Lên đồi hái sim: Tình người - một chốn đi về
Đọc tập truyện ngắn đầu tay này trong những ngày cuối năm se sắt, những người tha hương giữa phố thị có thể sẽ tìm lại được những giọt nước mắt trong veo của mình.
Thảo Nguyên - một cái tên mới toanh trong giới viết truyện ngắn, nhưng trong tập Lên đồi hái sim, có thể độc giả đã nhận diện được một chân dung văn chương vững vàng.
Chính tình người lặn sâu trong từng trang văn của tác giả có khả năng sưởi ấm cái bề mặt tưởng chừng lạnh lẽo của tập truyện này. - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
11 truyện ngắn trong tập này có một sự nhất quán về giọng điệu, sự đều tay trong bút lực và tập trung trong lối viết, đề tài. Những khu trọ nghèo giữa lòng Sài Gòn và một vùng trung du với những đồi sim, khúc sông, xóm làng hiu quạnh nơi quê nhà Quảng Nam là quãng xê dịch chính của những nhân vật.
Biết bao là nước mắt trong cuộc phiêu dạt của những cuộc mưu sinh nghiệt ngã. Biết bao nghịch cảnh lay động tâm can: đó là người chị Hai mà số phận gửi vào gia đình của Miên theo một cách đầy run rủi, để rồi đáp đền số phận bằng cả cuộc đời cơ cực hi sinh (trong Đồi gió); đó là nhân vật Miên dở dang tình duyên, tưởng đã cam chịu nghịch cảnh, một ngày tìm ra được tình yêu có vị ngọt của mật sim trên bến Thương nơi quê nhà (Mật sim)...
Đồi gió và Mật sim là hai truyện ngắn liên hoàn buồn và đẹp đã mở đầu, tạo ra một không khí chân chất hiện thực và đầy nhân cảm cho tập sách mỏng mà người đọc có cảm giác tác giả hẳn chắt chiu lắm để đi tìm cho ra những đốm sáng lấp lánh của nhân tính, nhân tình trong những bước đầu tiên của cuộc dạo bước văn chương.
Trong văn Thảo Nguyên, dòng sông mẹ Thu Bồn vẫn chảy trong vắt qua những đồi sim nơi trời quê nhà và trong tâm tưởng những người con cơ khổ giữa Sài Gòn. Tác giả biết cách tạo ra những bến sông mát lành nhân cảm để cảm xúc người đọc neo buộc vào văn chương của mình.
Trong văn cô, dù có những cảnh đời khốn cùng và gần như bế tắc thì bao giờ trong trùng trùng bất trắc đó, bản chất của tình người, tình máu mủ, tình phu thê, tình mẫu tử cũng được đánh thức mạnh mẽ.
Anh chồng nhặt rác mắc bệnh nan y, phải rạch cổ tay nhưng lại bị thần chết từ chối (Chống bão), hay nỗi đợi chờ hắt hiu của người mẹ có đứa con đi cai nghiện không về (Bến đợi), chuyện người ta lao đao mưu sinh, chống chọi với bệnh tật nơi đất khách (Giếng làng), hay cả chuyện ghen tuông dằn vặt mất khôn của anh chồng quê (Tro bay)...; các nhân vật trong các câu chuyện của Thảo Nguyên luôn tìm cách vượt lên trên những cheo leo, gập ghềnh của kiếp sống để giữ gìn cho được một chốn đi về - tình người.
Cái giọng Quảng mà dân gian nói là sinh ra để "cãi" (Quảng Nam hay cãi) đi vào văn của Thảo Nguyên ngọt tới nỗi nó làm người ta bật khóc, dù cho đó là những đối thoại khoác lên vẻ lạnh lùng và sần sùi.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tinh tế nhận ra trong tập truyện mỏng này là một kho chất liệu văn hóa vùng miền Quảng Nam. Anh viết trong lời giới thiệu: "Đọc Lên đồi hái sim, có cảm tưởng dù đi đâu về đâu, Thảo Nguyên vẫn đau đáu bê nguyên ngôi làng ruột thịt của mình theo, với đầy đủ vật dụng, thức ăn, cây cỏ, dần, sàng, nong, nia, chổi đót, đậu ngự, đậu ván, chà là, hoa sim, hoa mua...
Dĩ nhiên, tất cả những chi tiết đó rốt lại cốt làm nổi bật điều quan trọng mà nhà văn muốn gửi gắm, phơi bày: con người và tâm tình xứ Quảng".
Một tập truyện đầu tay mà sao buồn đến mức ta nghe được cả tiếng thở dài vẳng lên trong những tiếng lật trang...
Nguyễn Tường/Theo Tuổi Trẻ