Để thương yêu vừa trong tầm với - Lê An Nhiên
Nhiên làm tốt vai trò của một người kể chuyện, những câu chuyện có góc nhìn và có cảm xúc.
Tôi gặp Nhiên vào ngày đầu tiên đặt chân đến Trung Lịch. Nhiên cũng như những cô sinh viên khác, không có gì đặc biệt, hay không mang màu sắc của một tác giả hay nhà văn, theo góc nhìn của cá nhân tôi. Và một cách tự nhiên, Nhiên kể những câu chuyện của mình trong tập tản văn của mình. Đọc văn của Nhiên, thi thoảng, đâu đó, thấy những điều quen thuộc, những nhân vật mà mình có thể đã vô tình gặp trên hành trình của mình.
Không giật gân, hay hàm chứa những thông điệp to lớn, Để yêu thương vừa trong tầm với là cách tác giả tự kể lại câu chuyện của mình. Nhiên đã lựa chọn cách viết tiếp cận những câu chuyện của mình từ phía cô, trải nghiệm của một cô gái đang trong những năm tháng hai mươi với một sự trải nghiệm vừa đủ, bản lĩnh vừa đủ, và cũng có những ngày “thiếu những giấc ngủ bình yên” để rồi trăn trở “Liệu người ta có thể lương thiện và chân thành được mãi?” và rồi có những lúc ước mơ có lúc “dũng cảm để bước ra khỏi vòng an toàn của cuộc sống, để mưu cầu những ngày thật lạ.”
Ngôn từ trong tản văn của Nhiên khá thú vị, gợi hình ảnh nhưng không quá khó hiểu và xa vời với hình ảnh “cánh bướm lột xác từ kén tằm”, “tấm áo khoác của những chú chim sẻ ngoài kia, có thơm hương quế hoa”, “giấc mơ ngọc”,… Cách tiếp cận vấn đề của Nhiên khá thẳng thắn. Chữ “Dừng” trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Việt Nam đang giúp việc cho một gia đình người Đài Loan trong Cái máy nói khiến tôi day dứt. Có lẽ vì đã tiếp xúc với Nhiên bên ngoài, nên tôi có thể hình dung được khuôn mặt và ánh mắt của cô khi ấy. Người ta chọn cho mình cách biểu hiện trong những tình huống mà khi ấy họ buộc phải làm điều mà đôi khi họ không thực sự thấy hạnh phúc. Chữ “Dừng” ấy đôi khi còn cho cả Nhiên, cả tôi và cả bạn. Đôi khi, ta phải “Dừng” những cảm xúc, những lời giải thích, những kể lể, những đổ lỗi, để rồi tiếp tục hành trình của mình, đi lên phía trước. Tôi thấy sự trăn trở, sự đấu tranh nội tâm đâu đó trong tâm hồn của một cô gái trẻ.
Nhiên, là một người trẻ rất mới, biết trăn trở và biết hành động. Những góc nhìn và trải nghiệm của cô đủ để thấy những góc nhìn khác nhau của một sự việc, một vấn đề. Cuộc sống của cô không chỉ gói gọn trong vòng an toàn của một du học sinh với khuôn viên trường học, ký túc xá và hàng tháng chờ học bổng vào tài khoản. Cô đã dám bước ra bên ngoài phạm vi ấy để thấy rằng cuộc sống của những du học sinh Việt Nam ở Đài Loan được khắc họa không chỉ toàn màu hồng, cuộc đời của “Những người phụ nữ không có quê hương” hiện lên không quá bi kịch và bế tắc. Du học sinh chưa chắc đã văn minh, người có trình độ cao chưa chắc giàu trải nghiệm sống và lòng trắc ẩn. Sai lầm chưa hẳn đã là tội ác. Và thỏa hiệp chưa hẳn là mạnh mẽ. Cô không lên án, không tuyên truyền, không hô khẩu hiệu, không đại diện cho một trào lưu hay lý tưởng sống nào cả. Nhiên làm tốt vai trò của một người kể chuyện, những câu chuyện có góc nhìn và có cảm xúc. “Chồng cô dặn dò cô về tìm lại bố mẹ, làm chứng minh thư, làm hộ chiếu rồi quay lại Trung Quốc để đăng ký kết hôn. Mẩu giấy như báu vật của cô ấy là địa của người chồng.”
Đọc tập tản văn của Nhiên, tôi thấy mọi thứ chừng mực, vừa phải. Tôi không phải cố gắng để rút trích thông điệp trong những mẫu chuyện được ghép, hay không quá trông chờ những điều to lớn. Nhưng tôi thấy một chút vui và tự hào vì niềm tin vào những người trẻ vẫn còn biết trăn trở với cuộc sống, trải nghiệm, suy nghĩ và sống cho mình và “đừng tự bi kịch hóa cuộc đời của mình”. Nhiên là cô gái trẻ dám sống và dám hành động. Nhiên sẽ còn tiếp tục cuộc hành trình của mình, rồi sẽ những trải nghiệm, những góc nhìn và suy nghĩ khác. Tôi tin Nhiên sẽ tiếp tục sống, cảm nhận và kể tiếp những câu chuyện của cô ấy.
Tôi chờ.
Kang Nguyễn