Đầm Lầy - Kiến Tạo Quốc Gia Và Tự Nhiên Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long – PHANBOOK.VN

Đầm Lầy - Kiến Tạo Quốc Gia Và Tự Nhiên Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Sách lịch sử của VN xưa nay vẫn hay bị 'chê' là thường chỉ nói tới việc vua quan triều chính, việc chánh trị quân sự, nghĩa là những việc 'quốc gia đại sự' to to, mà thiếu hẳn đi những mảng sử nói về 'những chuyện thường ngày ở huyện', về cuộc sống sanh hoạt đời thường của người Việt qua thời gian và trong những không gian địa lý khác nhau. Có như thế thật! Và mãi tới gần đây, có lẽ từ thời thuộc địa (nửa cuối thế kỷ XIX cho tới Cách mạng 8/1945), người ta mới bắt đầu nghiên cứu và ghi chép lại mảng lịch sử 'nho nhỏ' và 'đời thường' đó - một điều vừa bổ ích vừa cần thiết, vì giúp các thế hệ sau hiểu được tổ tiên ông cha đã thực sự 'sống' như thế nào!

Cuốn sách này, thuộc dạng 'lịch sử môi trường', cũng nằm trong dòng chảy mới mẻ đó của sử Việt. Gọi là 'lịch sử môi trường' vì tác giả nghiên cứu lại quá trình lịch sử của một vùng đất với góc nhìn 'môi trường', tức là lịch sử không chỉ là câu chuyện của chính trị, văn hóa, mà còn là câu chuyện của sự tương tác giữa con người với môi trường địa lý và phong cảnh của vùng đất đó. David Biggs, người Mỹ, đã chọn đối tượng cho nghiên cứu lịch sử môi trường của ông là vùng châu thổ đồng bằng sông Mekong, với khung thời gian nghiên cứu trải dài từ thời vùng đất này còn thuộc người Khmer (vương quốc Chân Lạp, tức Campuchia ngày nay) hồi thế kỷ XVII, cho tới tầm năm 1975. Gần ba trăm năm lịch sử của một vùng đất mới của nước ta đã được tác giả dày công nghiên cứu và kể lại 1 cách tỉ mỉ, và với tôi, là vô cùng mới mẻ.

Cái 'concept' rằng lịch sử chính trị không tách rời khỏi lịch sử môi trường / địa lý không mới, song có lẽ trong các sách vở xuất bản ở Việt Nam thì đây là cuốn sách đầu tiên viết hẳn theo hướng 'lịch sử môi trường, nhìn lịch sử của đồng bằng sông Cửu Long qua lăng kính môi trường và địa lý'. Chuyện chiến tranh, chuyện chính trị, chuyện phe phái, chuyện xã hội, giai cấp ...trong suốt mấy trăm năm sôi động đó (cả Việt Nam sôi động, nhưng vùng ĐBSCL này sôi động theo những cách rất riêng, rất 'dị', vì nhiều lẽ, trong đó phần nào cũng chính là vì cái 'thế đất' của nó!) tất nhiên cũng được tác giả kể ra và bình luận, song mọi thứ đều được gắn với môi trường, với những bối cảnh sông nước đất đai cụ thể của từng thời điểm. Độc giả vốn quen việc đọc sử, cả dựng nước và giữ nước, như là những câu chuyện đậm chất 'người', liên quan tới những lực lượng, những đội ngũ, những giai cấp v.v... tranh giành nhau, đối kháng nhau, hẳn sẽ thấy ngạc nhiên và sau đó thú vị khi lần đầu được đọc một 'lối viết sử' mới, nơi mà sông nước, đê điều, tàu bè, thủy triều v.v... cũng được 'đưa lên sân khấu', và hơn nữa còn là những 'đào kép chánh' của vở tuồng vĩ đại với sân khấu là châu thổ sông Mekong này...

David Biggs đại để chia lịch sử dựng nước (ông ít quan tâm tới v/đ giữ nước, hihi, vì dường như ông xem người Pháp người Mỹ cũng chỉ là những 'thành viên' trong lịch sử vùng đất mới này mà thôi!) của vùng châu thổ Mekong ra làm mấy giai đoạn: 1/trước thế kỷ XIX, khi người Việt còn ít, sống xen kẽ với người Khmer và người Minh hương, 2/từ đầu thế kỷ XIX khi Gia Long thống nhất đất nước tới khi Pháp chiếm lục tỉnh, tức là khoảng những năm 1860, 3/thời thuộc địa (từ thập niên 1860 tới 1945), 4/giai đoạn 45-54, và 5/giai đoạn VN Cộng Hòa 54-75. Con người, thuộc nhiều dân tộc, nhiều giai cấp và nhiều lực lượng chính trị-xã hội-tôn giáo, đã lần lượt tới vùng châu thổ phì nhiêu nhưng cũng rất ghê gớm này với nhiều mục đích và nhu cầu khác nhau. Họ tương tác với nhau, nhưng trên hết, họ phải tương tác với môi trường: một vùng đất chằng chịt sông ngòi kênh rạch, nơi mà giao thông đường thủy là chính yếu, nơi mà con nước thủy triều quyết định rất nhiều thứ trong cuộc sống của con người, nơi mà rất nhiều mô hình thủy lợi, kênh đào v.v... đã được nghiên cứu, thử nghiệm, thành công lẫn thất bại, rồi lại thử nghiệm và làm mới (nói như tác giả là 'cuộn chỉ của nàng Penelope' - những dự án trường kỳ...). Kết luận của tác giả, dĩ nhiên, là con người phải lựa chọn cách hòa hợp với môi trường, và câu chuyện quan hệ giữa hai yếu tố này là câu chuyện của quá khứ, hiện tại và cả tương lai, một câu chuyện đòi hỏi cả xã hội quan tâm và giải quyết.

Cuốn sách tuy khó đọc, vì thuộc 1 thể loại mới, và vì đôi chỗ tác giả nói về những kiến thức chuyên ngành không mấy dễ hiểu, song nhìn chung là thú vị. Tôi ấn tượng với những kiến giải của một người Mỹ về vùng đất phía Nam của Tổ quốc, cùng với nhiều so sánh, liên tưởng thú vị của ông. Ví dụ như việc Biggs nói chúng ta có 2 cách nhìn một vùng đất - từ trên xuống theo phương thẳng đứng (nhìn từ máy bay hay xem những bức 'không ảnh'), và nhìn theo phương ngang (khi ta đi 'thực địa', đi vô ngay cái vùng đất ấy, để nhìn miền Nam như trải ra, với đồng ruộng, cây cối, sông ngòi kênh rạch lần lần mở ra trước mắt) - cách sau thú vị hơn và 'thật' hơn. Hay những đoạn Biggs mô tả quá trình đào kênh bằng sức người (thời phong kiến, điển hình là con kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên, dọc biên giới Việt-Cam) hay bằng 'xáng cạp' thời thuộc địa (lần đầu tôi biết được 'xáng cạp' là cái gì, và nó đã có vai trò ra sao trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX!). Hay phong cảnh sông nước miền Nam đã thay đổi ra sao từ thời oánh Pháp sang thời oánh Mỹ, với việc dân ta đã ngày cành năng động trong việc vận dụng chính những công nghệ của thực dân - đế quốc (ví dụ như động cơ mô tơ Ko-le được gắn vô ...xuồng ba lá, hình ảnh kinh điển của những năm oánh Mỹ!) trong cuộc sống hàng ngày và trong chiến đấu. Nhiều đoạn mô tả phong cảnh châu thổ trong cuộc sống thời đó được viết rất sinh động, đọc mà cảm tưởng như... đang coi film tài liệu vậy! Với tôi, cái kết luận 'sống chung với môi trường' của David Biggs không quan trọng bằng những tư liệu cực kỳ sống động (và luôn là 'nói có sách, mách có chứng' theo kiểu rất 'Tây'!) về lịch sử môi trường vùng châu thổ Mekong suốt ba, bốn thế kỷ qua. Khi đọc những trang 'sử môi trường' đó, tôi liên tưởng tới những trang 'chính sử' trong cùng thời kỳ, và rõ ràng cái đầu đã minh họa cho cái sau thêm rất, rất nhiều. Đọc tới đây lại nhớ 1 ý của Võ Quảng trong 'Tảng sáng', khi nói về nỗi nhớ thương quê hương, rằng con người hết thế hệ này rồi qua thế hệ khác kế tiếp nhau, chỉ có sông núi, đồng ruộng, vườn tược là còn mãi... Châu thổ sông Mekong với những con người của nó cũng vậy, dù đã bao đổi thay qua mấy trăm năm, song nó vẫn còn đó, vẫn đa dạng, vẫn bí hiểm, xứng đáng để con người mãi tìm hiểu, và yêu thương!

Tựa đề tác phẩm cũng rất thú vị, vì tác giả đã mượn chữ quagmire (đầm lầy) từ 1 bài báo của ký giả nổi tiếng David Halberstam (từng đoạt giải Pulitzer) hồi những năm chiến tranh Việt Nam. Halberstam dùng 'quagmire' để nói về sự sa lầy theo nghĩa bóng của chính sách can thiệp của Mỹ vô Việt Nam hồi đó (Mỹ đưa quân vô năm 65, trực tiếp tham chiến cho tới 73 thì phải cay đắng rút lui!), còn Biggs thì viết cuốn sách này để nói về một 'quagmire - đầm lầy' thực sự, theo đúng nghĩa đen của từ này: một vùng đất mới, châu thổ của 1 con sông lớn trước khi nó chảy ra biển, tạo nên hệ sinh thái và một khu vực địa lý cực kỳ phong phú và kỳ lạ... Quá trình 'dựng nước' (nation-building, trong tựa sách dịch là 'kiến tạo quốc gia' nghe không 'đã' lắm!) cũng được diễn tả vô cùng rõ nét, vô cùng sinh động, đây cũng là một ấn tượng lớn với tôi khi đọc cuốn sách này - lần đầu tiên tôi hình dung rõ 'dựng nước' là như thế nào! Bản dịch rất OK, dịch giả cực kỳ 'có tâm', đôi khi bổ sung thêm những chú giải cần thiết, và luôn tôn trọng nguyên tác. Một cuốn sách khó đọc, mà rất cần đọc với độc giả Việt.

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis