuyện đó, độc giả có thể học được những bài học sống, những bài học về nghề.
- Vì sao cuốn sách được viết đến năm 2017, nhưng cuộc đời sự nghiệp của Mỹ Tâm lại chỉ dừng ở năm 2013?
+ Tôi muốn dừng ở đó, vì những thông tin mới sau này thì mọi người lên mạng xem là cũng được rồi.
- Anh ưu ái Mỹ Tâm như vậy, liệu cô ấy đã có thể là người hát nhạc Quốc Bảo hay nhất không?
+ Không. Mỹ Tâm hay Nguyên Hà, Phạm Hoài Nam hay thậm chí Thanh Lam, tôi phải viết như thế nào đó để hợp với họ nhất. Khi viết, là đo ni đóng giày cho Tâm luôn, vì Tâm không phải là giọng ca có thể thích nghi được với các loại nhạc của tôi. Chỉ duy nhất một người, khi viết tôi không cần phải suy nghĩ viết cho họ, mà khi viết là người ta đã hát cực hay. Đó là Trần Thu Hà.
Khi viết nhạc cho Mỹ Tâm, tôi phải tránh những từ phát âm theo tiếng địa phương, khoảng âm nào là khoảng âm chết, không được hát lên nốt đó. Đó là một khó khăn.
- Vì sao trong các buổi ra mắt sách của anh, các giai nhân, Nàng Thơ đều vắng bóng? Có lý nào người ta lại “quay lưng” với anh?
+ Vì tôi già nên họ bỏ tôi thôi! (Cười). Thực ra, khái niệm Nàng Thơ để nói cho vui, chiều lòng công chúng thôi. Thật tâm, Quốc Bảo là gì của họ, họ có ý nghĩa như thế nào với tôi, thì tự hai bên đã hiểu với nhau rồi, không cần phải rêu rao Nàng Thơ của tôi đây làm gì nữa!
- Liên tục ra mắt sách, có nên hiểu rằng, là vì Quốc Bảo đã chán âm nhạc?
+ Không phải. Thực ra, trong lúc viết cuốn “Tâm”, tôi có từng nghĩ: Mình còn viết nhạc đến bao giờ? Và liệu mình có nên dành thời gian trong khoảng 5, 7 năm tới để tiếp tục làm loại nhạc mà mình đang làm, là viết ca khúc hay chuyển hẳn sang một thể loại âm nhạc khác, chẳng hạn như kí nhạc? Nhưng sau đó, các khách hàng rồi ca sĩ lại đến, lại đề nghị thì tôi không bỏ được.
- Khi có ý hướng chuyển sang viết sách, anh có dự định theo đuổi một thể loại nào đó không?
+ Thực sự, tôi vẫn muốn là người viết tiểu luận. Còn thể loại fiction như Nguyễn Ngọc Tư thì tôi chịu thua. Tôi không tưởng tượng được, tôi phải viết dựa trên sự thật.
- Trong âm nhạc, Quốc Bảo đã có một vị trí riêng; còn sang văn chương, anh định xây dựng cho mình một cái tên như thế nào?
+ Tôi hoàn toàn không có ý định PR mình như một người viết. Hoàn toàn không. Bởi nếu mà làm như vậy, tôi phải chiều ý độc giả, phải tiếp xúc với họ… Nói chung là tất cả những động thái PR mà hướng ra ngoại giới, tôi đều từ chối. Vì tôi làm không nổi.
- Vì không PR nên tên tuổi Quốc Bảo trong làng xuất bản vẫn chưa đậm nét, và cũng chưa phải là cái tên để bán sách. Điều này có nằm trong mối bận tâm của anh?
+ Không. Tôi viết rất thoải mái. Tôi viết vì tôi nghĩ mình cần phải viết những điều này ra. Giả sử không viết thì nhiều khi hai, ba năm sau, trí nhớ của mình mòn đi, và những câu chuyện không còn xác thực nữa. Tôi không muốn điều đó xảy ra, nếu bây giờ tôi không viết có nghĩa là sẽ không bao giờ viết nữa. Chứ còn khi mình đã quan tâm tới quỹ thời gian, đã chia công việc ra thì tôi nghĩ những cuốn sách như thế này cần phải viết ngay.
