Khúc Thụy Du - Chủng loài thi ca nơi miền khí hậu tự do – PHANBOOK.VN

Khúc thụy du - Chủng loài thi ca nơi miền khí hậu tự do

Tôi đã giật mình khi đọc những lời giới thiệu của PHANBOOK cho tập thơ này:

"Thơ, cuối cùng, đâu có mang đến một giải đáp "ý nghĩa" xác quyết nào, mà là một hành trình sấp ngửa của những hoài công, khi mọi đích đến nằm ở phía mênh mông của tình yêu và nhân phận.

Mọi thứ tự tất định sinh ra sẽ đi ngược chiều với tinh thần thi ca. Và đồng thời, cũng có thể hiểu rằng, chỉ có những miền khí hậu tự do mới trổ sinh ra những chủng loài thi ca thực sự". 

Một tập thơ với tròn 50 bài thơ tuyển chọn trong cả một đời thơ của Du Tử Lê (hơn 70 tập thơ và văn xuôi). Và vì thế, ta được thấy những tâm sự xuyên suốt cuộc đời ông từ những năm của thập niên 60-70 đến tận hôm nay (năm 2018 khi ông đang định cư tại California- Mỹ).

Khoảng 80% trong số đó đều được các nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Đăng Khánh... soạn thành các ca khúc. Vậy mà (thật trớ trêu), ngoài bài hát Khúc thuỵ du đã quá nổi tiếng, tôi (và có lẽ không chỉ riêng tôi) chẳng biết gì về ông.

Rất nhiều bài thơ ngay khi ra đời đã là những khúc ca: Khúc thuỵ du, Khúc tháng hai, Khúc tháng chín, Khúc k. riêng chàng. Nó khiến ta như đang được nghe những lời tâm sự của một người hát rong lang thang qua từng vùng để kể những chuyện đời, chuyện mình. 

Phần lớn tập thơ chính là những trang thơ tình chan chứa yêu thương. Có những dòng vô cùng trong trẻo:

"ôi nhỏ có buồn như ta không
nhớ nhung về với nắng sân trường
hàng cây đứng chịu cho đêm xuống
xa người như xa một con sông".
(Trích như xa miền yên vui).

Nhưng cũng có những khổ đau, mất mát đến quặn thắt:

"rồi em bỏ tôi đi
tôi ở lại như con sâu kèn
(ngủ vùi trong bao kín tối tăm
suốt một đời không thể tự mình rúc lên những hồi còi thê thiết)
như con đom đóm
lập loè cơn mê điên".
(Trích khi tưởng tới người vắng mặt).

Nhưng vượt lên trên tất cả là những suy tư, trăn trở khôn nguôi của một người con với Tổ quốc mình: 

"núi nghiêm mặt. vươn vai và, bước tới
núi hỏi tôi: - hồn, vía ở nơi nào?
tôi những muốn hỏi người đi suốt kiếp?
nhưng, con đường lại chỉ những vì sao!

đời ngồi dậy. vươn vai và, bước tới
đời hỏi tôi: - được bao phút an, vui?
tôi ngoảnh lại. thấy người còn đứng đó!
ngọn nến /tôi/ cháy hết vẫn ngậm ngùi".
(Trích ngọn nến/ tôi/ cháy hết vẫn ngậm ngùi).

Hay

"ôi người quê hương một đời ta gọi
ôi người trăm năm đời đời biệt ly
quê hương ta, vốn là người đó
hấp hối với mối tình xót xa".
(Trích quê hương là người đó).

"- anh đã bảo ngủ đi hỡi cô nàng bé nhỏ
quê hương này em đã trót đầu thai
mảnh đất này hoa sớm nở sớm phai
tình sớm đẹp để rồi tình sớm lỡ
hàng rào kẽm canh chừng bọn anh những thằng toan bỏ cuộc
tiếng kèn đồng thúc giục bọn anh điên
hoả châu soi đường dẫn lối đêm đêm
từng tấc đất ngủ yên từng số phận
từng con mắt kinh hoàng từng bàn chân lận đận
từng ngón tay ôm cò súng lăm le
- anh đã bảo ngủ đi hỡi cô nàng bé nhỏ
có gì đâu đêm đã thế từ lâu.
có gì đâu đời đã thế từ lâu".
(Trích có gì đâu!).

