Bob Dylan - Trịnh Công Sơn: "Gió Đông", "gió Tây"
Cuốn sách chỉ ra rằng Trịnh Công Sơn và Bob Dylan thoạt trông có vẻ gần nhau bao nhiêu thì kỳ thực, xa cách nhau bấy nhiêu. Mỗi ngọn gió đều có một đời sống nằm ngoài khuông nhạc để bầu bạn cùng công chúng.
Khi Bob Dylan được xướng tên cho giải Nobel Văn chương năm 2016, nhiều độc giả Việt Nam đã nghĩ đến Trịnh Công Sơn. Có lẽ tình yêu với người nhạc sĩ tài hoa quá cố này đã khiến ta nghĩ rằng "người hát thơ" như ông cũng xứng đáng với những lời tôn vinh mà Hàn lâm viện Thụy Điển dành cho Dylan - người "đã tạo ra những sự diễn đạt thi vị theo cách mới trong truyền thống ca khúc tuyệt vời của Mỹ". Ở đây từ "Mỹ" có thể thay bằng "Việt", thậm chí là một quốc gia khác, như thế, cơ hội chia cho rất nhiều nhạc sĩ trên thế giới.
Cuốn sách “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Một đối chiếu về tôn giáo, chiến tranh và tình yêu” của John C. Schafer xuất bản tại Việt Nam
Nhưng kỳ lạ là riêng ở Việt Nam, Trịnh Công Sơn rất hay được so sánh với Bob Dylan. Trong công trình nghiên cứu của John C. Schafer: "Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Một đối chiếu về tôn giáo, chiến tranh và tình yêu" (Phan Book và NXB Đà Nẵng ấn hành 2019), ông đã cố đi tìm mẫu số chung lẫn dị biệt cho hai hiện tượng văn hóa này.
Trong sự nghiệp của mình, hai nhạc sĩ này có sáng tác thoạt nghe tựa đề đã thấy rất gần nhau: "Blowin in the wind" của Bob Dylan (sáng tác năm 1963) và "Để gió cuốn đi" của Trịnh Công Sơn (sáng tác năm 1971). Có người dựa vào năm sáng tác để nói rằng nhạc Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của Bob Dylan, rõ ràng với khoảng cách 8 năm, cộng với sự nổi tiếng của Bob Dylan rất khó để nói nhạc sĩ Việt Nam không biết bài này. Nhưng nếu tạm gác tựa đề sang một bên, thật khó để tìm những liên hệ giữa hai ca khúc, ngoài chuyện đều có chung hình ảnh ngọn gió, một bên là "gió Tây" và một đằng là "gió Đông".
Cả hai ngọn gió đều khởi lên từ một câu hỏi. Nếu ở "Để gió cuốn đi", câu hỏi ấy chỉ là một nguyên cớ, bởi vì người hỏi có sẵn câu trả lời cho riêng mình. Khi ông vừa nói với người em phiếm chỉ: "Để làm gì em biết không?" thì chẳng đợi người đáp, ông đã nhủ rằng: "Để gió cuốn đi" và nhấn mạnh thêm lần nữa: "để gió cuốn đi". Nhiều người đã lấy hình ảnh này làm ví dụ cho tinh thần "vô ngã" trong nhạc Trịnh, thong dong bước đi trên cuộc đời. Ngọn gió thổi thêm lần nữa: "cho mây qua dòng sông" rồi dừng hẳn để nhường chỗ cho những thi ảnh khác.
Bob Dylan cũng bắt đầu bằng câu hỏi, những câu hỏi đó đi suốt bài hát như nỗi hoang mang của kẻ không giải được khúc mắc của mình. Từ "how many" được lặp đi lặp lại đầy hoài nghi trước sự bạo tàn không hồi kết của chiến tranh, của cuộc đời. Người nghệ sĩ cũng gợi mở vấn đề bằng những đối thoại với một nhân vật phiếm chỉ nhưng dường như người hỏi không xác tín được câu trả lời mà chỉ tìm kiếm nó trong nỗi mơ hồ: "The answer, my friend, is blowin in the wind" (tạm dịch: "Câu trả lời, bạn tôi, cuốn trong ngọn gió"). Ở đây, ca từ có tính nước đôi, người nghe không biết lời giải đã nằm trong ngọn gió hay chỉ là một hư vô bất định. Năm 1994, ca khúc này có tên trong "Sảnh Danh vọng" của Grammy. Mười năm sau, nó được xếp hạng 14 trong danh sách "500 bài hát vĩ đại nhất" của Tạp chí Rolling Stone.
Cuốn sách của John C. Schafer cũng bắt đầu bằng một câu hỏi liệu Trịnh Công Sơn có phải là Bob Dylan? Ngay từ câu hỏi này cũng đã tự nó giải đáp cho thắc mắc rằng nếu còn sống thì Trịnh Công Sơn cũng không bao giờ đoạt giải Nobel như Bob Dylan. Bởi Trịnh có thể là Dylan của Việt Nam chứ Dylan không phải Trịnh của Mỹ.
Nền tảng xã hội, tôn giáo cũng nói lên sự khác biệt của "gió Đông", "gió Tây". Trong Phật giáo có hình tượng "bát phong" chỉ 8 ngọn gió: lợi và suy; hủy và dự; xưng và cơ; khổ và lạc là những trạng thái ai cũng gặp trong đời, thể hiện sự vô thường của cuộc sống. Trong "Để gió cuốn đi", luôn tồn tại những cảm xúc đối lập nhau, giữa vui và buồn, giữa reo vang và im lặng, giữa yêu và đau… Còn Dylan, khi ông nói với người bạn nên tìm câu trả lời trong ngọn gió, ông gợi nhắc ta đến hình ảnh xuất hiện ở sách Khải Huyền, 4 thiên sứ giữ 4 ngọn gió và chính Dylan cũng nói rằng: "Khi tôi nói câu trả lời đang "Blowin the wind" (Cuốn đi trong gió) thì câu trả lời đúng là thoảng trong gió thật. Bây giờ tôi nói với ông là Chúa sẽ trở lại thì Chúa sẽ trở lại" - Schafer đã dẫn trong công trình của mình.
Những điều trên cũng để chỉ ra rằng Trịnh Công Sơn và Bob Dylan thoạt trông có vẻ gần nhau bao nhiêu thì kỳ thực, xa cách nhau bấy nhiêu. Như một câu thơ của Paul Valéry: "Gió đã nổi, chúng ta phải sống", dù là "gió Đông" hay "gió Tây" thì mỗi ngọn cô phong khi nổi lên tự khắc đã có một đời sống nằm ngoài khuông nhạc để bầu bạn cùng công chúng theo sự hòa điệu của từng người.
Tìm tương đồng và dị biệt từ văn bản
Xuất thân là một giáo sư giảng dạy bộ môn văn học so sánh, John C. Schafer đã dùng sở trường của mình để thực hiện thao tác đối chiếu văn bản, từ đó tìm ra những tương đồng và dị biệt của hai nhạc sĩ. Tuy nhiên, việc khảo sát của ông chỉ dừng lại ở phần ca từ của bài hát chứ chưa đi vào địa hạt âm nhạc. "Is Trinh Cong Son Viet Nam’s Bob Dylan" từng được dịch giả Cao Thị Như Quỳnh dịch sang tiếng Việt với tên gọi "Trịnh Công Sơn, Bob Dylan như Trăng và Nguyệt" (NXB Trẻ ấn hành năm 2012). Trong lần tái bản năm 2019, tác phẩm mang một cái tên mới.
Huỳnh Trọng Khang
Theo Người Lao Động