KHÁCH LẠ TRONG TỪNG GIẤC MƠ – PHANBOOK.VN

KHÁCH LẠ TRONG TỪNG GIẤC MƠ

 

“Nhân tiện, “đại loại thế”, câu cửa miệng của tôi, tôi thích nó vì nó qua loa và mù mờ, nó bập bềnh trôi giữa cái chính-xác-là-thế và cái từa-tựa-như-thế, sự vững chắc vỡ ra, những liên kết đứt mạch, như một người ló đầu xuống từ vách dốc và nhận ra, một sự bền vững cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên, một cơ thể lành lặn chỉ là một trong các tổ hợp khả thể của chân tay xương óc, và chân tay xương óc cũng có thể được xếp đặt thành một tổ hợp khác, theo những trình tự khác, lầy nhầy.” (Trích Tháng Bảy gặp cái bóng Ốc Sên)

 Dưới mái hiên đêm, những khách lạ của Hiền Trang cũng là một quyển sách tập hợp những truyện ngắn “đại loại thế”. Mười câu chuyện khác nhau, kể về nhiều nhân vật có thật mà ta từng biết nhưng tất cả những sự kiện trong từng câu chuyện ấy, có thể hoàn toàn không là sự thật, “đại loại thế”.

Tác giả mở đầu chuỗi hành trình xuyên không về quá khứ bằng câu chuyện của Tố Như, một câu chuyện ngỡ như tuyết bay trắng trời cùng cô ca kỹ không tên ở Long Thành năm ấy. Tiếp tục dòng cảm xúc bi ai là câu chuyện về vị vua lưu vong xứ người - Hàm Nghi. Nhưng giờ đây, người ấy không còn là một vị vua nữa, mà chỉ với tư cách “từng là” vua. Và anh cũng không còn muốn nhắc đến vua hay một từ nào đại loại thế. Anh thích được nói về tác phẩm của mình và với tư cách là nhà điêu khắc hơn, hay “là bất cứ cái gì, ngoại trừ một vị vua”. Khi tiếng chim ruồi vỗ cánh, cũng là lúc kết thúc câu chuyện của Hàm Nghi, Hương Cảng vẫy gọi và câu chuyện của Nguyễn Tuân bắt đầu. Hành trình vượt biển để xuất hiện 3 giây trước ống kính máy quay trong một bộ phim nọ của nhà văn tài ba được kể lại một cách sống động thông qua nhiều giọng kể của con tàu, của Hương Cảng, của vai diễn, của chữ nghĩa, của đồng hồ, của máy quay, của đầu mẩu thuốc,… Rời Việt Nam, câu chuyện tiếp tục với hành trình kiếm tìm ngôn từ ở Illyria và cuộc gặp gỡ giữa William Shakespeare với Thi Nhân - như một sự đốn ngộ diệu kỳ. Tiếp theo đó là câu chuyện về cuộc hải hành của Columbus đi tìm Ấn Độ nhưng lại phát hiện ra Châu Mỹ và “Mặc dù thế, ông vẫn đinh ninh đó là Ấn Độ.” Và Paul Gauguin gửi thư cho Vincent van Gogh rồi xót xa khi nhận ra rằng làm gì còn một Vincent nào tồn tại.

Cùng với đó, những nhập nhằng trên con đường làm đủ đầy một nghệ thuật và cách những thứ trong tranh bày tỏ nỗi niềm để rồi sau cùng, chẳng còn lại gì cả, ngoài một “bầu trời lấp lánh ánh sao”. Nếu người còn sống có thể kể lại câu chuyện của mình thì người đã chết cũng cần có cái đặc quyền ấy. Vì thế, Elvis Presley - một người đã chết, bình thản kể lại câu chuyện cuộc đời mình và lặng lẽ tham gia đám tang của mình cùng một đoàn lô nhô những con người mà có thể ông không hề quen biết. Hay một viên phi công nọ từng thả hồn và mặc cho bản thân đắm chìm trong mỗi nốt nhạc của Chopin cho đến một ngày phải tự kìm nén mình không được như thế nữa. Trong khi nhạc Chopin vang lên, có biết bao điều xảy ra, có bao nhiêu con người đã chết, và cho dù là thế thì Chopin-không-tim vẫn sống, hay đúng hơn âm nhạc của ông là bất tử.