Và đớn đau đến xé cả tâm can là những dòng thơ trong bài khi tôi chết hãy đem tôi ra biển:

"khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
....

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác đang trôi
....
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn".

Một nỗi lòng như thế liệu có thể phát ra từ trái tim của một người con không yêu nước?

Và thật trân quý biết bao hình ảnh của những người phụ nữ Việt với đủ đầy những gian lao, những hy sinh lặng thầm. Đó là những người mẹ, người em hiện lên trong thơ ông theo một cách riêng: 

"tìm nhau. gió hú rừng hiu quạnh
ôi tấm lòng em như cẩm lai
mùi thơm gỗ quý trầm sông núi
ta đã vì em ở với đời

tìm nhau. mẹ đứng triền tan tác
gội tóc ngày mưa thả xuống nguồn
ta đi mấy kiếp còn trông lại
lồng lộng trần gian một cõi, riêng".
(Trích còn thơm tay quý phi).

Và lời nhắn nhủ của Du Tử Lê "em cố giữ chút hồn con gái Việt" cũng thật đáng yêu, đáng trọng. Những dòng thơ ấy khiến những con người còn chưa quá trơ lỳ trước thời cuộc sẽ phải giật mình, trăn trở theo ông...

Sẽ thật thiếu sót nếu như không ghi nhận những cố gắng của Du Tử Lê trong việc cách tân thi ca. Ngoài những danh từ riêng, cả tập thơ của ông không có một chữ nào được viết hoa. Mọi ranh giới về mặt ngữ pháp bị xoá nhoà, tuy vậy lại không hề lộn xộn. Thử ví dụ: 

"một nửa tôi/ đã khuya/
vẫn trông ngày nắng, cũ
tuổi thơ khoen sương, mù
mẹ khóc ngày nước, lũ

tôi đi từ đời sau
gánh lạc loài/ kiếp trước/
tìm ai nơi biển sâu?
mẹ ngó mông. / ngạch cửa/

ngọn lửa lấm/ cơn dông/
trong nỗi buồn khuất tất.
người về giữa rạng đông
hút theo chiều/ dị tật/

bàn tay tôi/ tháng ba/
rụng theo ngày liệt kháng.
nghe trong mỗi nấm mồ
tiếng cười khô/ không- táng/".
(Trích nuôi người: trang sách thơm).

Rất nhiều những dấu "/", "-", ".", "," được ông sử dụng một cách có chủ ý và may mắn đã được những người làm sách tôn trọng tối đa khi giữ nguyên tất cả. Du Tử Lê đã thử nghiệm hầu như tất cả các thể thơ của Việt Nam từ thơ tự do, lục bát tới năm chữ, bảy chữ, tám chữ... và đôi chỗ đã phá cách trong số lượng câu chữ hoặc cách gieo vần. Tuy vậy, đây vẫn là những dòng thơ dễ đọc, dễ cảm chứ không như hầu hết thơ tự do, không vần trong thi ca Việt Nam đương đại.

Và cũng phải khen thêm một cái bìa sách thật đẹp in hình 3D một chú chim bói cá - vốn đã thành "thương hiệu" của Du Tử Lê trong Khúc thuỵ du

"như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời"

Cái "cuộc đời đánh mất" mà chính ông nói đó, cũng đã may mắn phần nào khi được nuôi dưỡng lại nơi một "miền khí hậu tự do" để có thể phát tiết vào những dòng thơ đầy cảm xúc.

Cảm ơn PHANBOOK vì những cố gắng mang tới độc giả những giá trị văn chương xưa cũ không nên bị lãng quên, như trường hợp của Du Tử Lê là một minh chứng xác thực.

Hơn cả là cám ơn Hội Yêu Sách đã mang món quà quý giá này dành tặng cho mình. 

- Cảm nhận từ bạn đọc Phạm Huyền Trang

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis