Những chiêm nghiệm thú vị về biểu tượng Sài Gòn
Tập sách Sài Gòn - những biểu tượng (nhiều tác giả, NXB Văn hóa - Văn nghệ và Phan Book) vừa phát hành là một trải nghiệm thú vị về đô thị đồ sộ này. Sách quy tụ nhiều tên tuổi như Du Tử Lê, Huỳnh Như Phương, Hà Vũ Trọng, Nguyễn Đức Hiệp, Phạm Công Luận, Nguyễn Đỗ Dũng, Trần Đức Tài, Phan Triều Hải, Nam Thụ, Trương Gia Hòa…
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh về cuốn sách thú vị này.
1. Khoảng mươi năm trước, tôi thường ấm ức khi muốn đọc sách về Sài Gòn thì chỉ có đọc cụ Vương, trong khi về Hà Nội thì có quá nhiều chọn lựa. Nhưng vài năm gần đây, sách về Sài Gòn cũng tha hồ chọn.
Bìa quyển sách "Sài Gòn những biểu tượng"
Đó có thể là bộ 5 tập Sài Gòn chuyện đời của phố (Phạm Công Luận), 3 cuốn về Sài Gòn - Chợ Lớn của Nguyễn Đức Hiệp, Sài Gòn chở cơm đi ăn phở, Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê (Ngữ Yên), Sài Gòn bao nhớ, Chuyện nhỏ Sài Gòn (Đàm Hà Phú), Sài Gòn không phải ngày hôm qua (Phúc Tiến), Người Sài Gòn bất đắc dĩ (Võ Đắc Danh), Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi, Sài Gòn ve chai (Hiền Hòa), Sài Gòn thị thành hoang dại (Khải Đơn), Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em (Anh Khang), Sài Gòn cứ vội (Ngọc Hoài Nhân)…
Trong đề thi văn năm ngoái của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) có một câu nghị luận: Anh/chị hãy nói về một biểu tượng của Sài Gòn/TP.HCM. Đề thi này làm tôi liên tưởng đến cuốn sách dễ thương vừa mới đọc: Sài Gòn - Những biểu tượng. Nghĩ về Sài Gòn như những biểu tượng. Hoặc nói cách khác, cái gì là đặc trưng, là hồn cốt của Sài Gòn?
Phanbook đã chọn lựa trong vô vàn hồi ức về Sài Gòn của nhiều người khác nhau: nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà quy hoạch…; của nhiều thế hệ khác nhau từ trước 1975 đến nay (có tác giả gần 80 tuổi nhưng cũng có tác giả mới qua 30 - khoảng cách nửa thế kỷ) để chắt lọc những chiêm nghiệm và ấn tượng của họ. Tập sách chia làm hai mảng: văn và biên khảo, cả hai đều được viết bằng một văn phong nhẹ nhàng, sâu lắng, gợi cảm hứng.
Đây là hình chụp trụ sở tiền thân của Đại học Văn khoa sau này - một biểu tượng của Sài Gòn trước 1975
Tập sách còn thú vị hơn khi có nhiều hình ảnh minh họa phù hợp, giá mà in màu thì còn chất hơn nữa. Tập sách mỏng thôi (184 trang, 21 bài), có thể chưa làm hài lòng một số người khó tính, nhưng có lẽ vừa phải là một lợi thế, vì phù hợp với nhiều người, chưa kịp ngán sách đã hết, sách hết vẫn tiếc, vẫn bâng khuâng… sẽ khiến chúng ta tìm thêm những đầu sách khác, chuyên sâu hơn về Sài Gòn.
2. Tôi ấn tượng với cách chọn lựa những giá trị phổ quát và thiêng liêng nhất nhưng lại cũng không kém phần bình dị và gần gũi nhất của Sài Gòn.
Ở mảng thứ nhất, ví dụ như các bài viết về những trục đường đầu tiên ở Sài Gòn (Nguyễn Đỗ Dũng); về thương mại người Việt đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn - Chợ Lớn, với xà bông Cô Ba của doanh nhân Trương Văn Bền? (Nguyễn Đức Hiệp). Hoặc bài về Cao Văn Chánh, ký giả kiệt xuất của Sài Gòn đầu thế kỷ 20 (Trần Đức Tài); về nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng; về Đại học Văn khoa (Huỳnh Như Phương). Hoặc về phi trường Tân Sơn Nhất (Nguyễn Quốc Việt); về đặc điểm kiến trúc, điêu khắc của các công trình mang dấu ấn thuộc địa (Hà Vũ Trọng)…
Đó là những chấm phá về Sài Gòn một thuở; về những địa danh, những nhân vật Sài Gòn; về những thành tựu công nghiệp hóa rực rỡ mà nếu không gìn giữ, chúng ta đang dần xóa sổ bằng cách quy hoạch vội, chỉnh trang vội và xây dựng vội…
Với lịch sử gần trăm năm, từng xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có Pháp, xà bông Cô Ba là một biểu tượng chưa phai mờ
Bên cạnh mảng biên khảo và tản văn có chất biên khảo vừa kể trên, tập sách còn có những bài viết đọc chậm, đọc sâu về những hình ảnh, đặc trưng, tưởng chừng thật vô tình, thật không quan trọng nhưng thiếu vắng chúng, quả thật Sài Gòn không còn là Sài Gòn nữa. Ví dụ như về những ca sĩ của Sài Gòn xưa (Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy…) của nhà thơ Du Tử Lê; về những vỉa hè Sài Gòn, về những hẻm Sài Gòn (Hà Quan San); quán cóc Sài Gòn (Nguyễn Tường Bách); cà phê hẻm Sài Gòn (Nam Thụ); những tấm bảng quảng cáo xưa và nay (Khải Đơn); về một điều không thể thiếu: những hàng cây Sài Gòn (Bảo Uyên, Nguyễn Cường)…
Nếu phần trước mang tính hệ thống, sang trọng và trí tuệ tạo ra cấu trúc vững chắc (giống như kiểu bộ khung) của Sài Gòn, thì phần sau là da thịt để hoàn thiện và làm phong phú gương mặt Sài Gòn.
Tôi chợt nhớ rất nhiều bài văn bé bé xinh xinh của các học sinh 15 tuổi dự thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu viết về biểu tượng Sài Gòn như đã nói. Có em viết về chợ Bến Thành, về hàng cây đường Tôn Đức Thắng, có em viết về nhạc Trịnh, về nhà văn “vỉa hè” Sơn Nam, thậm chí là về mùi thơm cơm tấm đêm… Tôi nghĩ, thẳm sâu trong mỗi con người đang sống ở Sài Gòn, đều hình thành cho mình một hoặc vài biểu tượng mang tính hồn cốt như vậy!
Sài Gòn - Vùng đất bao dung, khai phóng trí tuệ Là những điều bình dị, những hình ảnh bình thường dệt nên chất liệu cho cuộc sống và nét đặc trưng cho Sài Gòn, người Sài Gòn hoặc người nơi khác đến ở đây lâu năm đều nhớ đến… Cảm nhận về Sài Gòn mỗi người mỗi khác, nhưng đọc tập sách này, ta cảm nhận chung nhất: Sài Gòn là vùng đất rộng mở, bao dung, đầy tình nghĩa cưu mang tất cả; tuy dung dị nhưng vẫn rất khai phóng, trí tuệ. |
Nguồn: Trần Lê Hoa Tranh/ Thethaovanhoa.vn