Nữ tiến sĩ người Việt được trao giải thưởng giáo dục Pháp
TS Giáo dục học Nguyễn Thuỵ Phương (Trường ĐH Paris Descartes) vừa được giải thưởng Louis Cros năm 2018 cùng 2 nhà nghiên cứu người Pháp khác.
Giải thưởng được trao cho cuốn sách “Trường Pháp tại Việt Nam (1945-1975): Từ sứ mạng khai hoá đến ngoại giao văn hoá” - vốn là một luận án, từng được Giải thưởng lịch sử giáo dục Robert Mallet 2015.
Công trình khoa học này phân tích sự biến chuyển của hợp tác văn hoá Pháp tại Việt Nam, trong 3 thập niên từ 1945 đến 1975, dưới góc độ giáo dục. Cuốn sách độc đáo và mới mẻ, giao thoa nhiều chủ điểm nghiên cứu lịch sử của Việt Nam, giáo dục Pháp và Việt Nam, giải thực dân, ngoại giao văn hoá.
TS Thụy Phương (bên trái), nhận giải thưởng ngày 12/11. Ảnh: Juliette Agnel
Bằng phương pháp liên ngành lịch sử và xã hội học, qua giọng kể nhân tình, tác phẩm không chỉ làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử mà còn trần thuật hồi ức của nhiều thế hệ học sinh để chia sẻ với bạn đọc một câu chuyện tưởng chừng như rơi vào quên lãng.
Prix Lous Cros là giải thưởng do Instiut de France (Pháp Viện) lập ra dưới sự bảo trợ của phân viện hàn lâm Académie des sciences morales et politiques (khoa học xã hội và nhân văn).
Giải Louis Cros là một trong những Grand Prix thường niên của Pháp Viện.
Hai người cùng được giải thưởng này năm 2018 là Dounia Lahoual với luận án tiến sĩ về khả năng trung gian hoà giải với công chúng trẻ thông qua nghệ thuật đương đại và luận án của Paul Lehner về "Tư vấn hướng nghiệp trong trường trung học" (1959-1993): Một nghề bất khả thi?".
Giải thưởng mang tên một nhà giáo dục học, sáng lập viên và chủ tịch của nhiều cơ quan và tổ chức giáo dục của Pháp. Louis Cros cũng là người đầu tiên, ở Pháp, phát hiện, định dạng và nghiên cứu bản chất và tác động chính trị - xã hội của một hiện tượng mang tầm quốc tế của các nền giáo dục quốc gia, đó là “bùng nổ sĩ số học sinh”.
Giải thưởng thường niên này ghi nhận đóng góp của một vài công trình nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo mang tính học thuật cao, nhưng vẫn hướng đến đại chúng về những chủ đề mang tính thời sự và những thách thức mà giáo dục và đào tạo đang phải đối mặt.
Instiut de France được thành lập năm 1795, được coi như Pháp Viện tối cao của giới bác học, nơi tập hợp giới tinh hoa về khoa học, nghệ thuật và văn học với mục đích ủng hộ và bảo trợ các phát minh, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật vì lợi ích cồng đồng, thông qua những giải thưởng và tài trợ.
Viện quản lý khoảng một ngàn quỹ, di sản, tài sản hiện tặng tư và công để dùng bảo trợ cho khoa học.
Quang cảnh buổi trao giải thưởng năm2018. Lễ trao giải các Grand Prix diễn ra vào thứ 2 của tuần thứ 2 tháng 11 hàng năm, cùng với buổi họp định kỳ mỗi năm một lần với sự có mặt đầy đủ nhất của tất cả các viện sỹ.
Ảnh: Juliette Agnel
Pháp Viện gồm 5 phân viện hàn lâm với những nhiệm vụ riêng: Académie francaise (Pháp ngữ), Académie des inscriptions et belles-lettes (lịch sử Cổ, Trung đại, Phục hưng và phương Đông học), Aca démie des sciences (khoa học tự nhiên, y học), Académie des beaux-arts (nghệ thuật), Académie des sciences morales et politiques (khoa học xã hội và nhân văn).
Những người Việt từng được nhận giải thưởng của Pháp viện gồm có: GS Trịnh Xuân Thuận (năm 2007 và 2012), nhà văn Phạm Văn Ký (năm 1961), GS Nguyễn Quang Riệu (1973), GS Bùi Huy Đường (1978), GS Ngô Bảo Châu (2007), Phạm Huyên (2007), GS Đặng Văn Kỳ (1991)...
TS Nguyễn Thụy Phương là người Việt Nam đầu tiên (không phải Việt kiều) được giải thưởng của Académie des sciences morales et politiques.
Hạ Anh
Theo Vietnamnet