Sách dày 250 trang, do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút theo tài liệu gia đình cung cấp và khảo cứu các tài liệu từng viết về Lam Phương. Tác phẩm được thực hiện trong thời gian ông điều trị tại Mỹ sau một cơn tai biến, không thể đối thoại được.
Sách như những thước phim quay chậm về cuộc đời tác giả tiêu biểu của âm nhạc Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975. Ông sáng tác khoảng 217 ca khúc, trong đó, đa số là tác phẩm bất hủ trong lòng người mộ điệu từ thập niên 1950 đến nay.
Nhạc sĩ Lam Phương thời gian sống tại Paris. Ảnh tư liệu gia đình.
Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương chia làm năm phần: Kiếp nghèo, Sài Gòn ngày hôm qua, Một mình và hai phần phụ lục là những bài viết, phỏng vấn nhạc sĩ cùng 20 tình khúc tiêu biểu của ông. Mỗi phần ứng với một chặng đường trong cuộc đời nhạc sĩ tài hoa. Phần Kiếp nghèo kể về gốc gác, lai lịch nhạc sĩ ở quê nhà Kiên Giang và chặng đầu lên Sài Gòn học hành, lập nghiệp với âm nhạc. Bối cảnh sinh hoạt văn hóa cởi mở của Sài Gòn từ những năm 1960 hun đúc tài năng ông qua các sáng tác đầu tay: Chiều thu ấy, Kiếp nghèo... Từ đó, nhạc sĩ Lam Phương cũng dần thoát cái nghèo của đời nhập cư, gia nhập vào làng nhạc, sân khấu kịch nghệ và tỏa sáng.
Sách "Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương" được thực hiện trong thời gian nhạc sĩ nằm bệnh ở Mỹ.
Hoàn cảnh ra đời của những ca khúc làm nên tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương như: Kiếp nghèo (với hình ảnh khu trọ nghèo Đa Kao), Nắng đẹp miền Nam, Chuyến đò vĩ tuyến (với cuộc di cư lịch sử năm 1954)... được kể lại trong sách. Ấn phẩm cũng nhắc về hiện tượng phòng trà với nhu cầu nhạc đại chúng cùng việc phát hành tờ nhạc, sự xuất hiện trên sân khấu kịch khi Lam Phương gặp gỡ diễn viên Túy Hồng nổi tiếng. Sự thành công ở những năm 20 tuổi giúp Lam Phương đủ tiền mua, đổi những ngôi nhà lớn cho gia đình ở Sài Gòn chỉ từ nhờ phát hành tờ nhạc Kiếp nghèo hay Thành phố buồn.
Lam Phương còn là con người đa tình. Phía sau những tình khúc buồn là một tình yêu "hai phương trời cách biệt, đêm chờ và đêm mong" ông dành cho ca sĩ Bạch Yến. Sự đổ vỡ trong hôn nhân với Túy Hồng khi sang Mỹ và mối tình Paris với cô Cẩm Hường cũng khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc làm say lòng khán giả như: Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em hay Mùa thu yêu đương...
Sau tất cả, Lam Phương vẫn là một người tài hoa nhưng thất bại trong tình yêu. Bài Một mình như cái kết buồn bã phác thảo được nỗi lòng những năm cuối đời của ông trên đất Mỹ: "Tình duyên trăm mối/ Một kiếp đa đoan/ Cố tìm, tình chồng chất ngổn ngang...".
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1947, ông đến Sài Gòn đi học và theo đuổi đam mê âm nhạc. 15 tuổi, ông công bố ca khúc đầu tay và ngay sau đó, nhanh chóng được công chúng biết đến. Ông trở thành một hiện tượng ăn khách nhất của sân khấu, âm nhạc miền Nam trong thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970.
Năm 1975, ông sang định cư tại Mỹ. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu.
Ông trải qua đợt tai biến mạch máu não vào năm 1999 và trải qua nhiều đợt điều trị. Hiện ông sống cùng em gái ruột.
Sáng 30/11, tại Đường sách TP HCM, tác giả chấp bút Nguyễn Thanh Nhã, đại diện gia đình Lam Phương giao lưu với độc giả về sách mới. Dịp này, ca sĩ Hà Vân, Hải Vân, Diễm Út thể hiện các ca khúc nổi tiếng của ông. Chương trình do MC Minh Đức dẫn.
Nguyễn An Nam/Theo Vnexpress