Còn Hemingway, kẻ mang trong mình suốt đời một tảng băng và dù có chảy cả máu, y vẫn luôn sờ nó để xác định rằng nó vẫn còn ở nguyên đó, trên người y. Sau cùng, kẻ tự xem mình là Tử Thần ấy cũng chết dưới tay tử thần, một phát súng giữa thái dương, và nhẹ nhõm… Và cuối cùng, Neil - một người có phát ngôn rằng “Tôi nghĩ thứ duy nhất cao khiết trên đời, là cái bóng” đã bay lên Mặt Trăng, dù không có nhiều người tin rằng ông đã lên Mặt Trăng. Người ta thắc mắc rằng Neil có khùng không, rốt cuộc khùng hay không khùng thì ông đã “đúng”, “đúng” quan trọng hơn cả.


Rất nhiều những câu chuyện đau lòng đã xảy ra và được kể lại dưới một ngòi bút có vẻ lãng mạn và những ngôn từ nên thơ, mộng ảo. Việc kể lại những câu chuyện liên quan đến nhân vật nổi tiếng là một việc làm khá mạo hiểm nhưng dường như Hiền Trang đã làm khá tốt. Những câu chuyện không nhuốm màu cũ kĩ mà nó như hoàn toàn mới xảy ra, và độc giả sẽ cảm thấy được trải nghiệm những điều mới mẻ chứ không hẳn là những điều đã biết rồi. Lối kể chuyện là một yếu tố góp phần giúp Dưới mái hiên đêm, những khách lạ trở nên thu hút hơn. Có câu chuyện tác giả sử dụng ngôi thứ nhất để kể, khi đọc sẽ có cảm giác như chính con người nổi tiếng đó đang ở đây và kể cho ta nghe câu chuyện cuộc đời họ, có câu chuyện lại hóa thân thành nhiều nhân vật kể và giọng kể khác nhau để kể về một nhân vật, tạo nên cái nhìn đa chiều và dễ thấu hiểu hơn về nhân vật ấy. Đặc biệt, Dưới mái hiên đêm, những khách lạ sử dụng bút pháp mà những năm trở lại đây rất phổ biến đó là xuyên không, huyền ảo. Với bút pháp này, tác giả dễ dàng đưa người đọc vào một thế giới huyễn tưởng và hư vô nhưng đồng thời cũng rất thực, nhất là đối với một tác phẩm viết về những con người có thực, mặc dù không có giá trị cao về mặt sử liệu song cảm giác chân thật và giá trị thẩm mỹ là cái có thể thu hút độc giả khi thưởng thức tác phẩm.

Nếu muốn kiếm tìm sự thật, thì thực lòng chia sẻ rằng, Dưới mái hiên đêm, những khách lạ không giúp đỡ được, nhưng nếu muốn phiêu lãng cùng những giấc mơ và mong chờ cái đẹp huyền hoặc của ngôn từ thì Dưới mái hiên đêm, những khách lạ hoàn toàn có thể đáp ứng, một cách thuyết phục. Vì kể những câu chuyện “đại loại thế” và Dưới mái hiên đêm, những khách lạ là một quyển sách ra đời từ giấc mơ, mà theo Hiền Trang - tác giả của nó, “Tập truyện này là sự trả nợ của tôi đối với những nhân vật đã choán rất nhiều trí tưởng tượng và những giấc mơ kỳ lạ…”. Vì thế, ranh giới giữa đúng và sai, hiện thực và mộng ảo không còn là vấn đề. Hãy xem quyển sách như một lần đi lạc vào mê lộ nhưng đừng vội hoảng sợ, vì dù chưa từng biết đến nhưng đó là một con đường đẹp, hứa hẹn nhiều điều thú vị và cũng không thiếu điều khắc khoải.

 

HƯƠNG HUỲNH

 

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis