Thoát ly từ một ẩn dụ chiến tranh – PHANBOOK.VN

Thoát ly từ một ẩn dụ chiến tranh

Đầm lầy: Kiến tạo quốc gia và tự nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Quagmire: Nation-Building and Nature in the Mekong Delta) - một biên niên sử về môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long - được David Biggs thể hiện thấu đáo và độc đáo. 

Cuốn sách này đã giành giải thưởng George Perkins Marsh 2012 - sách hay nhất viết về lịch sử môi trường.

Từ một ẩn dụ

Tựa sách gọi tên một đặc thù tự nhiên của vùng sông nước nhưng sâu xa hơn, nó nhắc lại một ẩn dụ về sự “sa lầy”, thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam từ một tác phẩm khác của nhà báo David Halberstam (*), được ấn hành năm 1972, có tựa The Making of a Quagmire (Tạo nên một đầm lầy).

“Đầm lầy” trong cái nhìn của David Biggs khảo cứu qua hàng trăm trước tác và bó tài liệu gốc trong gần mười năm trời, lại được mở rộng hơn về biên độ lịch sử. Đó là cuộc sa lầy của những “kẻ lạ” mang trong mình những tham vọng kiến tạo quốc gia (hay dựng nước) đến từ Huế, Hà Nội, Sài Gòn, Paris, Washington áp đặt lên vùng môi trường đặc biệt này.

Cuộc can thiệp tự nhiên hẳn có từ thời Phù Nam, Thủy Chân Lạp với những địa đồ đã thành trầm tích. Nhưng đánh dấu mốc về thay đổi cảnh quan là từ trong thời tiền thuộc địa.

David Biggs chỉ ra cụ thể rằng đó là công cuộc “mở cõi” của nhà Nguyễn hồi đầu thế kỷ 18 qua dự án đào kênh Bảo Định (để đưa quân đội đến cảng do người Hoa điều hành), sau đó là kênh Thoại Hà (để đưa người Việt đến định cư ở biên giới Campuchia, bảo vệ vùng châu thổ trước nguy cơ về những đợt tấn công của người Xiêm) và kênh Vĩnh Tế (đã dẫn đến những cuộc nổi dậy của người Khmer, gây ra những đợt dịch bệnh).

Tác giả dành dung lượng khá lớn của cuốn sách để nói về những chính sách can thiệp sinh thái vùng miền trong thời thuộc địa. Không còn là các dự án thủ công, sử dụng nhân công cưỡng bức, cảnh quan sông nước thời kỳ này biến đổi bởi những chính sách của các nhà kỹ trị cao ngạo nhân danh “la mission cilvilisatrice” (khai hóa văn minh).

Những chiếc xáng cạp đi trước và lưu dân theo sau mà hình thành làng mạc, đồn điền. Những luồng lạch được mở ra để phục vụ mục đích quân sự và khai thác nông nghiệp. Nhưng điều mà các nhà kỹ trị không ngờ tới đã xảy ra: một thứ bản năng sinh thái và tập quán cư dân vùng miền đã trở thành những “tác phẩm của nàng Penelope”, chống lại họ.

Xáng nạo vét khai thông một con kênh ở miền Tây Nam bộ thập niên 1930. -Ảnh: flickr.com

Sa bồi, sự thay đổi dòng chảy, mép nước kéo theo những khoản đầu tư chồng chất. Nhưng quan trọng hơn, cảnh quan mới, chính sách đất đai áp đặt đã làm bùng nổ những cuộc nổi dậy, tiêu biểu là Nguyễn Trung Trực ở Mỹ Tho, Võ Duy Dương ở Đồng Tháp, Trần Văn Thành ở kênh Vĩnh Tế… khiến những đầu não ở Sài Gòn, Hà Nội và cả Paris rối ren.

Đối lập với những xáng cạp cùng tàu quân sự, chòi canh là lực lượng nổi dậy linh hoạt với những chiếc ghe tam bản, những cọc chông cắm dưới lòng kênh của cư dân biết quy luật con nước lớn, nước ròng để giành lại vị thế chính trị.

Những kiểu mẫu áp đặt 
và chiến tranh

Bản thân chính sách bình định vùng châu thổ này của người Pháp cũng xoay chuyển qua nhiều mô thức. Từ những chiếc xáng cạp trong viễn kiến của Jacques Réneaud đến sự phát triển các “ô đất Bắc Kỳ” (theo nghiên cứu của Pirre Gourou) lấy “kiểu mẫu” Đồng bằng sông Hồng cho thấy mục tiêu chính sách đã ngấm ngầm chuyển dịch từ quân sự sang dân sự.

Tuy nhiên, các giải pháp gặp nhau ở tính chất “Đông phương luận”: hiểu phương Đông theo cách phương Tây. Điều này lý giải cho cuộc khủng hoảng kinh tế từ thập niên 1930 kéo dài sang chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.

Cũng phải nhìn nhận rằng mở mang điều kiện vận chuyển lương thực từ Sài Gòn về miền Tây bằng đường thủy, đường sắt (kênh Chợ Gạo, tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho) là điều mà các dự án thời kỳ này làm được.

