MÙI HƯƠNG TRẦM - MỘT CUỐN SÁCH XUẤT SẮC VỀ THỂ LOẠI DU KÝ
Khi mình có những trăn trở về một cái gì đó hơi tâm linh, và liệu vũ trụ này có phải chỉ có các hạt điện tử quay quanh hạt nhân không? Mình đã biết tới TS Nguyễn Tường Bách.
Qua các cuốn sách bác dịch như đạo của vật lý, các bài nói chuyện mình hoàn toàn bị thuyết phục. Bởi sự uyên thâm, sự từng trải, những lập luận, dẫn dắt hết sức khoa học và khúc chiết của bác.
Và lần này Mùi hương trầm - kể về hành trình trở về cội nguồn tâm linh của ông đã không làm mình thất vọng. Chuyến du hành của một người từng trải, luôn chiêm nghiệm sự đời thật khác xa với những chuyến đi của chúng ta ngày nay, không ồn ào, không check in sống ảo, không facebook. Đó là một chuyến đi của sự hoài niệm về đức Phật, sự kết nối tâm thức của một người học trò đối với các đấng thiêng liêng.
Hành trình của bác lần lượt qua các đất nước Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng. Bác đi tới đâu mình có cảm tưởng lịch sử như được tái hiện lại, và bác như hòa vào sống trong thời đó vậy,
Tới Ấn Độ suối nguồn thiêng liêng. Nhờ bác Bách mà mình cũng như được về với thành Vương Xá, về với vườn xoài của nàng Ambabali, tu viện Trúc Lâm, được chứng kiến câu chuyện của vua Tần bà sa la và thái tử A xà thế, Được gặp ngư ỵ Jivaka, và các thầy Xá lợi Phất, Mục Kiền Kiên, được đến thăm Tứ Động Tâm, được theo dấu chân Phật nghe Phật thuyết pháp, hiểu được nguyên nhân gây đến nạn đổ máu của dòng họ Thích Ca. Từ đó mình càng thấy gần gũi và thương Phật hơn.
Đặc biệt, núi Linh Thứu đã đem lại cho bác Bách cảm xúc tâm linh sâu sắc. Linh Thứu là nơi Phật thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Giờ thì mình đã hiểu tại sao lại có câu " Nam Mô Linh Sơn hội thượng Phật Bồ Tát". Trong chuyến đi về với cội nguồn tâm linh người lữ khách Nguyễn Tường Bách xúc động khi nhớ về thầy Huyền Trang vượt bao gian khổ sang đại học Ananda để tu học rồi mang triết học đại thừa về với Đại Đường, nhờ đó mà Trung Quốc và cả Việt Nam mới có nền Phật giáo Đại Thừa như ngày nay, Bác nhớ về tổ Bồ Đề Đạt Ma sang truyền thiền tông cho Trung Quốc, gặp vua Lương Vũ Đế khai thị cho vua mà vua không hiểu khiến ngài phải lên núi Tung Sơn 10 năm ngoảnh mặt vào vách, tới khi tổ Huệ Khả chặt tay cầu pháp. Trên Linh Thứu linh thiêng bác hoài niệm về Yên Tử về tam tổ Trúc Lâm, thời vàng son của Phật Giáo Việt Nam.
Rồi được cùng bác tới Trung Quốc. Đất nước đã quá đỗi quen thuộc đối với chúng ta qua lịch sử các tổ thiền tông, các tác phẩm kinh điển như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tiếu Ngạo Giang hồ, cô gái Đồ Long của Kim Dung.
Trung Quốc xứ sở của Bồ Tát. Trước những cảnh núi non hùng vĩ, những chốn bồng lai tiên cảnh , trước tượng Bồ Tát bất khả tư nghì thật khiến con người ta có những cảm xúc khó tả, dạo động về tâm thức. Tới đây mình đã hiểu vì sao tại các thiền viện chánh điện luôn thờ Phật Thích Ca hai bên là hai vị bồ tát là Phổ Hiền và Văn Thù Sư Lợi. Một vị đại diện cho trí tuệ một vị đại diện cho hành động, hành động luôn phải song hành cùng trí tuệ.
Mình cũng như được cùng bác trở về thời Tam Quốc mà tiếc cho nhà Thục, tiếc cho tình huynh đệ Lưu Bị - Quan Vũ - Trương Phi, tiếc cho trí tuệ của bậc thánh nhân, sự trung hiếu của Gia Cát Khổng Minh. Và được gặp với thánh thơ, tiên thơ: Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị. Rồi đến Tế Điên hòa thượng vị Alahan đắc đạo nhưng xuất hiện với hình tướng nhà sư phá giới.
Có một đoạn mình thấy rất thú vị khi bác Bách viết về nàng ni cô Nghi Lâm khi tới Hằng Sơn. Nàng thiếu nữ tươi đẹp, hoạt bát đầy nhựa sống xuống núi hành hiệp, nhưng cứ mỗi lần phạm chút lỗi lầm lại thầm cầu Bồ Tát tha tội. Rồi nàng đem lòng quyến luyến Lệnh Hồ đại ca, hết sức nhẹ nhàng và đáng yêu.
Và cả câu chuyện tình về nàng Lý Ngư rất đẹp và xúc động.
Cuối hành trình của bác là Tây Tạng - huyền bí và thiêng liêng. Tây Tạng được chúng ta biết đến với một nền văn hóa Phật giáo mật tông hết sức huyền bí và độc đáo. Tới Tây Tạng bác kể về vua Tùng Tán Cương Bố, về nàng công chúa Kim Thành, và sau đó là nàng Văn thành. Mình được biết thêm về lịch sử truyền thừa Phật giáo Tây Tạng, về các ngài Liên Hoa Sinh, Tông Khách Ba. Và về sự tái sinh của các đời Lạt Ma. Thăm Tây tạng hiện nay bác cũng bày tỏ sự tiếc nuối và cảm thông cho hoàn cảnh chính trị Tây Tạng và quan điểm của đức Đạt Ma Lạt Ma thứ 14.
Trong suốt hành chuyến đi ta có thể cảm thấy nỗi lòng nhớ thương, hoài niệm của người con lữ khách nhớ về cội nguồn tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh.
Gấp sách lại mà lòng bồi hồi muốn sách balo theo chân bác ngay. Mình nhớ đến câu của Đức Đạt Ma Lạt Ma:
"Mỗi một năm nên tới chỗ chưa bao giờ tới"
Đi để làm gì để tâm mình được xới lên, nhaỵ bén hơn. Càng đi nhiều biên độ càng rộng càng thúc đẩy ta tìm về điểm bắt đầu đó là chính mình (tâm).
- Tú Trọng Dương