- Suy cho cùng, âm nhạc hay văn chương cũng chỉ là phương tiện biểu đạt cho suy nghĩ, tâm hồn của mình. Anh đã có âm nhạc rồi, và sách cũng không phải bức thiết đến mức phải viết?
+ Hoàn toàn không. Nhưng tôi nghĩ những cuốn sách này cần thiết cho người đọc. Giống như tôi từng nói đùa, nó cần thiết cho những thư viện, vì nó là tư liệu tham khảo tốt của một người đã can dự vào toàn bộ quá trình mà tôi kể lại, chứ không phải của một người đứng ngoài nhìn vào và viết.
Tôi không cần sách của mình phải là best-seller, nhưng cần phải xuất hiện trong thư viện ở hạng mục sách tham khảo.
- Hiện tại anh có đang viết cuốn nào không?
+ Tôi đang viết một cuốn nữa là “Quốc Bảo một đời ca khúc”, là những câu chuyện “hậu trường” sau những ca khúc. Chẳng hạn khi viết “Chờ em thềm trăng” thì tôi nghĩ đến ai; bài “Bài tình cho giai nhân”, vì sao tôi tặng chị Thái Hiền. Khoảng 3 năm nữa, có một công việc mà tôi nghĩ mình phải làm, giống như viết sách - đó là vẽ.
- Anh thực sự làm tôi bất ngờ. Điều gì thôi thúc anh?
+ Thôi thúc từ lâu rồi, từ khi tôi mười mấy tuổi. Với thế giới âm thanh, tôi đã sống trọn vẹn với nó hơn 30 năm, nhưng thế giới hình khối và màu sắc thì tôi muốn phải được sống, vì tôi đã tưởng tượng về nó rất nhiều. Gần như là một trải nghiệm cho cuộc đời tôi.
- Đâu là nguồn năng lượng giúp anh có thể làm việc miệt mài như vậy?
+ Năng lượng tự nó sinh từ những việc hàng ngày tôi làm, và tôi tích trữ được nguồn năng lượng theo thời gian. Nguồn năng lượng đó chắc chắn không thể dùng hết cho âm nhạc, mà nó vẫn nằm trong tôi, tạo ra một sự thôi thúc đến khi tôi có một lĩnh vực mới thì tôi dồn nguồn năng lượng đã tích sẵn vào đó.
Khoảng 3 năm nữa tôi sẽ thực hiện đam mê vẽ vì bây giờ con tôi đã vào đại học, mọi thứ đã khỏe hơn rồi. Bây giờ mối bận tâm lớn nhất của tôi là sức khỏe của mẹ. Nhưng tôi phải giải quyết được việc đó theo một cách thật nhẹ nhàng. Mẹ tôi năm nay 80 tuổi, tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ khỏe nữa. Đến lúc đó thì tôi vẽ thôi. Rõ ràng, được sống với nhiều cuộc đời là một thú vị mà không phải ai cũng có trải nghiệm này.
- Trong những cuốn sách đã viết, anh hài lòng nhất với cuốn nào?
+ Đó là “Thị dân”. Cuốn sách này gần như là một tự truyện, hồi ký lần một của tôi. Đến cuốn “50 - Hồi ký không định xuất bản” là hồi ký lần 2, lúc đó tôi ít xúc động hơn. Cuốn đầu tiên, mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn.
- Hình như anh đang có định kỳ 5 năm viết hồi ký một lần. 5 năm tới sẽ có thêm một cuốn sách nào đó?
+ Chắc tôi không viết nữa đâu. Chuyện của tôi đã kể hết rồi, bây giờ tôi kể chuyện qua ca khúc. Thông qua đó, người ta cũng sẽ nhìn thấy được những lát cắt mang tính tự truyện của tôi.
Thành Vinh (thực hiện)