Tiếp nối, những chính sách trong thời Việt Nam cộng hòa áp dụng cho vùng sông nước cũng được David Biggs phân tích khá kỹ. Ngô Đình Diệm với kế hoạch định cư sau năm 1954 và mở những khu trù mật với những chiếc xáng mở đường kênh lớn xuyên rừng. Mô hình định cư kiểu xứ đạo Cái Sắn ban đầu lý tưởng, về sau “vỡ trận” khi các lãnh tụ tôn giáo di dân bị truất quyền, những khu trù mật lại tạo ra sự phản ứng mạnh bởi việc cưỡng bức di dời cư dân…

Nhưng theo David Biggs, thời Đệ nhị cộng hòa, cùng với việc quân sự hóa là máy móc cơ khí kỹ thuật cùng chất hóa học được nhập vào ồ ạt, làm thay đổi các phương thức sản xuất và cả bản chất chiến tranh. Ông tinh tế khi cho rằng những ghe tam bản trong thời chống Mỹ có gắn thêm chiếc môtơ 
kô-le.

Ngoài ra, các dự án kinh tế của Nhật, Hàn nhắm vào khu vực với sự quốc tế hóa dòng Mekong (bằng sự ra đời của Ủy ban Mekong, 1957), vùng miền sông nước này được đặt trong tương quan khu vực địa chính trị và sinh thái rộng lớn, không còn là một đầm lầy hoang vu biệt lập.

Bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, đặt lịch sử môi trường làm trung tâm, biên khảo Đầm lầy... của David Biggs là một công trình sử liệu đáng quý, giúp người đọc hiểu hơn về mối tương quan giữa tự nhiên, văn hóa vùng miền và chính trị trong thời chiến, để từ đó liên tưởng tới thời bình.

CHÚ THÍCH:

(*) David Halberstam, nhà báo người Mỹ đã đoạt giải Pulitzer năm 1964 với loạt bài viết cho New York Times mô tả những thất bại và mục nát vì tham nhũng của chính quyền Sài Gòn được Mỹ ủng hộ. Ông đến Việt Nam năm 1962 và được độc giả chú ý vì những phóng sự chiến trường nóng bỏng phát về Mỹ.

(*) Trịnh Ngọc Minh dịch, Phanbook & NXB Hồng Đức, 2019.

David Biggs là nhà nghiên cứu lịch sử môi trường. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành lịch sử Đại học North Carolina (1992); từng làm giáo viên tiếng Anh tình nguyện ở Việt Nam, rồi nghiên cứu tiến sĩ về vấn đề lịch sử môi trường Việt Nam tại Đại học Washington (1996-2004). Khoanh vùng khảo sát của David Biggs chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Sự hình thành và hoạt động của các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương cùng các phong trào nổi dậy, sự lớn mạnh của Việt Minh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam với phương thức chiến tranh uyển chuyển được viết sống động. Người đọc cũng sẽ hiểu các khái niệm như “mở cõi”, “lưu dân”, “Nam tiến”, “miệt vườn”… theo chiều kích khoa học môi trường và địa chính trị, thoát ly tính văn học và những dẫn dắt có màu sắc huyền thoại hóa bấy lâu.

Nguyễn Tường

Theo Tuổi Trẻ

BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục

TAGS

bao chi binh luan nganh xuat ban chinh tri Cảm nhận tieu thuyet sách Nguyễn Ngọc Thuần cảm nhận Trịnh Công Sơn Bob Dylan John C. Schafer Ky uc lac loai Tu sach danh tac Sách W. G. Sebald Tin tuc Một chuyến đi Nguyễn Nguyên Phước Review Tiểu thuyết CỬU LONG David Biggs Đầm Lầy để thương yêu vừa trong tầm với lê an nhiên tản văn review Để thương yêu vừa trong tầm với Lê An Nhiên Linh Son Cao Hanh Kien nobel van chuong Những con đường tơ lụa Lịch sử thế giới Peter Frankopan Pachinko Min Jin Lee hoa cúc dại Kim Ân Truyện ngắn Hiền Trang Dưới mái hiên đêm những khách lạ truyện ngắn Shosha tiểu thuyết Isaac Bashevis Singer heinrich boll xuat ban Khó mà tìm được một người tốt Flannery O’Connor Flannery O'Connor Du Tử Lê Khúc Thụy Du Thơ Kính sợ và run rẩy Kierkegaard Bình luận Ký ức lạc loài Ký ức của ký ức Nguyễn Vĩnh Nguyên Đà Lạt W.G. Sebald Lên đồi hái sim Thảo Nguyên Nikos Kazantzaki Bửu Ý Mùi hương trầm Nguyễn Tường Bách Kafka Lam Phương Trăm nhớ ngàn thương Nguyễn Thanh Nhã Tiểu sử Chân dung Tủ sách Tân nhạc KÝ ỨC CỦA KÝ ỨC Pedro Páramo Juan Rulfo Pedro Páramo Trăm năm cô đơn Sài Gòn Nguyễn Gia Trí Sáng tạo tin tức Tản văn Đầm lầy Từng bước chân nở hoa Ko Un Nhà thơ Phật giáo Little Pilgrim Sudhana Kinh Hoa Nghiêm hiu hắt quê hương bến cỏ hồng Thích Phước An Tuệ Sỹ Bùi Giáng Phạm Công Thiện Hoài Khanh Võ Hồng Nguyễn Đức Sơn Quách Tấn Vỡ mộng André Gide Vườn đá tảng phương Đông Nikos Kazantzakis