Câu chuyện bắt đầu ở một làng chài duyên hải Hàn Quốc năm 1910, nơi người dân sống một cuộc đời lầm lũi, đói nghèo dưới ách cai trị lúc bấy giờ của đế quốc Nhật. Cô bé Sunja sinh ra trong gia đình có người cha bị dị tật bẩm sinh, sớm qua đời, bỏ lại cô cùng bà mẹ góa điều hành một nhà trọ tồi tàn. Trong một cuộc gặp gỡ định mệnh, cô phải lòng một người đàn ông giàu có, từ đây số phận của cô hoàn toàn thay đổi…

Những nhân vật trong tiểu thuyết này cũng giống như viên bi trong trò pachinko, phó mặc số phận mình cho may rủi, bị ném đi khắp bàn, hay bị đánh tơi tả bởi những thanh chắn mà không tự làm chủ được vận mệnh. Đối với họ, cuộc đời là một chiếc máy pachinko khổng lồ, còn họ chỉ là những đồng xu hay viên bi trong cỗ máy đời ấy. Cô bé Sunja không muốn chấp nhận cuộc sống giàu sang nhưng mang thân vợ lẽ, dấn thân vào dòng đời đầy gian truân, chấp nhận xa lìa tổ quốc, chịu biết bao khổ nạn.


Ở "Pachinko", ta có thể bắt gặp những con người đê tiện, cơ hội, ăn hôi trên xương máu đồng bào hay táng tận lương tâm nhưng đồng thời ta cũng thấy những con người độ lượng và bao dung, đối xử với nhau bằng tình thương, chan hòa và bác ái.

Min Jin Lee sinh năm 1968 ở Seoul, di cư sang Mỹ cùng gia đình năm lên 7. Trưởng thành trong một xã hội được xem là văn minh hiện đại nhưng đầy rẫy những mâu thuẫn về sắc tộc, cô bé da vàng Min Jin Lee hiểu thế nào là thân phận lưu vong. Trong ấn bản tiếng Việt (dịch giả: Nguyễn Bích Lan; Phanbook và NXB Phụ nữ, quý IV, 2018), độc giả được chứng kiến Sunja từ một thiếu nữ côi cút biến thành một lão bà con đàn cháu đống hay Noa từ lúc còn là một bào thai trong bụng Sunja cho đến khi thành ông bố 4 con, tiểu thuyết "Pachinko" ôm gần như trọn vẹn cả thế kỷ XX của một gia đình Hàn trên đất Nhật.

Tài năng của Min Jin Lee được ghi nhận khi "Pachinko" lọt vào vòng chung khảo giải National Book Award và được tờ The New York Times bầu chọn là một trong mười cuốn sách xuất sắc nhất năm 2017.


Huỳnh Trọng Khang (Người Lao Động)