Cố định một đám mây | Nguyễn Ngọc Tư
Tôi chạy mãi trong những giấc mơ vịn vào quá khứ đẹp đẽ hết ngày này sang tháng nọ, năm khác. Tôi sợ cuộc đời lại ra oai với mình bằng vô số lần xí gạt, trấn áp và bắt nạt để mình biết đớn đau là bài học về sự tỉnh táo lớn nhất mà mình cần phải nhớ trước khi quá khứ lấp đầy võng mạc mỗi ngày qua những cơn mơ và sự bấu víu vào những êm đềm giả định đã không còn tự rất lâu.
Trong cuốn sách tôi được tặng vào đầu mùa sinh nhật này cũng gần như vậy. Đứa trẻ đuổi bắt vô vọng theo người bán thuốc sơn đông mãi võ mải miết từ lúc ghẻ trên đầu còn dày đặc cho đến lúc tỉnh ngộ nhận ra người em gái của mình lúc tuổi đã xế chiều. Câu chuyện về Lụt hay những trận Lụt đã cuốn đi rồi bồi đắp lại bao lần phù sa ở Cửu Long, câu chuyện của những người đuổi tìm nhau và không bắt kịp nổi ham muốn lẫn tiếc nuối của mình trong cuộc sống. Bất chấp mọi chỉ dẫn, bất chấp những dìu dắt, người ở hoài trong hoài niệm vẫn cứ u mê cho hết kì để đớn đau giúp mình tỉnh ngộ ra và nhìn lại chấp nhận với thực tại. Trong câu chuyện về cây linh ái, mùi hương vốn dĩ là thứ gây nhung nhớ, kể cả ám ảnh người ta thì lạ kì thay, quá khứ mà người ta bị ép buộc phải chối bỏ cũng là một loại ám ảnh thứ hai hình thành nên sự ray rứt, biến một người trẻ thành kẻ u uất, sống bất cần với cố gắng chấp nhận sự tồn tại của bản thân mình, để rồi bao nhiêu lần trong đầu hiện ra vô vàn nỗi tự vấn về những nỗi đau, những người đến và đi cùng với quá khứ ở cạnh mình.
Cậu trai trẻ cố mót từng chút khoái lạc trong cuộc ái ân trên nấm mộ hương khói lạnh với người phụ nữ mà cuộc đời đã ấn định vào tay kẻ khác chứ không phải là mình. Sự bất minh về tình cảm, có thể ví như câu chuyện yêu cuồng dại một kẻ không dành tình cảm cho mình mà chỉ ân cần vừa đủ để đền đáp lại những ngây thơ, khờ dại nơi mình. Như cách người ta ví von hai tay mình dâng tặng người từng nắm đất, ngọn cỏ, hiến thân, trao hết những gì dồi dào, lành ngọt nhất bởi cả đời vẫn mộng tưởng vào hai chữ: hữu nghị và cụm từ tình cảm bang giao.
"Cố định một đám mây" còn là sự trốn chạy để mong đừng ai biết, đừng ai chạm tay vào nỗi đau và xát muối vào ký ức, là sự mong mỏi tột độ được sống thật với chính mình, với chút thiện lương ít ỏi và với hình dung đã thay đổi để mong định lại danh tính trong đời đúng chỗ và vì như thế nên mọi sự ự dòm ngó, hiếu kì cũng mang lại những hoảng sợ, âu lo.
Có ai từng nói với tôi rằng: Nỗi buồn và ưu tư là hai thứ không nên cất giữ, tàng trữ lâu trong lòng để tránh gây lan rộng những vùng thương tổn. Và tôi chỉ vài lần ngờ ngợ về chuyện người ta bắt bẻ hai từ cố định trong cách hành văn của chị nhà văn người miền Tây, luôn cả họ không thích cách chị cảm thông cho những người sống bằng hoài niệm, kẻ ray rứt trước thời cuộc bằng chút đồng cảm đâu đó trong cuốn sách này. Bởi lẽ buông bỏ không phải là liều thuốc trị bệnh chấp ngã hay nhất hay sao?!
Nhưng, dù với cách miêu tả nào đi chăng nữa thì suy cho cùng, Nguyễn Ngọc Tư vẫn giữ được hơi thở cuối cùng, giọng nói đặc sản cuối cùng, nét viết lành yên cuối cùng cho những tập truyện ngắn mà mỗi một câu chuyện lại trải thêm ra vài lần buồn và tiếc nuối rồi cuối cùng lại không chấp nhận được với đổi thay và bất lực trước những gì đã, sẽ diễn ra.
- Chia sẻ từ độc giả Phạm Nhã
#Phanbook #Cố_định_một_đám_mây #Nguyễn_Ngọc_Tư