Lối về nào cho những người lính Đức thời hậu chiến – PHANBOOK.VN

Lối về nào cho những người lính Đức thời hậu chiến


Trở về sau chiến tranh, Fred hoàn toàn lạc lối giữa những nhộn nhịp của đời sống hiện đại, đang hối hả hàn gắn những vết thương trên vùng đổ nát. 

Heinrich Boll là một trong những nhà văn hậu chiến xuất sắc nhất của Đức. Văn chương của ông luôn thấm đẫm chất u buồn, hoang tàn, nhưng cũng vô cùng nên thơ. 

Trong sáng tác của mình, Boll luôn hướng ngòi bút của mình vào những thân phận nhỏ bé trong xã hội, ở truyện ngắn Thiên đàng đã mất là câu chuyện của một người đàn ông trở về quê hương, sau chiến tranh, tiếc nuối vì nơi thân thuộc chỉ còn lại cảnh đổ nát. Giữa những mất mát ấy, Boll dựng nên nhiều trăn trở riêng tư bằng ngòi bút uyển chuyển, mênh mang. 

Lạc lối về, có nhiều điểm gặp gỡ với Thiên đàng đã mất. Vẫn không khí u hoài tiếc nuối bao trùm ấy, nhưng Lạc lối về nghiệt ngã, cay đắng hơn rất nhiều. 

Lạc lối về, cuốn tiểu thuyết được in lại tại Việt Nam năm 2018, dịch giả Huỳnh Phan Anh chuyển ngữ. 

Câu chuyện được kể dưới điểm nhìn của người vợ và người chồng, theo từng chương đan xen nhau, tạo nên những góc nhìn đa chiều cho tác phẩm, đồng thời cũng để nhân vật có cơ hội được bộc lộ tiếng lòng riêng tư của mình. 

Fred trở về sau chiến tranh, thất bại hoàn toàn. Anh không thể về ngôi nhà quá chật chội đi thuê nơi vợ và hai đứa con đang ở. Anh sợ phải đối diện với số phận của chính mình, sợ lại đánh đập những đứa trẻ mỗi khi căng thẳng bởi đói nghèo và bệnh tật. Fred sống nhờ ở đậu ở nhà người quen, làm những công việc linh tinh, cố gắng có tiền gửi về hàng tháng cho vợ nuôi con. 

Anh biến mất vào trong đám đông thành phố, bộ dạng thất thểu, ủ dột, và thỉnh thoảng để quên đi nỗi khốn khổ của mình, Fred trốn trong các quán rượu, uống cho đến khi say khướt. 

Kate là người vợ đầy trìu mến. Với số tiền ít ỏi Fred kiếm được, nàng cố gắng thu vén nhà cửa gọn gàng, chăm sóc hai đứa con chu đáo. Đôi lúc, trong khi dọn dẹp, nàng ngồi thờ thẫn, nhớ về ngày xưa, khi vợ chồng nàng vẫn còn một ngôi nhà rộng rãi, yên bình, nhưng nàng không oán trách Fred. Sự mệt mỏi không giết chết tình yêu của nàng với chồng, nàng chỉ tuyệt vọng vì hoàn cảnh vợ chồng nàng đang trải qua. 

Heinrich Boll là nhà văn hậu chiến xuất sắc nhất của Đức.

Buổi hẹn hò định kì của hai vợ chồng, chính là cơ hội duy nhất để họ có thời gian riêng tư với nhau. Boll rất dụng công khi miêu tả buổi hẹn hò của Fred và Kate, xoáy vào những việc nhỏ nhặt nhất để thể hiện những xung đột tâm lý sắc nét của mỗi nhân vật. 

Fred muốn được ăn tối cùng vợ, được ở trong khách sạn cùng nhau, đưa nàng đi khiêu vũ…. Anh muốn tạo một không gian riêng tư cho anh và Kate, khi họ không thể ở gần nhau trong chính ngôi nhà của mình. Anh chạy quanh thành phố để vay mượn những người thân quen. 

Fred và Kate gặp nhau trong một khách sạn rẻ tiền, dưới bao ánh mắt nghi vấn, xem thường của người khác. Không ai nghĩ rằng, vợ chồng lại hẹn hò nhau ở khách sạn. Khi ở bên nhau, những tâm tình, mỏi mòn dồn nén bao ngày, được tỏ bày. 

Bằng ngòi bút uyển chuyển, tinh tế của mình, Boll đã miêu tả những diễn biến tâm lý sâu sắc của chàng lính Fred sau chiến tranh khi phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống. Việc không thể hòa nhập được với xã hội đang phát triển một cách chóng mặt, đã khiến Fred trượt dài trong bế tắc. 

Chuyện của cặp vợ chồng Fred và Kate ở Lạc lối về cũng như câu chuyện của biết bao nhiêu người dân nước Đức thời bấy giờ. Biết bao người rơi vào vòng xoáy của chiến tranh, rồi khi cơn lốc của cuộc chiến qua đi, cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn, đầy những ám ảnh, mất mát và bế tắc.

Hình ảnh người Đức trên những trang viết của Boll là những hình ảnh gần gũi, với những câu chuyện nhỏ bé hàng ngày, khơi gợi nhiều đồng cảm của độc giả.

Cuối cùng của tiểu thuyết, đoạn đối thoại giữa Fred và người luôn giúp đỡ anh, Serge như một vọng âm sâu thẳm, gợi nhiều mông lung, đau đáu:

“Serge bảo tôi:

- Con phải trở về nhà con.

Tôi đáp:

- Dạ, trở về.”

Hai tiếng “trở về” ấy vang lên tha thiết, nhưng lối nào là lối trở về của Fred?

Hai tiếng “trở về” ấy cũng chính là một tiếng nói ân cần, vọng lên từ tâm tư tác giả khi ông viết cuốn sách này. Những tác phẩm của Boll luôn giàu lòng trắc ẩn, và lịch thiệp đã đem đến sự an ủi và chữa lành, giữa một nước Đức hậu chiến đầy thương tích.

Heinrich Böll đoạt giải Georg Büchner năm 1967 và giải Nobel Văn chương năm 1972.

Nguồn: T.N/Zing News

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis