NGƯỜI MẮT KÉP – PHANBOOK.VN

Người mắt kép | Wu Ming-Yi

Quyển sách này là một tác phẩm đáng kinh ngạc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mình.

Đây là một cuốn tiểu thuyết liền mạch, một câu chuyện được chia thành nhiều phần, mỗi phần có những nhân vật khác nhau, liên quan đến nhau theo những cách nào đó. Bối cảnh truyện diễn ra trên một bờ biển thuộc đảo Đài Loan. Một đảo rác khổng lồ (còn gọi là vực xoáy rác = trash vortex) trôi dạt trên Thái Bình Dương đã va vào bờ biển Đài Loan, ngoài việc khiến cảnh quan nơi đây bị phá nát, nước biển chuyển màu xám đục – đỏ vàng lẫn lộn như đã chết, thì sự va chạm này còn gây ra những thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, lở đất, lở núi, cái chết của cá nhà táng và trăm triệu sinh vật khác bao gồm cả con người. Với nỗ lực dọn đống rác 200 triệu tấn mà biển cả đã TRẢ VỀ đất liền, các tình nguyện viên nỗ lực làm việc suốt mấy tháng trời nhưng chẳng thể cứu vãn được gì. Có những điều chỉ có thể cố hết sức để nó đừng xảy ra, còn khi nó đã xảy ra rồi thì không một nỗi hối hận, không thần thánh nào có thể chuyển mọi việc lại như cũ được.

Những trang đầu sách nói về một hòn đảo bí mật tồn tại trên biển ở nơi không ai biết, ở nơi giao nhau giữa trời và sương, hòn đảo tên gọi Wayo Wayo, và tất cả mọi câu đối thoại của cư dân trên đảo lúc nào cũng phải có từ “biển” trong đó. Chính điều này đã khiến mình cười và bị cuốn hút mạnh mẽ bởi câu chuyện. Là một người đang học hỏi về môi trường và nỗ lực theo lối sống bảo vệ môi trường từ 3 năm nay, cuốn “Người mắt kép” giống hệt như lời yêu mãnh liệt viết riêng cho mình, nhưng cũng giống như ngọn roi quất cho mình bàng hoàng. Những điều tác giả Wu Ming-Yi viết chính là những trăn trở trong lòng mình, và dù đã cố gắng giảm xài đồ nhựa đến mức bị mọi người xung quanh chửi bới, xúc phạm, những dòng chữ trong sách này vẫn khiến mình thấy là mình chưa cố gắng đủ, chưa tận hết khả năng để yêu thương hơn nữa các loại sinh vật khác.

“Sao không nói, dân số nhiều quá, thì các loại sinh vật khác phải sống sao? Nếu như dân số của nhân loại được tiết chế lại một chút, thì chúng ta không cần phải khai thác quá nhiều từ môi trường chẳng phải sao?..... tôi chẳng có lời gì oán trách, vì tôi không kiểm soát được điều đó, cũng không cách nào kiểm soát được. Dù có thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không mong rằng đó là do con người gây ra. Tại sao nhân loại phải sinh sôi nhiều tới mức chúng ta đông đúc phủ kín cả địa cầu thế? Đã quá đủ rồi! Tôi không có con và cũng không định có con, vì thế tôi trăn trở về những vấn đề này không phải là vì con cháu của chính tôi đâu”.

Như đã viết trong đoạn trên, dù đây chính xác là những suy nghĩ của mình, thì khi đọc mình vẫn có cảm giác như bị tát thật mạnh, và mình có thể mường tượng sự phản đối dữ dội của rất nhiều độc giả dành cho cuốn “Người mắt kép”, dành cho những tư tưởng quá khác thường của tác giả. Có lần mình đọc trong một bài viết tâm lý học rằng, không muốn có con, không muốn để lại hậu huệ là dấu hiệu của sự khiêm tốn đến tận cùng.

“… Các loại rác trong suốt nằm ngay dưới mặt nước biển, nên vệ tinh nhân tạo không thể chụp được ảnh. Có một phần nhỏ chỉ có thể lái cano ra biển mới nhìn thấy được. Những hại nhựa nylon nhỏ hợp thành khối rác hoạt động giống như miếng bọt biển, sẽ hút nhiều chất hóa học nguy hiểm nhân tạo đã đổ ra biển như hydrocarbon và DDT. Tiếp theo thì những thứ ấy sẽ đi vào chuỗi thức ăn. Người ta từng tìm thấy trong xác chim biển chết những thứ như hộp quẹt gas, bàn chải đánh răng, ống bơm kim tiêm nhựa, mà chim biển và rùa biển nhầm tưởng là thực phẩm nên đã cố gắng nuốt vào. Rác thải của con người xả vào đại dương, rồi đi vào cơ thể động vật biển, cuối cùng xuất hiện trở lại trên đĩa đồ ăn tối của con người. Sự thật chỉ đơn giản như vậy”.

Đoạn trên chắc đã nhiều lần xuất hiện trong các tạp chí khoa học, và chẳng thu hút được sự chú ý của ai cả. Mình nghĩ, dù mấy năm nay mình giảm xài đồ nhựa 1 lần, sống tối giản để giảm dấu chân carbon, nhưng hằng ngày cơ thể mình vẫn bị hấp thu hạt vi nhựa và các loại hóa chất trong thực phẩm, do người khác hoặc do chính mình xả rác trong suốt mấy chục năm trước của đời mình. Sự sống của mình, của loài người có tương quan chặt chẽ với sự sống của các loài khác, vậy mình phải sống như thế nào để không gây tổn hại cho các loài khác đây...

Cuộc đời của các nhân vật trong “Người mắt kép” rất bình thường, có người đi du lịch mạo hiểm, gặp được người có tâm hồn đồng điệu, rồi yêu, kết hôn, có con, sau đó sự nhàm chán đã khiến cho niềm khát vọng những thú vui riêng quay trở lại, họ dần xa cách nhau; có người thì vì tuổi trẻ khốn khó nên phải bán thân kiếm sống, rồi gặp được người tử tế, yêu nhau, kết hôn, nhưng vì không thể vượt qua bản chất yếu đuối tầm thường nên rốt cuộc thấy đối phương nhàm chán, thế rồi bỏ đi để người còn lại phải 1 mình nuôi con… Trong một quyển sách khác, một câu chuyện khác, chắc chắn mình sẽ dừng đọc khi chứng kiến những nhân vật như vậy, nhưng trong cuốn này, chính điểm chung của họ là thứ khiến mình cảm thấy mối dây liên kết với họ: đó là tha thiết thương yêu thiên nhiên, băn khoăn vì những chuyện nhỏ nhặt nhất như côn trùng bị giết thì có đau không, cá bị móc lưỡi câu vào họng thì có đau không, hải cẩu bị lột da sống thì tàn nhẫn như thế nào… Những cảnh đời, những trăn trở, những hành động quyết liệt của nhân vật trong cuốn “Người mắt kép” đã khiến mình cười, khiến mình khóc. Những câu văn dịu dàng mà sôi sục một thông điệp mãnh liệt đã vô số lần chạm tới, nâng niu và rồi bóp nghẹt trái tim mình.

“Nhiều khi Hafay nghĩ, cuộc sống thật sự giống như kiểu mà nhiều người thường nói, có thể lựa chọn được không chứ? Con người sống nhiều khi là một sự trao đổi, đem cái mình có để đổi lấy cái người khác có, đem tương lai của mình đổi lấy thứ hiện tại không có. Nhiều khi đổi đi đổi lại, rồi thì đổi nhằm cái mình đã đổi đi”.

“Thực ra thiên nhiên không tàn khốc. Ít nhất là không quá tàn khốc với con người. Thiên nhiên cũng không trả đũa, vì một thứ vô tri không thể “trả đũa” được. Tự nhiên chỉ làm công việc mà nó cần phải làm. Biển dâng lên thì biển cứ dâng thôi, tới lúc đó chúng ta dọn nhà đi là được chứ gì. Còn nếu không kịp dọn nhà đi thì chết chìm dưới biển, làm thức ăn cho cá. Nghĩ thế chẳng phải là tuyệt hơn sao?”

Tác giả Wu Ming-Yi không chỉ đưa ra những lời chung chung kêu gọi bảo vệ môi trường, mà viết rất kỹ các đoạn mang tính khoa học về kỹ năng đi rừng, về biển, về núi, về địa chất, đào hầm xuyên núi, phóng xạ hạt nhân, và cả tâm lý con người. “Mắt kép” là mắt của của một số loài côn trùng như bướm, chuồn chuồn… mỗi tròng mắt được kết hợp bởi vô số “lăng kính”, hiểu theo cách nào đó thì Thiên Nhiên cũng giống như một tròng mắt kép, vô vàn điều nhỏ nhặt li ti kỳ diệu hợp thành một điều mênh mông to tát cũng kỳ diệu. Và người nào mang đôi mắt kép ấy chẳng phải là hiện thân của Thượng Đế sao?

Cuốn “Người mắt kép” được mình đánh giá là cuốn sách hay nhất tháng 8-2022, và là một trong những cuốn đáng đọc nhất trong đời mình. Quyển sách này viết về biển nhiều đến nỗi nó giống như một tình yêu mênh mang nồng nàn. Song song đó, tác giả cũng viết những câu rung động về núi, về cây, về các loài sinh vật. Đoạn viết về đàn cá nhà táng đã khiến mình rơi nước mắt. Thiên nhiên và vũ trụ đã ưu ái con người đến thế, đã ban cho con người sự sống và mọi điều cần thiết để duy trì sự sống đó, cớ sao chúng ta không biết đền đáp lại dù chỉ là một chút. Chỉ cần cố gắng tiết chế một chút, thấu cảm một chút, nhẹ nhàng giữ gìn một chút thì cũng giảm bớt khả năng gây ra thảm họa diệt vong mà.

- Bài review của bạn Cáo Biển Non Xanh trong group Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển

#Phanbook #Người_mắt_kép #Wu_Ming_Yi
BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis